Du khách tham quan nghe thuyết minh giới thiệu về lán Nà Nưa.
Trong cái nắng vàng của một ngày đầu mùa Hạ, sau gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển từ trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đoàn chúng tôi dừng chân tại Cổng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Hướng dẫn viên Ma Ánh Tuyết hồ hởi đón đoàn trong bộ trang phục duyên dáng, truyền thống của dân tộc Tày và giới thiệu về lịch trình tham quan.
Trong hành trình về Khu di tích Tân Trào, điểm đến đầu tiên là Lán Nà Nưa, nằm ở sườn núi Nà Nưa. Trên cung đường đến lán , bước qua 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân cuộc đời Bác Hồ, lán Nà Nưa đơn sơ hiện ra trước mắt. Đây là nơi Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước.
Đứng dưới rừng tre nứa xanh ngát, căn lán Nà Nưa đơn sơ với những đồ vật đã cũ nhưng những câu chuyện về lối sống giản dị, phong cách làm việc khoa học của Bác vẫn còn vẹn nguyên. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày miền núi, quay theo hướng đông tây, có chiều dài 4,20m, chiều rộng 2,70m. Lán chia ra làm 2 gian nhỏ, gian phía bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian phía bên ngoài Bác dùng làm nơi làm việc và tiếp khách. Đặc biệt, khi ở và làm việc tại căn lán đồ dùng sinh hoạt của Bác không có gì nhiều chỉ có một chiếc bàn nứa, một chiếc máy đánh chữ... tất cả những văn bản, chỉ thị, chủ trương, đường lối kế hoạch để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đều được Bác khởi thảo chính từ căn lán Nà Nưa đơn sơ và giản dị.
Đình Tân Trào nơi thờ Thành Hoàng của cư dân làng Tân Lập.
Rời lán Nà Nưa trong sự bồi hồi, xúc động, đoàn tới Đình Tân Trào - nơi thờ Thành Hoàng của cư dân làng Tân Lập. Theo lời diễn thuyết của hướng dẫn viên, đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng cách làng Kim Long 400m về phía tây, đình nhìn về hướng nam, trước mặt là ngọn núi Ao Rừm xanh biếc, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén. Đình dựng năm 1853 (năm thứ 6 triều Tự Đức), lần trùng tu lớn là năm Quý Hợi 1923 với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ Thành Hoàng làng và 8 vị Sơn thần đại diện cho các vị thần sông, thần núi xung quanh khu Kim Long.
Cũng như bao ngôi đình ở làng bản miền núi khác, đình Tân Trào là kết quả lao động, là sản phẩm nghệ thuật của Nhân dân ở đây, song đình Tân Trào còn có một giá trị lịch sử lớn - là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn làm nơi họp Quốc dân đại hội ngày 16 và 17/8/1945.
Tại Đình Tân Trào, ngày 16/8/1945, đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự họp Quốc dân Đại hội nhằm thống nhất chủ trương tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa, 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài “”Tiến quân ca" và cử ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đọc lời thề thiêng liêng trong Lễ ra mắt Quốc dân tại Đình Tân Trào. Đứng trước đình Tân Trào như được chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân Đại hội trong những ngày của cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Điểm dừng chân cuối cùng là cây đa Tân Trào nằm sừng sững giữa làng Tân Lập. Sau bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn tiếp tục sinh trưởng và phát triển, trở thành một điểm đến quan trọng của du lịch Tuyên Quang. Dưới gốc đa Tân Trào, ngược dòng thời gian về quá khứ, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1. Ngay sau đó, quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó đến nay, cây đa Tân Trào trở thành một biểu tượng cách mạng của “Thủ đô giải phóng”.
Khách thăm quan chụp ảnh lưu niệm dưới gốc đa Tân Trào.
Trải qua tám thập kỷ, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào... vẫn "hiên ngang' đứng giữa đất trời như những chứng nhân lịch sử đã chứng kiến những quyết định mang tính bước ngoặt, thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Bà Nguyễn Thị Bình - khách du lịch ở tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đến với Tân Trào hôm nay, tôi như được sống lại trong không khí của những ngày tháng Tám năm 1945 qua mỗi địa danh, gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Những câu chuyện cảm động về Bác, về mảnh đất, con người nơi đây như nhắc nhở các thế hệ mai sau tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức noi theo gương Bác kính yêu”.
Hiện nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào do Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang trực tiếp quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Để phục vụ du khách đến tham quan, Khu di tích đã tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, đầu tư nhà hàng, homestay, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên... Theo số liệu của Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, trong quý I năm 2025, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón trên 120.300 lượt khách đến tham quan.
Hà Nhung