VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính

VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính
6 giờ trướcBài gốc
Nội dung được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến đóng góp trong hội thảo, gồm: Chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập và quản lý thuế. Đây là những nội dụng liên quan trực tiếp nhiều đến doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho hay, Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật, đây là điểm mới trong công tác xây dựng văn bản Luật của Quốc hội và Bộ Tài chính.
VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính. Ảnh: Hải Linh
Tuy nhiên, việc sửa đổi bổ sung nhiều luật trong một Dự thảo Luật có điểm mạnh và không mạnh. Về điểm mạnh, theo đại diện VCCI là giúp tháo gỡ nhanh những khó khăn từ thực tiễn cho doanh nghiệp mà không phải chờ sửa đổi lần lượt từng luật. Và với quy trình hiện nay, sửa đổi từng luật sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể tạo ra sự tắc nghẽn và đình trệ.
Điểm không mạnh là theo quy trình rút gọn vấn đề được đưa vào sửa đổi lớn, chưa được đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc có thể tạo ra tác động lớn không mong muốn cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho hay, thời gian qua, VCCI có nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp về một số quy định của Dự thảo mang tính tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp, có thể kể đến như: Bổ sung thêm hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán, đưa ra thêm các điều kiện phát hành, gia tăng các hạn chế với việc phát hành các loại chứng khoán.
Bổ sung thêm trách nhiệm cho các tổ chức liên quan đến phát hành chứng khoán như tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán…; nâng mức phạt vi phạm hành chính với lĩnh vực kiểm toán; bổ sung thêm trách nhiệm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử liên quan đến hoạt động quản lý thuế…
Đặt trong bối cảnh luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, điều này cần hết sức cân nhắc. Trước hết, thời gian soạn thảo ngắn, các hoạt động đánh giá tác động, tham vấn, trao đổi, đóng góp ý kiến giữa cơ quan soạn thảo và đối tượng chịu tác động là chưa nhiều, so với soạn thảo theo thủ tục thông thường. Hai là, mục tiêu của sửa đổi là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Liệu các quy định này đã song hành của mục tiêu sửa đổi của đạo luật? Và hơn hết, liệu chúng ta có nên bổ sung các quy định có tính chất tăng nặng nghĩa vụ theo một quá trình soạn thảo rút gọn như vậy hay không”, đại diện VCCI nhấn mạnh.
Hải Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/vcci-lay-y-kien-doanh-nghiep-cho-du-thao-luat-sua-doi-7-luat-cua-bo-tai-chinh-352968.html