Vào mùa bệnh sốt xuất huyết

Vào mùa bệnh sốt xuất huyết
7 giờ trướcBài gốc
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Dung
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm SXH, mỗi người có thể bị SXH đến 4 lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần trước.
Nhiều người còn mơ hồ về bệnh sốt xuất huyết
Bà L.T.T. (45 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) là một trong nhiều bệnh nhân bị SXH đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Bà T. cho biết, hơn 10 ngày trước, bỗng dưng bà thấy người rất mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đặc biệt là các khớp chân, khớp tay, cơ thể lúc nóng lúc lạnh, chán ăn, cứ ăn vào là bị ói, nhìn thấy đồ ăn là sợ. Bà T. sau đó được người nhà đưa đến Bệnh viện đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để khám và được chẩn đoán bị bệnh SXH, cho thuốc 3 ngày, điều trị ngoại trú.
Sau 3 ngày uống thuốc, bà T. vẫn còn mệt mỏi, đi tái khám, được bác sĩ hướng dẫn về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để theo dõi, điều trị cho gần nhà, tiện đi lại. Tại đây, mỗi ngày bệnh nhân được thử máu, siêu âm, đánh giá tình hình bệnh. Đến nay, sau gần nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã đỡ mệt mỏi, bớt đau các khớp chân, khớp tay, có cảm giác thèm ăn.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Đồng Nai ghi nhận gần 2,4 ngàn ca bệnh SXH, trong đó, số ca bệnh dưới 15 tuổi chiếm hơn 52%.
Nằm cạnh giường bà T. là bệnh nhân L.T.P. (25 tuổi xã Bình Minh, huyện Trảng Bom). Anh P. có triệu chứng tương tự bà T. nhưng do nhập viện sớm hơn nên sức khỏe bình phục nhanh hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi có biết đi đâu hay ở nhà bị muỗi cắn dẫn đến bị bệnh không, anh P. nói rằng, không biết bệnh SXH là do muỗi cắn mà nguyên nhân là lây bệnh từ ai đó.
Còn bà T. chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa từng bị SXH, cũng không biết gì về bệnh SXH, không biết bệnh đã có vaccine phòng ngừa. Vì vậy, quanh năm nhà tôi ngủ chưa bao giờ mắc mùng, không thực hiện biện pháp diệt muỗi nào”.
Được bác sĩ chỉ cho biết nguyên nhân gây bệnh SXH, cả 2 bệnh nhân mới giật mình và cho biết, sau khi xuất viện về nhà sẽ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang cây cối rậm rạp trước nhà, ngủ mùng và diệt muỗi, diệt lăng quăng.
Không được tự ý điều trị, truyền dịch
Nguyên nhân gây bệnh SXH là do virus Dengue lây truyền từ muỗi vằn thuộc chi Aedes. Khi muỗi vằn hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi vằn. Sau đó, nếu muỗi vằn đốt người khỏe mạnh, virus Dengue sẽ được truyền sang cho người đó và gây bệnh SXH.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết thời gian qua khoa tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều ca bệnh SXH là người lớn. Đặc biệt, 2 tuần trở lại đây ghi nhận số ca bệnh tăng, trong đó đã ghi nhận một số trường hợp sốc SXH (bệnh nặng).
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh Quyên thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Bác sĩ Quyên cảnh báo, nhiều người lớn khi thấy bị sốt thường chủ quan và cho rằng bệnh sẽ tự hết, hoặc sẽ tự ra nhà thuốc để mua thuốc uống. Việc uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm bệnh càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, nhiều người lớn khi được đưa vào bệnh viện đã ở trong tình trạng nặng, điều trị rất khó và tốn nhiều thời gian, thậm chí có thể tử vong.
“Người bị SXH tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, chích lễ, tự truyền dịch. Bởi SXH rất dễ bị chảy máu nếu cạo gió, còn chích lễ thì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm gây nguy hiểm cho người bệnh. Khi có các triệu chứng của bệnh SXH, người dân tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị” - bác sĩ Quyên nói.
Trong khi đó, ThS-BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cảnh báo những trẻ bị thừa cân, béo phì nếu bị bệnh SXH sẽ dễ bị bệnh nặng hơn những trẻ bình thường khác, việc điều trị cũng khá phức tạp. Bởi theo bác sĩ Cường, đa số người béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch. Bệnh nhân dễ bị bội nhiễm, khiến bệnh tiến triển nặng hơn như: suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận…
Ngoài người thừa cân béo phì thì các đối tượng khác như: trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính khi bị SXH cũng có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh SXH, người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, đề phòng muỗi đốt…
Hạnh Dung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/vao-mua-benh-sot-xuat-huyet-189679e/