Về đất Tổ - nơi cội nguồn dân tộc

Về đất Tổ - nơi cội nguồn dân tộc
2 ngày trướcBài gốc
Chương trình nghệ thuật “Âm vang nguồn cội” khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2025. (Nguồn ảnh baophutho.vn)
Truyền thống văn hóa tốt đẹp
Tỉnh Phú Thọ được biết đến là nơi cư trú của người Việt cổ, cũng là cái nôi của văn minh lúa nước, văn hóa dân tộc Việt. Do vị thế địa lý. văn hóa mà trong quá trình hình thành và phát triển từ xưa tới nay, Phú Thọ luôn được coi là vùng đất thiêng, nơi các Vua Hùng lập nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, Vua Hùng được coi là biểu tượng, là vị tổ dựng nước. Truyền từ đời này sang đời khác, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các Vua Hùng cũng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mong quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an; mưa thuận, gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng; mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...
Hiện nay trong cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Một số địa phương khác có nhiều điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Huế, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre... Các địa phương hàng năm đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng trang trọng, thành kính.
Vào ngày Giỗ Tổ, việc hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Trải qua thời gian, dần hình thành Lễ hội Đền Hùng, còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương và trở thành lễ hội lớn của cả dân tộc, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Bởi vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định giá trị và ý nghĩa sâu sắc của nét đẹp văn hóa này.
Với niềm tự hào ấy, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm còn được xem là thời điểm “vàng” để quảng bá hình ảnh Phú Thọ, thu hút du khách từ mọi miền đất nước về với cội nguồn. Phú Thọ cũng xác định phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế.
Điểm đến đa sắc màu
Phát huy lợi thế trên, hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, tỉnh Phú Thọ đón hàng triệu lượt du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng. Gần nhất năm 2024, dịp này Phú Thọ đã đón hơn 3 triệu lượt khách. Tỉnh đã và đang nỗ lực nâng tầm công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một lễ hội mẫu mực, trang trọng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Năm nay, Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ được tổ chức từ ngày 29/3 - 7/4 (tức từ mùng 1 - 10/3 năm Ất Tỵ). Bên cạnh các hoạt động truyền thống, Lễ hội có nhiều điểm mới, mang đến những trải nghiệm đặc sắc cho người dân và du khách. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Âm vang nguồn cội” đã diễn ra vào tối ngày 1/3 âm lịch tại quảng trường Hùng Vương; không gian văn hóa sôi động tại công viên Văn Lang với nhiều hoạt động nổi bật như: Biểu diễn hát xoan; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trưng bày chuyên đề giới thiệu về tư liệu, hiện vật thời kỳ Hùng Vương... Bên cạnh các hoạt động văn hóa, lễ hội năm nay còn tổ chức nhiều giải thể thao tạo sân chơi sôi động và ý nghĩa, bao gồm: Giải Golf “Uống nước nhớ nguồn” - Phú Thọ năm 2025, Festival Tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn, giải Marathon “Về nguồn” năm 2025... Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất Tổ mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng thông qua thể thao và văn hóa.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh với các cơ quan báo chí rằng: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay là đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được xem là thời điểm quan trọng để quảng bá hình ảnh Phú Thọ, thu hút du khách từ mọi miền đất nước về với cội nguồn”.
Để làm được điều đó, Phú Thọ đang nỗ lực khẳng định đây không chỉ là vùng đất cội nguồn của dân tộc mà còn là điểm đến đa sắc màu, hội tụ đầy đủ yếu tố, tài nguyên du lịch quý giá để trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tâm linh. Bên cạnh dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hiện nay ngành du lịch Phú Thọ đang mở rộng không gian du lịch, trong đó có du lịch thể thao, du lịch golf, nghỉ dưỡng... đa dạng hóa sản phẩm, giảm tính mùa vụ thay vì chỉ tập trung cho mùa cao điểm lễ hội.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, địa phương đang hướng tới hình thành 5 trung tâm với các sản phẩm du lịch đặc trưng, như TP. Việt Trì là điểm đến lễ hội gắn với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và vui chơi, giải trí về đêm; khu vực Thanh Thủy với du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với suối khoáng nóng và cảnh quan thiên nhiên; khu vực Tam Nông với loại hình du lịch thể thao, du lịch golf; khu vực Long Cốc và Vườn quốc gia Xuân Sơn gắn với du lịch cộng đồng.
Ngành du lịch Phú Thọ cũng tăng cường kết nối với doanh nghiệp du lịch và lữ hành trên cả nước nhằm mở rộng các thị trường nguồn; tiếp tục triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh, tạo thêm nhiều tuyến du lịch liên tỉnh hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch về với đất Tổ.
Nguyễn Hiền
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/ve-dat-to-noi-coi-nguon-dan-toc