Hồng y Giovanni Battista Re làm lễ bên linh cữu Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, ngày 26/4. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng có những bất đồng với Giáo hoàng Francis về những vấn đề này, ngồi cùng hàng với các nguyên thủ nước ngoài bên một phía của linh cữu trên tại Quảng trường Thánh Peter rộng lớn.
Phía bên kia là các hồng y, những người sẽ bầu ra người kế nhiệm Giáo hoàng Francis tại mật nghị vào tháng tới, để quyết định liệu giáo hội sẽ tiếp tục con đường cởi mở mà Giáo hoàng Francis đã khởi xướng hay trở lại với cách thức truyền thống hơn.
Hồng y Giovanni Battista Re làm lễ bên linh cữu Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, ngày 26/4. (Ảnh: AP)
Vị giáo hoàng người Argentina qua đời ở tuổi 88, sau 12 năm dẫn dắt giáo hội.
“Giàu lòng nhân ái và nhạy cảm sâu sắc trước những thách thức của thời đại, Giáo hoàng Francis thực sự đã chia sẻ những lo âu, đau khổ và hy vọng của thế giới hôm nay”, Hồng y người Ý Giovanni Battista Re, người chủ trì lễ tang, phát biểu.
Vatican ước tính có hơn 250.000 người tham dự buổi lễ, phủ kín quảng trường và các con đường xung quanh. Họ đồng loạt vỗ tay khi Hồng y Re nhắc đến sự quan tâm của Giáo hoàng đối với người di cư, những lời kêu gọi của ngài vì hòa bình, sự cần thiết của đàm phán để chấm dứt chiến tranh và tầm quan trọng của việc xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.
Các giáo sĩ dự lễ tang Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter. (Ảnh: AP)
Tiếng vỗ tay lại vang lên lần nữa lúc buổi lễ kết thúc, khi những người phục vụ nâng quan tài và nghiêng nhẹ để nhiều người có thể nhìn thấy.
Những hình ảnh từ trên không cho thấy Vatican như một bức tranh ghép màu sắc, với màu đen từ trang phục tối màu của các nhà lãnh đạo thế giới, màu đỏ từ phẩm phục của khoảng 250 hồng y, màu tím từ 400 giám mục và màu trắng từ 4.000 linh mục tham dự.
Sau lễ tang, trong tiếng chuông đại hồng chung Thánh Peter vang lên buồn bã, linh cữu được đặt lên một chiếc xe mui trần và diễu qua trung tâm Rome đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Toàn cảnh Quảng trường Thánh Peter trong lúc cử hành lễ tang Giáo hoàng Francis. (Ảnh: AP)
Trong suốt 12 năm lãnh đạo, Giáo hoàng Francis đã từ chối phong cách xa hoa và đặc quyền. Ngài cũng yêu cầu được an táng tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả thay vì trong hầm mộ Thánh Peter — nơi an nghỉ truyền thống của các giáo hoàng.
Lễ an táng được tổ chức hoàn toàn riêng tư. Chiếc xe đưa linh cữu Giáo hoàng Francis rời Vatican qua Cổng Perugino, một cổng phụ cách Nhà khách Santa Marta — nơi Giáo hoàng Francis sinh sống — chỉ vài mét.
Cảnh sát ước tính khoảng 150.000 người dân đứng dọc tuyến đường 5,5 km dẫn đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Một số người giơ biểu ngữ, số khác tung hoa về phía quan tài. Họ hô vang “viva il papa” (Giáo hoàng muôn năm) và “ciao, Francesco” (tạm biệt, Francis) khi đoàn xe đi qua những di tích cổ của Rome, bao gồm Đấu trường La Mã.
Linh cữu Giáo hoàng Francis nhìn từ trên cao. (Ảnh: AP)
Trong số những nguyên thủ tham dự tang lễ còn có tổng thống các nước: Ukraine, Argentina, Pháp, Gabon, Đức, Philippines và Ba Lan, cùng với thủ tướng Anh, New Zealand và nhiều thành viên hoàng gia, trong đó có Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha.
Giáo hoàng Francis qua đời mở ra một giai đoạn chuyển giao được chuẩn bị kỹ lưỡng, với việc thực hiện những nghi thức cổ xưa, bảo đảm sự trang nghiêm và thành kính.
Trong 3 ngày trước đó, khoảng 250.000 người đã lần lượt vào viếng Giáo hoàng Francis trong vương cung thánh đường rộng lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước dự lễ tang Giáo hoàng Francis. (Ảnh: AP)
Dàn hợp xướng trong lễ tang hát các thánh ca Latin, lời cầu nguyện được đọc bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm: tiếng Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Ả-rập, cho thấy tầm ảnh hưởng toàn cầu của Giáo hội Công giáo với 1,4 tỷ tín đồ.
Nhiều tín hữu đã cắm trại qua đêm để có được vị trí gần buổi lễ nhất, trong khi nhiều người khác đến từ sáng sớm.
“Khi tôi đến quảng trường, nước mắt buồn và cũng là niềm vui trào ra. Tôi thực sự cảm nhận được rằng Giáo hoàng Francis đã rời bỏ chúng ta, nhưng đồng thời cũng là niềm vui vì tất cả những gì ngài đã làm cho Giáo hội”, nữ tín hữu người Pháp Aurelie Andre chia sẻ.
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân dự lễ tang Giáo hoàng Francis. (Ảnh: AP)
Tấm gương tuyệt vời
Là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong gần 13 thế kỷ, Giáo hoàng Francis đã nỗ lực tái định hình Giáo hội, đứng về phía người nghèo và những người bị gạt ra bên lề, đồng thời kêu gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ người di cư và chống biến đổi khí hậu.
“Giáo hoàng Francis trở thành tấm gương tuyệt vời về lòng nhân ái, về một đời sống thánh thiện và tình phụ tử phổ quát”, bản tóm tắt chính thức bằng tiếng Latin về thời kỳ dẫn dắt của ngài được đặt bên cạnh thi hài khẳng định.
Linh cữu Giáo hoàng Francis được đưa ra khỏi Vương cung thánh đường Thánh Peter. (Ảnh: AP)
Các nhóm bảo thủ trong Giáo hội từng nhiều lần phản đối nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm làm cho Giáo hội trở nên minh bạch hơn, trong khi những lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh, chia rẽ và chủ nghĩa tư bản của ngài thường bị bỏ qua.
Giáo hoàng Francis cũng mang tinh thần giản dị vào chính lễ tang của mình, với việc đích thân sửa nghi thức tang lễ dài hàng cuốn sách đã được sử dụng trước đây.
Một nữ tu cầm ảnh Giáo hoàng Francis khi tham dự lễ tang tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican. (Ảnh: AP)
Giáo hoàng Francis cũng từ chối truyền thống được đặt thi thể trong 3 lớp quan tài bằng gỗ bách, chì và gỗ sồi. Thay vào đó, ngài được an táng trong một quan tài gỗ đơn giản, có lớp lót kẽm.
Giáo hoàng Francis trở thành giáo hoàng đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ được chôn cất bên ngoài Vatican. Trên mộ của ngài chỉ khắc đơn giản dòng chữ “Franciscus” (tên tiếng Latin của ngài). Bên trên tấm bia đá cẩm thạch treo một bản sao thánh giá bọc sắt đơn sơ mà ngài từng đeo trên cổ.
Bình Giang
Theo AP, Reuters