Về lại chiến trường xưa Tà Thiết

Về lại chiến trường xưa Tà Thiết
8 giờ trướcBài gốc
KÝ ỨC TÀ THIẾT
Giữa cánh rừng già Tà Thiết, ông Phan Đức Thắng (SN 1949), một CCB đến từ phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, lặng lẽ đứng thật lâu bên ngôi nhà Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông Thắng từng là thành viên Ban Nghiên cứu, theo dõi thi hành Hiệp định Paris, Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong chiến tranh, ông có nhiệm vụ phiên dịch, dịch thuật tài liệu đấu tranh để nhận lại tù quân sự và tù chính trị của ta ở Sân bay quân sự Lộc Ninh. Đơn vị của ông đóng quân tại Lộc Ninh từ đầu năm 1973 cho đến ngày giải phóng đất nước. Sau này ông chuyển công tác về Bộ Ngoại giao.
Ông Phan Đức Thắng (bìa trái) cùng với anh trai chụp hình lưu niệm bên gốc cây sao do đơn vị ông trồng ở khuôn viên nhà đồng chí Trần Văn Trà trong lần về thăm chiến trường xưa ngày 31-3-2010
Ông Thắng tâm sự, lâu lắm rồi ông mới có dịp quay lại đây. Lần gần nhất là năm 2018, khi đó tỉnh Bình Phước kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông thuộc đơn vị thi hành hiệp định nên được tỉnh mời về tham gia mít tinh kỷ niệm tại thành phố Đồng Xoài và được lên thăm chiến trường xưa Tà Thiết. Lần này ông có dịp vào TP. Hồ Chí Minh nên đã rủ anh trai và các cháu lên thăm lại chiến trường xưa, nơi ông đã từng chiến đấu. “Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi trở lại nơi này vì tuổi đã cao. Cho nên tôi muốn ghi nhớ lại nơi tôi từng đóng quân, nó ở đâu đây, một góc nào đó trong khu rừng này mà tôi chưa định hình được. Tôi đã được thăm lại ngôi nhà của các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định. Tôi rất xúc động, nó là một thời để nhớ, một thời gian khổ nhưng huy hoàng. Như vậy là tôi mãn nguyện rồi” - ông Thắng chia sẻ.
Vừa đi ông Thắng vừa ôn lại kỷ niệm với người thân, rồi lại đi tìm cây gỗ sao mà ông và đồng đội của mình, những thành viên Câu lạc bộ truyền thống Ban Liên hợp quân sự Trại Davis 4 bên và 2 bên Trung ương trong một lần về thăm chiến trường xưa, đã trồng lưu niệm tại nhà Thượng tướng Trần Văn Trà ngày 31-3-2010.
Lần này trở lại, ông nghẹn ngào khi nhìn thấy từng nếp nhà đơn sơ, nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã sống, chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh. Với ông, Tà Thiết không chỉ là nơi làm nhiệm vụ mà còn là nơi hun đúc niềm tin tất thắng, nơi chứng kiến bao gian khổ, hy sinh và cả tình đồng chí keo sơn không gì thay thế được. “Ngày xưa, nơi đây là một khu rừng già rất kín, với 4-5 tầng cây, những cây to, cao chót vót. Căn nhà đồng chí Trần Văn Trà ngày xưa ở vùng lõi, khi đi ngoài đường sẽ không nhìn thấy. Nhưng rất tiếc khu rừng này giờ không còn như xưa nữa. Vì vậy, các cháu thế hệ trẻ hãy bảo vệ di sản này, nó là tài sản quý của quốc gia” - ông Thắng nhắn nhủ.
MỖI GỐC CÂY, CON ĐƯỜNG ĐỀU LÀ KỶ NIỆM
Cũng trở lại thăm Căn cứ Tà Thiết, CCB Phan Văn Minh ở phường Phú Đức, thị xã Bình Long hào hứng kể: Năm 1972, ông được phân công trực tiếp bảo vệ Căn cứ Tà Thiết. Mỗi gốc cây, mỗi con đường mòn đều in dấu chân các chiến sĩ cách mạng, một thời gian khổ nhưng anh dũng.
Đoàn cựu chiến binh thị xã Bình Long thăm căn cứ Tà Thiết và thắp hương tri ân các đồng chí lãnh đạo
Với các CCB như ông Minh, những người từng làm việc tại đây, mỗi mái nhà, mỗi bụi cây, con đường đều là một phần máu thịt. Họ xúc động bước vào khu nhà từng là nơi làm việc của các tướng lĩnh như Lê Đức Anh, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định... nơi từng phát đi những mệnh lệnh chiến lược quan trọng nhất trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thắp nén nhang thơm lên ban thờ đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, người đồng hương Bến Tre, người thủ trưởng kiên cường, gan dạ, ký ức trong ông Minh lại ùa về, vẹn nguyên như mới hôm qua. Ông Minh kể: “Trong một lần đồng chí Nguyễn Thị Định đi công tác qua đơn vị tôi, đồng chí dừng lại và hỏi: Các đồng chí có ai ở Bến Tre không? Tôi giơ tay lên và nói: Dạ cháu ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre ạ? Đồng chí Nguyễn Thị Định xoa đầu tôi và nói. Vậy là chúng ta đồng hương với nhau rồi: Giỏi lắm, cố gắng lên nhé. Lúc đấy tôi hạnh phúc lắm!”.
Các cựu chiến binh thăm hội trường Bộ Chỉ huy Miền
Chuyến hành trình về nguồn không chỉ để nhớ lại một thời khói lửa mà còn là cơ hội để trao truyền ký ức lịch sử cho thế hệ sau. Những câu chuyện mộc mạc, đầy cảm xúc ấy như tiếp thêm lòng tự hào, tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ hôm nay.
CĂN CỨ TÀ THIẾT - MỘT THỜI VANG DANH
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Đây là nơi ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1973-1975.
Cựu chiến binh Phan Văn Minh (thứ 2 từ phải qua) hào hứng ôn lại thời kỳ chiến đấu với các cựu chiến binh thị xã Bình Long
Căn cứ Tà Thiết xây dựng sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Lúc bấy giờ, vùng đất này trở thành trung tâm chỉ huy chiến lược của Bộ Chỉ huy Miền, nơi tập trung các cơ quan đầu não như Bộ Tư lệnh Miền, Cục Chính trị Miền, Cục Hậu cần và Cục Tham mưu. Từ Căn cứ Tà Thiết, nhiều quyết định quan trọng đã được đưa ra, đóng vai trò then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Căn cứ Tà Thiết là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là nơi lưu giữ ký ức về sự lãnh đạo tài tình của Bộ Chỉ huy Miền. Với những giá trị đặc biệt đó, Căn cứ Tà Thiết đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch và giáo dục lịch sử quan trọng, thu hút nhiều thế hệ đến tìm hiểu và tri ân những đóng góp to lớn của ông cha trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Hệ thống hầm hào chiến đấu một thời ở Tà Thiết
Nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà
Ông Vũ Xuân Hiệu, Chủ tịch Hội CCB phường Phú Đức, TX. Bình Long chia sẻ: Thăm Căn cứ Tà Thiết, tôi rất xúc động khi nhìn thấy các đồng chí lãnh đạo tiền bối, những người con ưu tú của dân tộc đã chịu đựng gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp bước cha anh, nguyện lao động hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi người trong chúng tôi sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần yêu nước, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Tà Thiết hôm nay không chỉ là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng mà còn là lời nhắc nhở thiêng liêng để thế hệ trẻ chúng tôi luôn khắc ghi công ơn và trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc và địa phương mình.
Chủ tịch Hội CCB phường Phú Đức, TX. Bình Long VŨ XUÂN HIỆU
Đến với khu Căn cứ Tà Thiết, du khách sẽ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thấu đáo về quá khứ, lịch sử kháng chiến vẻ vang, hào hùng của thế hệ cha anh qua các hiện vật, tài liệu và kiến trúc được phục dựng. Hòa mình, đắm chìm vào không gian thiên nhiên của rừng Tà Thiết, tham gia các hoạt động tưởng niệm và tri ân tại di tích sẽ cho chúng ta nhiều cảm xúc sâu sắc và những ấn tượng khó quên… Căn cứ Tà Thiết không chỉ là điểm đến văn hóa, lịch sử mà còn là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho mỗi người dân Việt Nam.
Hiền Lương
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172175/ve-lai-chien-truong-xua-ta-thiet