Biết mấy chị em tôi thích ăn bánh chưng, vì vậy năm nào sau mỗi mùa vụ, bố đều nhắc mẹ cất trữ gạo nếp, đỗ xanh để tết gói bánh. Tôi từng tò mò hỏi bố, vì sao tết đến nhà nào cũng gói bánh chưng? Bố giải thích: “Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Việt. Tục gói bánh chưng ngày tết không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được giữ gìn, với bố mẹ, đây còn là sự mong đợi các con về, là tết đoàn viên”.
Nhớ lại ngày mấy chị em tôi còn nhỏ, tết đến không khí trong nhà cũng chộn rộn hơn. Thời đó khó khăn, muốn được ăn bánh chưng phải chờ đến tết chứ không dễ mua như bây giờ. Tết quê ngày ấy, trong xóm thường “đụng” lợn. Mỗi nhà cùng chia nhau phần thịt lợn đem về ăn tết. Đỗ xanh mẹ trồng. Lá dong sẵn có ngoài vườn, mẹ cắt vào bảo chị em tôi rửa sạch, lau khô. Lạt tre, bố tự chuốt từ những cây tre bánh tẻ sau nhà. Chiếc chiếu hoa trải bên hiên nhà, nguyên liệu đã bày biện sẵn sàng, bố bắt đầu gói bánh chưng. Chị em tôi cũng ngồi xếp bằng ngay ngắn, chăm chú xem bố gói bánh. Đứa nào cũng nài nỉ: “Tí nữa, bố gói cho con chiếc bánh chưng be bé, bố nhé!”. Khi thấy bố gật đầu đồng ý, đứa nào đứa ấy háo hức, sung sướng lạ kỳ.
Lớn dần lên, chị em tôi được bố chỉ dạy cách gói bánh chưng. Dù hơn hai chục bánh, mỗi đứa chỉ tập tành gói duy nhất được 1 cái, thế nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc, là những kỷ niệm chẳng thể nào quên trong suốt dọc dài tuổi thơ chúng tôi khi được ở bên gia đình.
Cũng là bánh chưng, cũng từng ấy nguyên liệu, nhưng những chiếc bánh bố gói lại rất đặc biệt. Đó là hương vị tình yêu bố gửi trong mỗi chiếc bánh chỉn chu, vuông vức, đẹp mắt. Mỗi chiếc bánh bố gói, mới nhìn thôi cũng đủ ngon rồi.
Xa quê, vì cuộc sống mưu sinh vất vả, lời hứa về quê ăn tết cùng bố mẹ của chị em tôi đôi khi phải bỏ ngỏ. Dù thế ngày tết, bố mẹ vẫn gói bánh chưng và gửi “tình quê” vào làm quà cho con cháu phương xa.
Tết năm nay, mẹ ra vào chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng từ rất sớm. Mẹ mong ngóng: “Tết năm nay, chị em chúng nó sẽ về!”. Mẹ không quên nhắc bố: “Ông nhớ gói nhiều bánh”. Bố ngồi chẻ lạt tre, giọng buông chùng: “Biết chúng nó có về không hay lại như năm ngoái”. Bố đáp lời mẹ, ánh mắt thi thoảng hướng nhìn về phía con ngõ dài hun hút như ngóng trông niềm vui bình dị…
“Bố ơi! Mẹ ơi! Chúng con về rồi!”. Mới tới đầu ngõ, chị em tôi đã ríu rít. Nghe giọng các con, bố mẹ mừng mừng, tủi tủi không nói nên lời. Quả thật, chẳng có niềm vui nào sánh bằng niềm vui đoàn viên. Chẳng có hạnh phúc nào sánh bằng hạnh phúc gia đình sum vầy.
Buổi sáng cận tết, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu hoa trải bên hiên nhà cùng gói bánh chưng… Bên cạnh những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, đẹp mắt để dâng cúng tổ tiên, ông bà, chị em tôi vẫn như năm nào, tranh nhau năn nỉ bố: “Bố gói cho con chiếc bánh chưng be bé, bố nhé!” khiến bố, mẹ bật cười.
Những chiếc bánh chưng bố gói, với chị em tôi, mãi là hương vị của tình thân, của đoàn viên, của những ngày tết đong đầy.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Lê Thị Xuyên