Vườn thanh trà ở ấp 4, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú của gia đình ông Nguyễn Hiệp và bà Trần Thị Nga có 31 gốc cây cổ thụ đều trên hơn 30 năm tuổi. Những cây thanh trà này có tán cây xòe rộng, gốc cây to, bám đầy rong rêu.
Bà Trần Thị Nga, chủ vườn thanh trà tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú giới thiệu những trái thanh trà chín mọng trong vườn nhà. Ảnh: B.Nguyên
Tháng 10 âm lịch cây ra hoa, thường vào dịp Tết Nguyên đán là cây cho trái đầu mùa, thời gian thu hoạch thanh trà thường kéo dài trong gần 2 tháng. Năm nay mưa trái mùa khiến đợt ra hoa đầu bị rụng, phải chờ đợt hoa tiếp theo cây mới đậu trái, thời gian thu hoạch kéo dài hơn mọi năm nên thời điểm này, vườn vẫn nhộn nhịp đón khách mua.
Thu hoạch thanh trà. Ảnh: B.Nguyên
Thanh trà còn được gọi sơn trà, chanh trà, vốn là cây rừng, được người dân đem về trồng và thuần dưỡng. Cây này rất ít xuất hiện sâu bệnh, chủ yếu bón phân chăm cho cây khỏe.
Thanh trà được trồng nhiều ở miền Tây nên trở thành quả đặc sản mang hương vị miền Tây Nam Bộ. So với các cây trồng khác, thanh trà lâu cho thu hoạch hơn.
Đặc sản thanh trà được bán lẻ tại vườn với giá 50 ngàn đồng/kg suốt vụ thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên
Vườn thanh trà lâu năm của vợ chồng ông Hiệp là vườn cây không "đụng hàng" trên đất Đồng Nai. Theo bà Nga, trồng 5 năm cây mới cho trái bói, mất 7 năm mới cho thu hoạch nhiều.
Những năm đầu thu hoạch, cây cho trái nhỏ hơn với vị chua nhiều. Cây càng cổ thụ, tán càng rộng, gốc càng lớn cho trái càng to, vị ngọt và hương thơm càng đậm đà. Ngoài ra, một phần do khâu chăm bón của chủ vườn để cho cây khỏe, có sức bền thì mới cho chất lượng trái ngày càng to mọng, ngọt ngon.
Điểm đặc biệt của vườn thanh trà tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú là khách mua lẻ tự tìm đến tận vườn mua trái và chụp hình, quay phim vì khu vườn vào mùa trái chín trĩu quả vàng óng rất ấn tượng. Ảnh: B.Nguyên
Thanh trà thuộc giống cây gỗ, tương tự xoài, nhưng trái lại có kích thước và hình dáng giống trái chanh, khi còn non trái có màu xanh, khi chín trái chuyển sang màu vàng cam óng mượt. Khi bóc vỏ, múi có màu vàng cam mọng nước với hương thơm rất đặc trưng, vị chua ngọt đậm đà hấp dẫn.
Trái thanh trà muốn cho chất lượng ngọt ngon phải để chín mọng trên cây mới thu hoạch. Chính vì vậy, việc vận chuyển, phân phối loại đặc sản này tỉ lệ hư hao lớn, thời gian bảo quản ngắn, nhất là không phải ai cũng biết đến loại trái đặc sản này. Chính vì vậy, gia đình ông Hiệp không tăng diện tích thanh trà, người dân xung quanh cũng chỉ trồng vài cây ăn chơi chứ không phát triển ồ ạt.
Gốc thanh trà cổ thụ. Ảnh: B.Nguyên
Cây thanh trà cho năng suất cao, 1 cây bình quân thu được từ 200-300kg/vụ, với cây tán rộng có thể thu được 500 - 600kg/vụ. Thấy khách đến vườn đều mê mẩn những cây thanh trà vàng rực trái chín, gần 20 năm trước, cứ vào mùa thanh trà, ông Hiệp lại mở cửa vườn đón khách đến chụp hình, thưởng thức trái chín vừa hái khỏi cây và mua về làm quà. Vườn dần đông khách nên không còn phụ thuộc vào thương lái mà chuyển qua bán lẻ với giá 50 ngàn đồng/kg.
Vào mùa, bình quân mỗi ngày, vườn của gia đình ông Hiệp bán lẻ khoảng 100-200kg, khách đến vườn còn được phục vụ món nước thanh trà dằm nhuyễn, thêm chút đường và đá lạnh trở thành thức uống rất giải khát vào buổi trưa hè. Giá bán cũng khá bình dân 15 ngàn đồng/ly.
Bà Nga chia sẻ, nhiều khách đến mua ăn một lần là ghiền và trở thành khách quen. Thanh trà vườn nhà là trái sạch vì chủ yếu bón phân hữu cơ, cây trồng hầu như không có sâu bệnh. Tùy theo thời tiết mà có năm đạt thu hoạch được từ 5-6 tấn/vụ, năm thất thu được từ 3-4 tấn.
Bình Nguyên