Vay tín chấp không còn khả năng trả nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Vay tín chấp không còn khả năng trả nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
một giờ trướcBài gốc
Khách hàng tới giao dịch tại ngân hàng SHB. Ảnh: H.A
Không có khả năng trả nợ
Có nhu cầu mua sắm trang thiết bị trong gia đình, anh Nguyễn Vân Long (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thế chấp bảng lương của mình để vay ngân hàng số tiền là 80 triệu với lãi suất dao động từ 18 – 24% trong 24 tháng. Tuy nhiên, sau khi vay mấy tháng thì anh Nguyễn Vân Long bị mất việc do công ty cắt giảm nhân sự. Việc đột ngột mất việc đã làm ảnh hưởng đến tài chính của anh, khiến anh Long không còn đủ khả năng để trả nợ theo tháng cho ngân hàng.
Anh Nguyễn Vân Long cho biết, mặc dù đã nhiều lần trình bày với ngân hàng về khó khăn trên, tuy nhiên phía bên ngân hàng vẫn không chấp nhận và thông báo rằng, nếu anh tiếp tục không hoàn tất khoản vay, có thể bên ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa.
Trường hợp của anh Nguyễn Vân Long không phải là trường hợp cá biệt, trên thực tế cũng có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như anh Nguyễn Vân Long.
Về tình huống này, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho viết, hợp đồng vay tín chấp giữa anh Nguyễn Vân Long và ngân hàng được coi là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Điều 463 quy định: hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Do đó, khi hợp đồng vay đến hạn thì phải có nghĩa vụ trả nợ, nếu không trả nợ thì đã vi phạm quy định cua pháp luật dân sự về nghĩa vụ trả nợ của bên vay quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể: bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện nay thì chưa có nội dung nào đề nghị về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với khách hàng vay vốn tín chấp mà không hoàn trả được nợ do khó khăn về tài chính. Vì vậy, nếu khách hàng không trả nợ cho ngân hàng thì sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự.
Đồng thời, đến thời điểm trả nợ mà bên vay không trả nợ hoặc hoàn trả không đầy đủ thì bên vay sẽ phải trả khoản lãi đối với khoản vay bị chậm trả theo lãi suất cơ bản được quy định bởi tổ chức tín dụng.
Trường hợp này, để buộc khách hàng phải hoàn trả đầy đủ số tiền vay và lãi phát sinh nếu có thì phía ngân hàng có thể sẽ khởi kiện bạn ra tòa án theo trình tự tố tụng dân sự. Sau khi tòa án có phán quyết về trách nhiệm dân sự của người vay thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tại địa phương thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người vay như kê biên tài sản, niêm phong, phong tỏa tài sản, phát mãi tài sản mà người vay sở hữu để thu hồi khoản vay.
Trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Vậy nợ quá hạn bao lâu thì ngân hàng khởi kiện ra tòa, luật sư Bùi Quang Thu cho biết, pháp luật không quy định cụ thể đó là thời hạn bao lâu kể từ khi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ và trong hợp đồng cho vay cũng không ghi nhận cụ thể về thời điểm phát sinh quyền này, mà phụ thuộc vào thiện chí giải quyết vấn đề của bên vay.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tại Điều 429, Bộ luật Dân sự 2015, về thời hiệu để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, thời hạn sẽ là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hay theo quy định tại Điều 186, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, về quyền khởi kiện vụ án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy thì, nếu cá nhân và tổ chức nợ quá hạn ngân hàng trong vòng 3 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không trả nợ, cá nhân và tổ chức đi vay sẽ bị ngân hàng khởi kiện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng khác.
Và trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Về bản chất, quan hệ vay vốn tại ngân hàng là một quan hệ dân sự, được thiết lập dựa trên sự tự nguyện giữa bên vay và bên cho vay. Do đó, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đều dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên.
Tuy nhiên, trong trường hợp đến hạn mà người vay cố tình không thanh toán dù có khả năng chi trả, hoặc có hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc đã sử dụng khoản vay vào các mục đích trái pháp luật... dẫn đến mất khả năng trả nợ, thì người vay có thể bị xử lý hình sự về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong tình huống đó, nếu hành vi có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vay nợ quá hạn có thể phải đối mặt với án tù, đồng thời vẫn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản nợ cho ngân hàng.
Minh Dương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vay-tin-chap-khong-con-kha-nang-tra-no-co-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-419603.html