Các địa phương đã sẵn sàng nguồn lực, nhân lực và cả những cách làm mới, sáng tạo để làm dự án đường vành đai (VĐ) 4 TP.HCM hiệu quả. Từ đó sớm đưa dự án về đích đúng kế hoạch, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sơ đồ tuyến đường vành đai 4 TP.HCM.
Ông TRẦN THIỆN TRÚC, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An:
Sẵn sàng làm vành đai 4
Việc đầu tư đường VĐ4 là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Khi tuyến đường đi vào khai thác sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Long An, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và kết nối với Campuchia.
Với ý nghĩa trên, tỉnh Long An đã sẵn sàng bắt tay vào triển khai ngay sau khi dự án được thông qua. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi và gửi UBND TP.HCM để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Quốc hội xem xét.
Tỉnh Long An cũng đã xác định nhu cầu giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, chuẩn bị nguồn kinh phí của tỉnh để bố trí giai đoạn 2026-2030. Cùng với đó, để kết nối, phát huy hiệu quả đường VĐ4, tỉnh Long An cũng triển khai xây dựng các đường tỉnh, huyện, các dự án giao thông trọng điểm kết nối các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển; kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận như các dự án ĐT.827E, ĐT.823D, Tân Tập - Long Hậu…
Sau khi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thay đổi toàn diện bộ mặt giao thông của tỉnh Long An. Từ đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp tỉnh Long An vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ban giao thông và các địa phương đã tổng hợp được những bài học kinh nghiệm từ dự án đường vành đai 3 để thực hiện dự án đường vành đai 4.
Tỉnh Long An cũng tiếp tục vận dụng sáng tạo những thành quả từ dự án đường VĐ3 vào dự án đường VĐ4. Bao gồm tiếp thu, đề xuất các cơ chế đặc thù triển khai nhanh, rút ngắn thời gian, hiệu quả trong công tác như chỉ định thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, GPMB, giải quyết tốt nguồn vật liệu.
Trong đó, công tác GPMB là khâu then chốt, trọng tâm cần phải được ưu tiên, tổ chức triển khai thực hiện ngay, đồng bộ. Đặc biệt là triển khai thi công ngay các khu tái định cư khi đã GPMB như dự án đường VĐ3 mà tỉnh Long An đã thực hiện.
Khu vực dự kiến tuyến đường vành đai 4 sẽ đi qua trên địa bàn tỉnh Long An. Ảnh: HUỲNH DU
Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông):
Xin một số cơ chế đặc biệt
Tổ công tác của Sở GTVT TP, Ban giao thông và các địa phương đã tổng hợp được những bài học kinh nghiệm từ dự án đường VĐ3 để thực hiện dự án đường VĐ4. Đặc biệt, từ công tác bồi thường, GPMB, tái định cư và cơ chế đặc thù để đẩy nhanh thời gian triển khai các thủ tục cho dự án này.
Từ dự án đường VĐ3, TP.HCM và các địa phương tiếp tục xin một số cơ chế đặc biệt. Đơn cử như tách GPMB ra thành một dự án độc lập và tiến hành song song; xin cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn để rút ngắn thời gian chuẩn bị; phối hợp vốn trung ương và địa phương; cơ chế về mỏ vật liệu trong giai đoạn chuẩn bị thi công; cơ chế phối hợp giữa các địa phương với các công trình hạ tầng giao thông trong dự án đường VĐ4 khi triển khai dự án giáp ranh.
Các vấn đề như vật liệu xây dựng, cát đắp nền cũng sẽ được TP.HCM và các địa phương kiến nghị xin một số cơ chế để đảm bảo nguồn vật liệu. Chúng tôi tin rằng với sự chuẩn bị này sẽ đảm bảo vật liệu phục vụ dự án trọng điểm quốc gia.
Với những bài học kinh nghiệm từ dự án đường VĐ3, khát vọng mạnh mẽ cho dự án đường VĐ4 - trục nối kết liên vùng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Nam Tây Nguyên, miền Tây… cần được triển khai cấp bách, hiệu quả.
Lúc này các xe sẽ không cần phải đi xuyên qua các trục hướng tâm qua TP, thay vào đó sẽ di chuyển qua các tuyến cao tốc, kết nối với các đường VĐ4, VĐ3 để kết nối về hệ thống cảng biển, di chuyển về các tỉnh lân cận một cách dễ dàng. Từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông nội đô, tăng cường phát triển kinh tế, mở ra không gian phát triển mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Dùng nguồn lực của tỉnh để đầu tư các tuyến đường kết nối
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông vùng đã được quan tâm đầu tư theo hướng liên kết các tỉnh trong vùng và đã có những bước phát triển quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng về liên kết vùng. Trong đó có dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi dự án được hoàn thành sẽ kết nối với mạng lưới cao tốc, quốc lộ quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị, du lịch, logistics.
Để phát huy tối đa hiệu quả kết nối vùng, tỉnh đã sử dụng ngân sách tỉnh để triển khai đầu tư ba tuyến giao thông kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với các địa phương ven biển để thúc đẩy phát triển du lịch, đô thị.
Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư đường VĐ4 TP.HCM, gắn cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành đi qua năm địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Khi đường VĐ4 hoàn thành sẽ hình thành hành lang kinh tế, khu mậu dịch tự do logistics, công nghiệp, cảng biển, kết nối hệ thống giao thông quốc gia, mở rộng không gian phát triển với các tỉnh trong vùng và ngoài vùng.
Đường VĐ4 dù chưa chính thức triển khai nhưng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã chủ động dùng nguồn lực của tỉnh để đầu tư các tuyến kết nối từ cảng Cái Mép tới đường VĐ4. Sau khi đường VĐ4 hoàn thành sẽ tạo ra tuyến kết nối đồng bộ từ cảng biển đến sân bay Long Thành…
Một đoạn đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương đã đưa vào khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ông NGUYỄN LỘC HÀ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:
Triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng
Đường VĐ4 đoạn qua tỉnh Bình Dương được địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chấp thuận cho tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng trước đây.
Cụ thể, đường VĐ4 đoạn qua tỉnh Bình Dương đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư. UBND tỉnh Bình Dương đề nghị được thực hiện theo chủ trương đã được thông qua, đồng thời kiến nghị được hưởng các cơ chế, chính sách chung dành cho dự án đường VĐ4.
Tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng khoảng 31 km tuyến mới, theo chuẩn cao tốc, giai đoạn 1 có bốn làn xe. Tuy nhiên, có 12 km cuối tuyến (giáp với TP.HCM) là đường hiện hữu qua đô thị bốn làn xe với năm giao lộ giao cắt đồng mức.
Ông VÕ TẤN ĐỨC, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Tiếp tục tập trung đầu tư nhiều dự án
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cùng lúc triển khai nhiều dự án mang tính chất liên vùng, tổng mức đầu tư của các dự án rất lớn nên việc cân đối ngân sách của tỉnh để đầu tư các dự án của trung ương triển khai và các dự án của tỉnh còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Đồng Nai cũng tiếp tục tập trung đầu tư dự án đường VĐ4 TP.HCM. Tỉnh cắt giảm một số dự án chuyển tiếp dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030. Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để đầu tư cho các dự án xung quanh sân bay quốc tế Long Thành.•
H.DU - Đ.TRANG - T.KHÁNH