Về nhà ăn Tết

Về nhà ăn Tết
5 giờ trướcBài gốc
Năm nào cũng vậy, cứ đúng ngày 25 tháng Chạp, khi trường học bắt đầu nghỉ Tết, tôi và chị Hai đi chuyến tàu cuối ngày hôm ấy để về nhà. Cho đến năm cuối hồi đại học, dù đã quen với những năm tháng ở trọ đi học thì tôi vẫn nôn nao khi tàu bắt đầu vào sân ga. Cảnh vật rất quen thuộc cứ như mình chỉ vừa mới xa nhà ngày hôm qua nhưng chúng tôi vẫn nôn nao nhảy vội vàng qua mấy đường ray để ra cổng bắt cho kịp chuyến xe trước nhất về nhà. Có lẽ mọi người đi cùng chuyến tàu đều có cảm giác giống nhau, cũng tay xách nách mang mà vội vàng đi như chạy không cần nhìn ai.
Những ngày Tết ở nhà chúng tôi thường bắt đầu từ 20 tháng Chạp, khi ba mẹ tôi phải ra chợ sớm hơn những ngày trước. Cuối tháng Chạp trời trở lạnh, đèn đường chưa kịp tắt, người đi đường như những cái bóng âm thầm bắt đầu cuộc mưu sinh một ngày. Hồi đó mẹ tôi còn bán hàng ngoài chợ, cái hàng bánh kẹo nằm trong góc chợ ấy có một khoảng đời niên thiếu của tôi. Về nhà ăn Tết nghĩa là tôi và chị Hai phân công nhau, chị ở nhà dọn dẹp nhà cửa đón Tết và lo hai bữa cơm cho cả nhà, việc của tôi là ra chợ phụ mẹ bán hàng. Ngày Tết chợ đông nên Tết năm nào tôi cũng theo mẹ ra chợ, những ngày đó trở thành kỷ niệm không thể nào quên. Trong lòng tôi chợ Tết không phải chỉ là sự háo hức chờ đợi những ngày vui tưng bừng rượu thịt, chợ Tết còn là một phía khác của cuộc đời với đủ vị đắng cay.
Tranh của Trần Nguyên.
Chợ ngày Tết tất nhiên phải có nhiều thứ đẹp đẽ, lộng lẫy được đem ra trưng bày như hàng hoa, hàng trái cây, những cửa hàng treo quần áo đủ loại, đủ màu, kể cả những hàng bán đồ trang sức. Người đi chợ cũng ăn mặc đẹp hơn, vui vẻ lựa chọn và phần đông người ta không cần trả giá mà sẵn sàng trả nhiều tiền để sở hữu những thứ đẹp nhất, ngon nhất. Những buổi chợ cuối năm rất vui, người ta chen vai nhau trên những ngõ ngách đầy ắp hàng hóa trong chợ, có khi chỉ mua một thứ gì đó cho vui và cũng có khi chỉ nhìn ngắm mà không mua gì. Những lúc chợ vắng người, tôi thường đi một vòng chợ, quan sát mọi thứ, thấy tất cả mọi cảm xúc đều ánh lên hết trên gương mặt mọi người. Có gương mặt hồng hào vì mệt nhưng nụ cười rộng mở đầy vẻ hài lòng của người mua bán thuận lợi. Có những gương mặt trầm hẳn xuống đầy muộn phiền và lo lắng, đôi mắt nhìn xa xăm như muốn tìm đâu đó sự trợ giúp may mắn bất ngờ... Nhưng dẫu thế nào chợ Tết vẫn rất vui, cái không khí rộn ràng của chợ Tết mang lại cho con người nhiều cảm xúc.
Bây giờ tôi đã lớn, có một gia đình bé nhỏ của riêng mình, cái hàng bánh kẹo ở góc chợ của mẹ tôi cũng đã sang lại cho người khác. Ngày cuối năm, tôi không phải tất tả vội vàng cho kịp chuyến tàu đêm về nhà ăn Tết, tôi cũng không được về nhà vào ngày 25 tháng Chạp nữa. Bây giờ năm nào cũng phải 29, 30 Tết tôi mới về đến nhà, dẫu muộn một chút nhưng nhất định phải về nhà để cả nhà cùng ăn với nhau bữa cơm ngày cuối năm. Trong bữa cơm thế nào mọi người cũng nhắc lại những ngày mẹ còn bán hàng ở chợ. Những bữa cơm nhà đúng vui như Tết khi cả nhà nâng ly rượu ngọt ngào mừng năm mới sắp đến. Và thế nào cả nhà cũng rủ nhau ra phố để tận hưởng hương vị ngày Tết. Nghĩa là cùng len lỏi với xe cộ xuôi ngược trên đường, nghĩa là khép chặt đôi vạt áo và xuýt xoa vì cái lạnh buốt của đêm giao thừa đang đến gần. Nghĩa là ba tôi lại dừng xe mua mấy cái bong bóng thật to, ngày xưa mua cho chị em tôi còn bây giờ là mua cho cháu.
Những mùa Tết của nhà tôi vẫn giống nhau, từ khi tôi còn bé đến lúc trưởng thành, những cái giống nhau đó luôn làm tôi nô nức, háo hức mong chờ trong những ngày năm cũ sắp đi qua. Một năm trôi qua có buồn, có vui, có cả nhọc nhằn, vì cuộc mưu sinh nên phải sống xa nhà, chỉ mong Tết đến để về nhà cho gia đình đoàn viên. Chỉ là những bữa cơm có thêm mấy đĩa bánh tét với cái chén nhỏ dưa món, củ kiệu, có thêm tô thịt kho măng mà ở nhà tôi mỗi năm chỉ ăn vào ngày Tết. Có cha mẹ, chị em và mấy đứa cháu nhỏ, cái hương vị cổ điển quen thuộc đó mà tôi nhớ canh cánh trong lòng. Bởi thế ăn Tết chỉ là để tận hưởng tình yêu gia đình, cảm thấy thứ cũ kỹ đó làm lòng ta vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Cho nên về nhà ăn Tết là nhu cầu chứ không phải là nghĩa vụ. Về nhà ăn Tết để được cùng cha mẹ, chị em ăn những bữa cơm gia đình, cảm nhận được tình yêu gia đình êm ái và da diết trong lòng mình.
Nên Tết là phải về nhà thôi.
LƯU CẨM VÂN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/ve-nha-an-tet-bf82a71/