Ngày xưa, người ta “dị ứng” với những người mắc bệnh phong. Bởi thế, khi trong làng có người bị bệnh thì thường phải rời đi nơi khác. Ban đầu, có một mình ông Siu Broi là người dời ra riêng, rồi dần dà, người bị bệnh phong xa gần tụ về. Và làng Bluk Blui được hình thành từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX.
Những năm đầu “ra riêng”, cùng với ông Siu Broi, những người “làng mới” phải tự thân làm lụng theo sức của mình để chữa bệnh và nuôi sống bản thân, gia đình.
Tôi nghe các chú lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Kon Tum, là những người “ở lại” giữ phong trào cách mạng ở miền Nam sau Hiệp định Genève năm 1954 theo sự phân công của Đảng kể lại rằng, chính những làng phong là nơi an toàn nhất để các chú nương nhờ. Và cũng chính bà con những làng phong đã chở che cho các cán bộ, đảng viên cộng sản.
Làng Bluk Blui không ngoại lệ. Bởi ở phía Bắc huyện Chư Păh ngày nay là khu 4 ngày xưa như B1, B2, B3, B4. Đây là vùng địch thường xuyên kìm kẹp, đánh phá, lùng sục, càn quét ác liệt. Chúng xây dựng ở đây một đồn biệt kích gồm đa số lính là người dân tộc thiểu số rất thông thạo địa bàn rừng núi.
Thế nhưng, mạng lưới cơ sở và hành lang nối liền giữa phía Đông và Tây Gia Lai với vùng Tây Nam thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vẫn được giữ an toàn.
Làng Bluk Blui ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Đ.M.P
Chú Nguyễn Văn Sỹ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum) từng kể với tôi: Ngày chưa giải phóng (trước năm 1975), ông làm Bí thư thị xã Kon Tum. Các làng phong là nơi ông có thể ăn ở với bà con, cho dù phía bên ngoài làng là đồn bốt của địch.
Vốn là bác sĩ, ông am hiểu về loại bệnh “tứ chứng nan y” này. Ông giúp bà con trong việc phòng và chữa trị bệnh nên được dân làng yêu quý, che chở. Sau ngày miền Nam giải phóng, thỉnh thoảng, ông vẫn trở lại thăm bà con. Một trong những làng phong ấy là làng Đak Kia (xã Đoàn Kết, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
Theo chú Nguyễn Văn Sỹ, làng này hình thành từ thập niên 20 của thế kỷ XX, do người Pháp lập ra để tập hợp những người mắc bệnh phong trong các cộng đồng làng buôn khắp vùng cao nguyên trung phần để dễ quản lý, chăm sóc cho người bệnh.
Còn chú Đặng Ngọc Bân (Bo) hồi còn làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thì kể rằng: Ở huyện Chư Prông có làng Khơ (thuộc xã Ia Boòng) cũng là một làng phong. Và cũng chính nơi đây có những lúc khi còn hoạt động bí mật, các chú nhờ bà con tiếp tế bắp, mì, giúp đỡ che chở khi có địch càn quét, lùng sục...
Ngày nay, với sự phát triển của y học, bệnh phong không còn trong “tứ chứng nan y” nữa. Mỗi lần trở lại làng Bluk Blui, tôi cũng như mọi người vô cùng phấn khởi khi thấy làng ngày càng khởi sắc, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, bà con đoàn kết cùng đồng lòng, chung sức xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, đói nghèo dần lùi về quá khứ.
Những cánh đồng, vườn tược cây trái xanh tốt. Vụ cà phê năm nay được mùa lại được giá nên bà con rất vui. Đường làng được bê tông hóa, gia đình nào cũng có đồ dùng sinh hoạt khá tốt, công cụ sản xuất cơ giới và bán cơ giới thì đa số gia đình đã mua sắm được. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, người già khi ốm đau được chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang.
Lúc chia tay bà con làng Bluk Blui, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Ka kiêm Bí thư Chi bộ làng Rơ Châm H’Ken mời chúng tôi bữa cơm đạm bạc tại nhà riêng do mình tự nấu.
Nữ Bí thư Chi bộ bảo rằng: Bà con đã hòa nhập với cộng đồng và cộng đồng cũng không còn kỳ thị, xa lánh với người mắc bệnh phong nữa. “Thay mặt bà con của làng Bluk Blui, trân trọng kính mời các anh chị, cô chú lại sớm trở về thăm làng nhé!”-chị Rơ Châm H’Ken vui vẻ nói.
ĐOÀN MINH PHỤNG