Tỉnh Sơn Tây từ lâu đã được biết đến như một vùng đất mang đậm dấu ấn Phật giáo Trung Quốc. Nổi bật nhất phải kể đến những tượng Bồ tát bằng sắt, bằng đồng được dát vàng, những tác phẩm mang vẻ đẹp mềm mại dù được chế tác bằng chất liệu kim loại.
Nhiều bức tượng đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ, không chỉ thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân mà còn là biểu tượng đầy ý nghĩa của tinh thần từ bi và trí tuệ trong Phật giáo Đại thừa.
Chúng hiện diện như những minh chứng sống động về sự giao thoa giữa nghệ thuật và văn hóa Phật giáo nơi đây, gợi nhắc hình ảnh bồ đề bất diệt trên miền đất Sơn Tây.
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Chùa Vàng (金閣寺). Ảnh:https://www.buddhistdoor.net/
Nguồn gốc và ý nghĩa của tượng Bồ tát tại Sơn Tây (TQ)
Các tượng Bồ tát bằng sắt ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ thời nhà Hán (202 TCN–9 CN; 25–220 CN), giai đoạn Phật giáo lần đầu tiên được du nhập vào đất nước này. Tại đây, các tượng Bồ tát được đặt chính giữa ngôi Tam bảo, là nơi tập trung cho sự cúng bái và cầu nguyện. Đồng thời, chúng còn phản ánh sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian cổ đại Trung Hoa.
Người ta tin rằng, việc đặt tượng Bồ tát ở vị trí trung tâm sẽ thúc đẩy dòng chảy của khí, mang lại sự thịnh vượng và vận may cho các tín đồ, các nhà hảo tâm và cả hoàng đế.
Quá trình tạo nên một bức tượng Bồ tát bằng sắt, bằng đồng đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế đồng thời phải có sự hiểu biết sâu sắc về Phật giáo. Những bức tượng này được chế tác từ khuôn đúc, sau đó được mạ vàng hoặc đồng để tôn lên vẻ uy nghiêm, tôn kính các vị Phật, Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa.
Tuy nhiên, trong những giai đoạn đầy biến động, chẳng hạn dưới triều đại của Hoàng đế Vũ (561–578), các tượng Phật từng bị tước bỏ lớp vàng, trở thành những mảnh vụn trong các chiến dịch đàn áp Phật giáo và tịch thu tài sản của các ngôi đền.
Những bức tượng Bồ tát vì thế không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là minh chứng sống động cho lịch sử thăng trầm của Phật giáo tại Trung Quốc.
Ảnh:https://www.buddhistdoor.net/
Tượng Bồ tát là hiện thân lòng Từ bi và Trí tuệ
Tại sao các tượng Bồ tát lại được chọn làm hình tượng trung tâm thay vì đức Phật – người khai sinh ra Phật giáo?
Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ tát giữ một vai trò đặc biệt cao quý. Bồ tát là từ viết tắt, tên đầy đủ là Bồ đề Tát đỏa (Phiên âm tiếng Phạn là: Bodhisattva), trong đó từ “Bồ đề” đại diện cho ý niệm giác ngộ, “Tát đỏa” là nói về loài chúng sinh hữu tình. Cụm Bồ đề Tát đỏa hay Bồ tát ý nói tới người đã giác ngộ, và được hình tượng hóa lên với đặc tính nào đó ví như sự từ bi, yêu thương rộng lớn trùm khắp thế gian.
Những bức tượng Bồ tát bằng sắt, bằng đồng cổ nhất được ghi nhận có niên đại từ thế kỷ thứ 5, là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa giữa các ý tưởng triết học và thẩm mỹ mang đậm bản sắc Phật giáo Trung Quốc. Dù có nguồn gốc từ Ấn Độ, Phật giáo khi đến Trung Quốc đã dung hòa với các tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo, tạo nên một hệ thống văn hóa và tín ngưỡng riêng biệt.
Tại vùng Sơn Tây, nơi được xem là trung tâm của nghệ thuật chế tác tượng Phật giáo, các tượng Bồ tát bằng sắt trở thành biểu tượng cho lý tưởng từ bi và trí tuệ. Những bức tượng này không chỉ là hiện thân của niềm tin, lòng tôn kính mà còn là cầu nối giữa con người và giáo pháp của đức Phật trong đời sống hàng ngày.
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Chùa Vàng (金閣寺).Ảnh:https://www.buddhistdoor.net/
Ngũ Đài Sơn: Tượng Bồ tát Văn Thù và tượng Bồ tát Quán Âm nghìn tay
Không thể nhắc đến tượng Bồ tát mà không nói đến Ngũ Đài Sơn – một trong bốn ngọn núi Phật giáo lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Tọa lạc tại huyện Ngũ Đài, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Tây, Ngũ Đài Sơn là nơi linh thiêng, nơi giao thoa giữa chùa chiền của Phật giáo Đại thừa Trung Quốc và của Phật giáo Kim Cương Thừa Tây Tạng.
Đây là nơi hiếm hoi mà các hòa thượng Đại thừa và các đức đạt Lai Lạt Ma Kim Cương Thừa cùng nhau tụng kinh, tạo nên sự đoàn kết tôn giáo độc đáo.
Ngày 26 tháng 6 năm 2009, Ngũ Đài Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, nhờ giá trị tâm linh và văn hóa đặc biệt. Ngọn núi này từ thời Trung cổ đã được biết đến là nơi cư trú của Bồ tát Văn Thù, thu hút hàng triệu tín đồ hành hương. Nhiều nhân vật quan trọng trong Phật giáo hiện đại cũng chọn nơi đây để xây dựng các đền thờ và trung tâm tu hành, khiến Ngũ Đài Sơn trở thành biểu tượng đặc biệt trong lòng các tín đồ và nhà nghiên cứu nghệ thuật.
Giữa các thềm núi phía Bắc và phía Nam, nổi bật là Chùa Kim Các (jingesi; 金閣寺), tọa lạc tại điểm cao nhất trong năm đỉnh núi chính của Ngũ Đài Sơn, với độ cao 1900 mét. Hoàn thành vào năm 766 bởi Master Hanguang, Chùa Kim Các là biểu tượng quốc gia, công trình nguy nga này, với mái vàng rực rỡ, tỏa sáng trên thung lũng, được gọi là “Đền Cung Vàng”.
Điểm nhấn của Chùa Kim Các là Đại Điện Từ Bi, nơi đặt bức tượng Quán Thế Âm Bồ tát nghìn tay cao 17,7 mét. Đây là một kiệt tác nghệ thuật, được chế tác từ khung đồng bên trong và phủ đất sét mỏng cùng lớp vàng bên ngoài. Bức tượng là minh chứng cho sự tài hoa nghệ thuật của người xưa.
Tác phẩm này được coi là kỳ quan nghệ thuật độc đáo, sánh ngang với các tượng Phật lớn tại Tu viện Tashilhunpo ở Tây Tạng và Zhengding ở Hà Bắc, khẳng định vị trí quan trọng của Ngũ Đài Sơn trong nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc.
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Chùa Vàng (金閣寺).Ảnh:https://www.buddhistdoor.net/
Bồ tát là biểu tượng vượt thời gian của Phật giáo Trung Quốc
Câu chuyện về những bức tượng Bồ tát bằng sắt, bằng đồng là biểu tượng nghệ thuật vượt thời gian của Trung Quốc. Những tác phẩm như bức tượng Quán Âm nghìn tay ở Chùa Kim Các hay Đại Điện Manjushri Ngàn Bát trong Chùa Hiển Thông không chỉ là những di tích lịch sử, mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần hành hương văn hóa, thu hút tín đồ và du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt, Đại Điện Manjushri Ngàn Bát nằm trong Chùa Hiển Thông (Xiantong), một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Ngũ Đài Sơn, được xây dựng từ năm 58–75 sau Công Nguyên dưới thời Đông Hán. Đại điện có kiến trúc độc đáo với ba gian phía tây, rộng 13 mét và sâu 9 mét, mái vòm cuộn tạo nên vẻ cổ kính trang nghiêm.
Trung tâm của Đại điện là bức tượng đồng mạ vàng của Bồ tát Văn Thù (Manjushri), được đúc vào năm thứ 9 triều đại Minh (1581). Tượng cao 5,4 mét, mang thiết kế ấn tượng với năm lớp đầu xếp chồng lên nhau. Mỗi lớp có ba khuôn mặt, dần nhỏ lại từ dưới lên trên, đôi mắt rực sáng thể hiện trí tuệ siêu việt. Bồ tát Văn Thù được miêu tả trong tư thế bán liên hoa, ngồi trên một con sư tử, tượng trưng cho lòng dũng mãnh và trí tuệ. Ngài khoác trang phục thiên giới tinh xảo, đội vương miện Phật bảy viên ngọc, biểu tượng của sự giác ngộ tối thượng.
Điểm đặc biệt của bức tượng là một ngàn cánh tay và một ngàn bàn tay, mỗi bàn tay cầm một chiếc bát vàng, trong đó chứa một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Chính vì thế, tượng còn được gọi là “Bồ tát Văn Thù Thích Ca Mâu Ni ngàn tay ngàn bát.” Hai bàn tay chính của Bồ tát cầm chuông đồng và quyền trượng kim cương – những pháp cụ nhắc nhở chúng sinh tỉnh thức khỏi mê lầm của luân hồi và sống đúng với đạo pháp.
Với dáng vẻ thanh thoát, đường nét mềm mại, và kỹ thuật chế tác tinh xảo, bức tượng Văn Thù ngàn bát là một kiệt tác nghệ thuật Phật giáo thời Minh. Nó không chỉ có giá trị tâm linh lớn lao, mà còn là tài sản quý giá đối với các học giả, tín đồ, và những người hành hương đến Ngũ Đài Sơn chiêm bái.
Tượng Bồ tát Văn Thù tại chàu Hiển Thông.Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/
Tượng Bồ tát tại Sơn tây là một di sản bền vững
Các bức tượng Bồ tát bằng sắt, bằng đồng tại Sơn Tây là minh chứng cho di sản tâm linh và nghệ thuật trường tồn của Phật giáo Trung Quốc. Tượng Quán Thế Âm nghìn tay bằng sắt ở Chùa Kim Các và tượng Bồ tát Văn Thù tại Chùa Hiển Thông kết tinh lòng từ bi và trí tuệ, những giá trị cốt lõi của Phật giáo Đại thừa.
Nằm giữa những đỉnh núi yên bình của Ngũ Đài Sơn, những bức tượng Phật, Bồ tát cổ kính này đã trường tồn qua bao thăng trầm của thời gian, lặng lẽ chứng kiến tiếng tụng kinh ngân vang của các bậc hòa thượng và những lời cầu nguyện đầy thành kính của các tín đồ hành hương. Không chỉ là những di tích lịch sử, chúng còn là biểu tượng sống động của lòng từ bi vô biên.
Khi chiêm nghiệm về những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại này, chúng ta cảm nhận sâu sắc di sản văn hóa phong phú của Phật giáo Trung Quốc – một di sản không chỉ truyền cảm hứng mà còn củng cố tinh thần con người qua nhiều thế hệ, như ánh sáng soi đường khơi dậy lòng hướng thiện trong mỗi con người.
Chuyển ngữ: Liên Tịnh
Nguồn: https://www.buddhistdoor.net/