Về nguồn tri ân vùng căn cứ cách mạng tại Cà Mau

Về nguồn tri ân vùng căn cứ cách mạng tại Cà Mau
3 ngày trướcBài gốc
Đoàn thiện nguyện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra bắc (1954-2024), trong ngày 9/11 vừa qua, Đoàn thiện nguyện thuộc Ban Liên lạc đồng hương Cà Mau-Bạc Liêu cùng đội ngũ y, bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện khác nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến về nguồn để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho khoảng 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình) và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).
Điểm đến của đoàn thiện nguyện lần này là vùng căn cứ cách mạng một thời tại Cà Mau gắn với sự kiện tập kết ra bắc cách đây 70 năm, thể hiện tấm lòng tri ân với lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần dựng xây quê hương, phát triển đất nước.
Sau hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn tập kết đưa lực lượng cách mạng miền nam ra bắc, gồm: Hàm Tân-Xuyên Mộc; Cao Lãnh-Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau có thời gian tập kết dài nhất với 200 ngày (từ 21/7/1954-10/2/1955) và trung tâm của khu vực tập kết ở Cà Mau dọc kênh xáng Chắc Băng nằm trên địa bàn huyện Thới Bình, địa điểm chuyển quân là cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc).
Tại Thới Bình, kênh xáng Chắc Băng nằm trên địa bàn 2 xã Trí Phải và Trí Lực gắn với sự kiện má Lê Thị Sảnh gửi cây vú sữa miền nam ra bắc tặng Bác Hồ với lời hẹn thề sắt son thống nhất non sông.
Còn Sông Đốc là điểm cán bộ, học sinh miền nam lên tàu tập kết ra bắc với nhiều sự kiện quan trọng, tạo dấu ấn cách mạng cho ngày giải phóng, non sông đất nước nối liền một dải.
Vượt lên sự tàn phá của bom, đạn trong chiến tranh, Trí Lực, Trí Phải ngày nay đã chuyển mình, được công nhận là xã nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Thế mạnh của 2 xã này là sản xuất lúa kết hợp với nuôi tôm theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.
Trong khi đó, Sông Đốc là đô thị biển sầm uất và phát triển bậc nhất tại Cà Mau, có thế mạnh về khai thác hải sản với đội tàu đánh bắt xa bờ hơn 1.000 chiếc gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến...
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh đầu tư cho đô thị biển động lực này nhằm hiện thực hóa tầm nhìn dài hơi phát triển kinh tế về hướng biển.
HỮU TÙNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ve-nguon-tri-an-vung-can-cu-cach-mang-tai-ca-mau-post844093.html