Vẻ đẹp bình yên của không gian Hợp tác xã Sinh Dược

Vẻ đẹp bình yên của không gian Hợp tác xã Sinh Dược
8 giờ trướcBài gốc
Một góc không gian mộc mạc, bình yên của Hợp tác xã Sinh Dược.
Con đường nhỏ dẫn vào Hợp tác xã Sinh Dược như dải lụa mềm vắt qua miền ký ức. Dưới tán bồ đề, lũy tre xanh rợp, ánh nắng xuyên qua từng kẽ lá, đan thành những vệt vàng loang khắp nền đất. Gió đầu mùa hạ mang theo hương thơm ngai ngái của rơm mới, mùi bồ kết, thảo dược phảng phất từ những sân phơi... Đến nơi này, mỗi bước chân như chạm vào miền cổ tích, như nhịp xưa đã ngưng lại, chưa từng phai dấu điều gì...
Đường vào hợp tác xã được cắm cờ trước ngày lễ trọng đại của đất nước.
Ngang qua sân phơi, bắt gặp những cây rơm vàng óng, chất cao ngay ngắn như những ngọn đồi nhỏ im lìm giữa nắng trưa. Kề bên, bao nhiêu chum sành. Nghe chủ nhiệm hợp tác xã giới thiệu thì: "Chum đã đậy bên trong có rượu mơ, chum úp xuống thì đang chờ ủ mẻ mới, từng ấy chum, có mời mọc la đà cũng chẳng biết bao giờ mới hết".
Hợp tác xã có nhiều khu với thiết kế đậm nét văn hóa Việt.
Lời nói mộc mạc xen trong tiếng tre xanh rì rào, kẽo kẹt. Lời thì thầm của thiên nhiên, hòa vào bao câu chuyện của đất, của trời và của bàn tay cần cù người nông dân một nắng hai sương.
Hàng chục năm qua, hợp tác xã đã làm ra nhiều sản phẩm từ thảo dược: xà bông, dầu gội, dầu tắm, tinh dầu... cho tới: tranh ghép lá bồ đề, tranh thêu... và các dòng: phục dựng cổ phục, các mẫu cổ vật... đặc trưng của vùng đất cố đô. Tất cả đều đượm tình đất đai trong tấm lòng yêu làng mạc, quê hương, bám rễ sâu vào văn hóa truyền thống.
Các em nhỏ nô đùa trong hoạt động trải nghiệm.
Hợp tác xã Sinh Dược không vội vã ùa vào làn sóng du lịch đang rì rầm khắp vùng quê. Anh Vũ Trung Đức, chủ nhiệm hợp tác xã chủ trương không dựng khu nghỉ dưỡng, không homestay, không thu vé vào cửa... nhưng cánh cổng vẫn luôn để ngỏ thay lời mời mộc mạc: ai ghé qua cũng có thể lưu lại, uống chén trà, đi chân trần trên nền gạch mát rượi, tham quan góc này góc kia, ở đâu cũng có cái hay, cái thú vị.
Khung cảnh quen thuộc trong sân hợp tác xã.
Vũ Trung Đức sinh năm 1988, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, dù có nhiều cơ hội nghề nghiệp nhưng anh đã quyết định cùng vợ trở về quê hương lập nghiệp, vun đắp cho đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng. Người giữ lửa cho hợp tác xã chưa bao giờ coi mình là doanh nhân. Mọi người trìu mến gọi Đức là "anh chủ nhiệm", từ sáng tới tối cứ tỉ mẩn, lọ mọ việc này việc kia, không ngơi nghỉ.
Những chum rượu mơ được ủ theo công thức riêng.
Tâm huyết của anh không hoàn toàn gửi trọn ở doanh thu mà đó là đời sống lao động sản xuất ngập tràn niềm hứng khởi, lạc quan của bà con nhân dân. Họ được hưởng thụ môi trường làm việc thân thiện, tinh tươm mà vẫn bản sắc, sau giờ làm được về với gia đình, ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà, gần gũi người thân. Vũ Trung Đức luôn đau đáu một điều: Làm sao để người dân không phải sống xa quê?
Bà con xã viên lao động sản xuất cả bốn mùa trong năm.
Câu hỏi ấy không phải lý tưởng mơ hồ mà là trăn trở đầy chân thực, xuất phát từ sự chứng kiến bao chuyến xe, chuyến tàu rời làng; bao mái nhà bỏ không; bao mong mỏi của người cha, người mẹ và sự chật vật của những con người chọn nơi xa xôi khởi nghiệp. Chính bởi nỗi niềm ấy, anh chọn trở về, dựng nên một hợp tác xã không chỉ để sản xuất mà quan trọng hơn là để giữ người, giữ đất, giữ quê.
Khung cảnh gợi lên miền ký ức.
"Anh chủ nhiệm" dáng người gầy gò, lúc nào cũng bận rộn. Có lúc sáng còn thấy anh lùa trâu thong thả ra đồng, lát sau đã loay hoay trong tài liệu, nghiên cứu. Anh yêu làng quê, lắng nghe từng nhịp đập để nghĩ, để mường tượng về những điều anh muốn làm cho làng.
Hợp tác xã sản xuất rất nhiều sản phẩm mang dáng hình ký ức.
Vũ Trung Đức có niềm say mê đặc biệt với văn hóa truyền thống. Những mẫu cổ phục thời Lý, thời Trần; những linh vật mang hơi thở cổ xưa, từ rồng, phượng đến nghê, cóc... đều được anh phục dựng cẩn trọng. Dưới bàn tay của người chủ nhiệm "không bao giờ yên", kho ký ức tưởng đã ngủ sâu trong lòng đất nay lại sống dậy, rực rỡ và có hồn.
Hợp tác xã được bao phủ bởi cây xanh.
Ở Vũ Trung Đức có sự hòa quyện kỳ lạ giữa nét hồn hậu của người nông dân và sự tinh tế của một người nghệ sĩ, một nhà khoa học. Dẫu chân lấm tay bùn mà vẫn đầy suy tư, gần gũi mà sâu sắc. Và chính nhờ vậy, Hợp tác xã Sinh Dược vừa làm ra sản phẩm, vừa trở thành không gian lưu giữ, thổi hồn vào văn hóa bản địa, để quá khứ không lùi xa, mà sống tiếp trong từng hơi thở của hiện tại.
Bồ đề được trồng nhiều trong khuôn viên.
Hợp tác xã đã tạo ra công việc cho người già, người trẻ, bất cứ ai muốn ở lại quê, chăm chỉ lao động có thu nhập, có niềm vui. Mỗi ngày, bà con vẫn thu hái thảo dược để chế biến, có người thêu tranh, xếp lá bồ đề, thao tác các khâu để làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Dưới bàn tay vun vén của Vũ Trung Đức và những người cùng chí hướng, một con đường bình yên đã mở ra, để người quê hương Gia Sinh không phải bỏ lại gốc rễ mình phía sau.
Phơi lá bồ đề sau một vài công đoạn thủ công để làm tranh.
Cảnh quan hợp tác xã đẹp một cách đơn sơ mà đầy thẩm mỹ: bồ đề rợp mát, rơm phơi vàng sân, gió vờn qua mái lá, đàn trâu thong thả gặm cỏ ngoài đồng... Lâu lâu bản tin nội bộ lại vang lên thông báo dễ thương về gia đình "chị" trâu nọ, "anh" trâu kia vừa có thêm thành viên mới, "bé" nghé ấy tên là gì... để bà con cùng chung vui. Nhịp sống nhẹ nhàng, sâu sắc, giữ lấy sự nguyên vẹn, chân thành từ điều nhỏ nhất, tưởng dễ mà không hề dễ.
Hình ảnh thân thuộc của "anh chủ nhiệm".
Nơi ấy, sự bình yên là thật, lòng người cũng thật, như chum nước dưới vòm cây đầy mát lành và không giữ riêng cho ai. Hợp tác xã vẫn mang tinh thần từ thuở xa xưa, nơi in dấu chuyện về Thiền sư - Danh y Nguyễn Minh Không thời nhà Lý đi tìm thuốc chữa bệnh "hóa hổ" cho vua đã tìm ra nhiều dược liệu quý nên đặt tên nơi này là Sinh Dược (nơi cây thuốc sinh sống).
Bà con nghỉ giải lao sau giờ lao động.
Vũ Trung Đức chọn xây dựng công việc và không gian theo lối bền bỉ và tử tế, đánh thức lại giấc mơ xưa cũ của làng Sinh Dược: nơi mà từng chiếc lá, nắm rễ cây cũng có thể góp vào quê hương, giúp con người sống khỏe, sống vui và sống có ý nghĩa. Bốn mùa, không gian hợp tác xã như một bản nhạc đồng quê, nơi âm thanh của lao động chan hòa cùng nắng gió.
Nét bình yên của làng quê Việt.
Mỗi người đến đây, dù là ai, đều có thể tìm thấy điều thú vị cho riêng mình: có người ngồi hàng giờ ngắm tranh; có người thử sức với các sản phẩm từ thảo dược; người lại thích chạm tay vào những sản phẩm thủ công thô mộc mà chân tình; người đắm say trước mẫu cổ phục, cổ vật được phục dựng...
Tuy mộc mạc, nhưng tất cả các công trình của hợp tác xã đều được bố trí, quy hoạch hợp lý.
Không gian ấy vừa để ngắm, vừa để sống, để trải nghiệm và để hiểu về một làng quê đang lặng lẽ gìn giữ ký ức, tái hiện truyền thống trong từng hơi thở đương đại. Hợp tác xã như một bảo tàng mở, bởi ở đây, văn hóa là để chạm, để cảm và để "mang về" theo cách rất riêng của mỗi người.
Xơ mướp phơi khô trước khi làm ra nhiều sản phẩm hữu ích.
Dưới những tán cây rợp mát hoặc trong nhà xưởng, bà con làm vừa chuyện trò rôm rả, kể nhau nghe chuyện làng, chuyện mùa, chuyện những năm xa quê rồi lại trở về. Không khí có sự sum vầy của cộng đồng, mỗi người một tay, mỗi việc một phần, cùng nhau tạo nên một bức tranh lao động rực rỡ sắc màu, ấm áp nghĩa tình.
Mai Lữ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ve-dep-binh-yen-cua-khong-gian-hop-tac-xa-sinh-duoc-post879370.html