Vẻ đẹp Tây Hồ trong tranh Nguyễn Quốc Thắng

Vẻ đẹp Tây Hồ trong tranh Nguyễn Quốc Thắng
3 ngày trướcBài gốc
Khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.
Sinh ra và lớn lên bên Hồ Tây, theo nhịp thời gian, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã chứng kiến bao nét đổi thay của cảnh quan, thiên nhiên qua từng mùa, từng khoảnh khắc trong ngày.
Hồ Tây đối với ông là một phần ký ức, một nguồn cảm hứng bất tận. Bởi lẽ đó, khi theo đuổi sự nghiệp hội họa, Nguyễn Quốc Thắng luôn mang trong mình niềm đam mê với vẻ đẹp đặc biệt ấy.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng bên tác phẩm tại triển lãm.
Triển lãm "Sắc thái Tây Hồ" kết tinh thành quả lao động nghệ thuật suốt nhiều năm tháng của họa sĩ, với mục đích tái hiện, biểu đạt vẻ đẹp ở nhiều góc độ của Hồ Tây qua từng khoảnh khắc. Mỗi bức tranh không đơn thuần phác họa phong cảnh mà chứa đựng bao cảm xúc, cung bậc riêng biệt, phản ánh tình yêu sâu sắc của một người nghệ sĩ đối với nơi mình đã gắn bó từ thuở nhỏ.
Tái hiện vẻ đẹp của Hồ Tây là điều không dễ dàng, bởi mỗi lần chiêm ngưỡng, chúng ta đều thấy một vẻ khác nhau, từ những buổi sáng bình minh rực rỡ ánh nắng cho đến những chiều tà lặng lẽ, từ những cơn mưa bụi nhẹ nhàng đến những tia nắng chiếu xuống mặt hồ... tất cả tạo nên những hiệu ứng kỳ diệu mà chỉ có những ai yêu mến, gắn bó với vùng đất này mới có thể cảm nhận, thể hiện một cách trọn vẹn.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng
Mỗi tác phẩm trong triển lãm đều mang dấu ấn cá nhân của Nguyễn Quốc Thắng. Đó là sự kết hợp giữa kỹ thuật chuyên môn với cảm xúc sâu lắng. Tranh của ông mở ra một hành trình khám phá vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. Mỗi bức tranh đều mang những câu chuyện riêng biệt.
Một góc lãng mạn của Hồ Tây.
Điều đặc biệt trong tranh của Nguyễn Quốc Thắng là việc sử dụng màu sắc không chỉ để tạo nên hình ảnh, mà còn thể hiện trạng thái cảm xúc của con người trước thiên nhiên. Từng bức tranh hiện ra với vẻ đẹp riêng biệt, không phải sự bắt mắt, hào nhoáng mà dịu nhẹ, êm đềm, phản ánh giá trị chiêm nghiệm, bình yên trong cuộc sống. Điều đó khiến người xem có thể chìm đắm trong cảm xúc mà không bị choáng ngợp.
Mỗi khoảnh khắc của mùa đều in dấu trong tâm hồn họa sĩ.
Gam màu trong tranh của ông từ xanh lá mát mắt đến vàng ấm áp, từ màu nâu trầm lắng đến màu xám dịu dàng, đều mang đến một cảm giác thanh thản. Từng sắc thái này hòa quyện với nhau, cô đọng thành không gian nghệ thuật đầy ấn tượng, gợi nhớ.
Tôi mong muốn tác phẩm của mình mở ra một không gian nghệ thuật tự do, nơi tất cả những ai đã từng gắn bó với Hồ Tây, dù là người dân địa phương hay du khách, đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp vĩnh cửu của nơi này.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng
Có thể xem triển lãm lần này của Nguyễn Quốc Thắng là những mảnh ký ức được họa sĩ đưa vào từng nét cọ, để người xem có thể cảm nhận được một phần tâm hồn người sáng tạo.
Góc nhìn thân thuộc của Hồ Tây.
Suốt hành trình làm nghề, dù khẳng định mình theo đuổi trường phái hiện thực trong hội họa, song Nguyễn Quốc Thắng lại có những suy ngẫm sâu sắc về cách tiếp cận hiện thực cá nhân. Với ông, hiện thực không thể hiện qua sự sao chép máy móc về thế giới bên ngoài mà đích thị là quá trình nhận diện cảm xúc, một hành trình khám phá vẻ đẹp cuộc sống.
Những bóng nhà, bóng cây hòa với bóng người.
Từ những cảm nhận giản dị, tinh tế về thiên nhiên và con người, họa sĩ khắc họa cảnh vật Tây Hồ với sắc thái đầy sức sống, gần gũi mà khác biệt, khiến người xem có thể ngỡ ngàng trước những điều thân thuộc.
Tái hiện vẻ đẹp mang sắc mầu ký ức.
Trong triển lãm "Sắc thái Tây Hồ", phong cách hiện thực của Nguyễn Quốc Thắng mở ra biên độ lớn của chiều sâu cảm xúc. Đó là dòng chảy ký ức, là sự tái hiện một không gian, thời gian đã trở thành một phần trong cuộc sống của ông, cũng như của những ai đã từng gắn bó với không gian này.
Với hơn 40 bức tranh tái hiện sống động và đầy cảm xúc nhịp điệu, hơi thở của Tây Hồ trong nhiều thời khắc, bối cảnh, triển lãm là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có thêm góc nhìn về vẻ đẹp của Hồ Tây - nơi có chiều sâu lịch sử, văn hóa và những đặc trưng riêng, góp phần làm nên vẻ đẹp đầy bản sắc của xứ kinh kỳ.
Hồ Tây trong tranh Nguyễn Quốc Thắng là một thế giới không ngừng thay đổi, qua sự chắt lọc từ những dấu ấn cá nhân, những ký ức chung của cả cộng đồng. Cùng với sự đổi thay, khi những tòa nhà cao tầng đang mọc lên, những con đường ngày càng đông đúc, những quán xá vỉa hè và cả những pháo hoa rực rỡ trong các dịp lễ hội, họa sĩ đều ghi lại trong các tác phẩm.
Một thoáng mộng mơ, lãng mạn.
Có thể nhận thấy tinh thần lạc quan, hòa nhịp, nhân văn thay vì phê phán hay quá tiếc nuối. Trân trọng cuộc sống qua từng nét đổi thay để nhận ra đó chính là giá trị tiếp nối, tương tác, giao thoa là tinh thần của họa sĩ.
Người câu cá - hình ảnh quen thuộc ở Hồ Tây đi vào hội họa.
Nguyễn Quốc Thắng khắc họa một Tây Hồ qua những hình ảnh quen thuộc, đồng thời có cả những cảnh quan mới mẻ, đầy sức sống của một thành phố đang phát triển. Ánh sáng rực rỡ của thành phố, những gam màu êm dịu của mặt hồ, và không khí tươi mới của thiên nhiên đều được ông lột tả một cách đầy cảm xúc.
Một góc Tây Hồ đầy sức sống.
Bên cạnh những cảnh vật, "Sắc thái Tây Hồ" còn tạo ấn tượng với hình ảnh con người. Họa sĩ đôi khi không đưa con người vào tranh với tư cách là trung tâm hay nhân vật chính mà xuất hiện điểm xuyết trong khung cảnh. Đó có thể là những bóng hình mờ nhạt, không rõ mặt, gợi nhớ tới người dân lao động, người bán hàng, hay những người đi bộ dưới bóng cây bên bờ hồ, đóng vai trò làm nổi bật thêm cho cảnh vật.
Vẻ đẹp của đời sống thường nhật được thể hiện mộc mạc mà tinh tế.
Trong một số tác phẩm khác của ông, con người lại trở thành đối tượng trung tâm, nổi bật với những đường nét rõ ràng và những hình thể đầy đặn. Điều này thể hiện niềm đam mê của họa sĩ đối với vẻ đẹp của con người, đặc biệt là vẻ đẹp nữ tính, trong sáng, mơ màng của những người phụ nữ trên nền cảnh Hồ Tây.
Vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh Nguyễn Quốc Thắng vừa thể hiện thẩm mỹ, vừa toát lên sự suy tư sâu sắc về cái đẹp của đời sống, về sự mỏng manh và vô thường của vạn vật.
Những mảng mầu gợi ký ức xa xăm.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng luôn nuôi dưỡng, vun đắp cho khát khao để tác phẩm của mình có thông điệp rõ ràng để gửi gắm đến người xem. Ông muốn qua mỗi bức tranh, người xem sẽ dấy lên cảm xúc, suy ngẫm, mở ra những ô cửa khác nhau bằng cảm nhận của riêng mình. Mỗi người một cảm nhận riêng, và điều đó với ông là bất ngờ, quý giá nhất.
Mỗi bức tranh mở ra một ô cửa để người chiêm ngưỡng tự cảm nhận.
Hội họa của Nguyễn Quốc Thắng là một sự hòa quyện giữa hiện thực và cảm xúc, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái cũ và cái mới. Như lời ông đã chia sẻ: "Con người, phong cảnh, Tây Hồ thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Đó là vùng nước lớn nhất của Hà Nội, vùng nước vẫn còn rất nhiều sự huyền bí. Để vẽ một vài tác phẩm về một vùng đất, một con người nào đó dễ hơn rất nhiều so với việc xoay đi, xoay lại xung quanh một chủ đề, mà chủ đề ấy lại đã quá gần gũi".
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng trả lời phỏng vấn về triển lãm.
Triển lãm lần này, ông coi đó vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Điều khiến ông trăn trở nhất khi làm triển lãm là tranh bị nhàm chán, trùng lặp, nên cố gắng tìm tòi góc nhìn mới, tâm trạng mới.
"Tâm trạng đổi thì hình mới đổi được", họa sĩ bộc bạch. Có ngày, ông không vẽ gì cả, có ngày lại dựng được một vài bức. Ông mong "đứa con tinh thần" mang đến những lời nhắn nhủ, những ý nghĩa chứ không thể chung chung, hời hợt.
MAI LỮ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ve-dep-tay-ho-trong-tranh-nguyen-quoc-thang-post867715.html