Bia đá ghi lịch sử Di tích.
Phục dựng nhiều mô hình thời kháng chiến
Căn cứ Dương Minh Châu được thành lập vào tháng 5.1951. Năm 1999, Căn cứ Dương Minh Châu được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, Di tích nằm giữa khu rừng dầu xanh mát với tổng diện tích trên 130 ha.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Căn cứ Dương Minh Châu trở thành nơi đứng chân của các lực lượng chủ lực của Tiểu đoàn 302, 304 (Phân liên khu Miền Đông), Tiểu đoàn 306 (Trung đoàn Đồng Nai), Đại đội 31 (bộ đội địa phương huyện Dương Minh Châu).
Trải qua hai cuộc kháng chiến, Căn cứ Dương Minh Châu vẫn tồn tại và trở thành biểu tượng của tinh thần cách mạng. Ngày nay, Di tích Căn cứ Dương Minh Châu được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư tu bổ các hạng mục nhằm lưu giữ các yếu tố gốc của Di tích và các kỷ vật qua các thời kỳ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Trong đó, Khu vực 1 được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 2 ha, là khu vực lưu giữ các yếu tố gốc của di tích. Ngay khi bước vào khu vực này, du khách sẽ được nhìn thấy Bia đá, trên đó ghi tóm tắt lý lịch Di tích.
Cách Bia đá vài chục mét là Nhà tiếp khách. Căn nhà được lợp bằng cỏ tranh nhân tạo (bằng vật liệu nhựa), cột, kèo giã gỗ cây rừng, vách tường giả phên nứa bao quanh, cao 1 mét.
Nhà tiếp khách.
Trong nhà, bộ bàn ghế là tổ hợp tượng tái hiện cảnh trí sinh hoạt, đón khách, họp hành và bàn phương án tác chiến. Các tượng hình người phỏng theo hình ảnh thật thời kháng chiến và các vật dụng như bàn ghế, đèn dầu, các vũ khí chiến đấu, sách, tài liệu.
Rải rác trong rừng còn 3 căn Nhà bộ đội, kích thước mỗi nhà là 5,7 x 3,6 m2 với kiến trúc, vật liệu, hình tượng như căn Nhà tiếp khách. Đặc biệt trong những Nhà bộ đội này còn có thêm công trình hầm bí mật dưới lòng đất.
Ngoài ra, trong rừng còn phục dựng công trình bếp Hoàng Cầm, kích thước 5,7 x 3,6 m2, kiến trúc vách nhà tranh, cột gỗ, nền nhà đào sâu so với mặt đất 1 mét. Trong công trình này có 2 bếp đun, 2 hố trộn khói và hệ thống tản khói ngoài nhà bếp. Bên cạnh đó còn bố trí các vật dụng bếp như nồi, chảo, chén đũa, khạp lu.
Cạnh bếp Hoàng Cầm là 1 giếng nước. Miệng giếng đường kính 1,2 m, sâu 5 m, sân giếng đường kính 3 m đắp vữa giả đất, giàu nước và giá quay giàu nước bằng thép ống.
Nối liền những công trình này là con đường bê tông xi măng nội bộ, dài hơn 450 mét và hệ thống giao thông hào dài gần 200 mét. Tất cả những công trình nêu trên đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, bơm nước chống ngập…
Ông Hoa Văn Hiệp- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dương Minh Châu cho biết thời gian qua, có nhiều đoàn khách đến từ các cơ quan, hội cựu chiến binh, trường học trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Trung tâm đã trình UBND huyện xin chủ trương, kinh phí đầu tư thêm một số hạng mục trong khu vực này như tráng bê tông xi măng phần sân, đặt nhiều băng ghế đá để du khách nghỉ chân.
Địa chỉ lý tưởng tổ chức các hoạt động về nguồn
Khu vực 2 rộng 8 ha, được đầu tư khá khang trang nhìn từ Cổng vào khu trung tâm gồm Nhà Bia, Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày, Nhà Trống, Nhà Chuông. Xung quanh khu cũng có đường nội bộ dẫn đến khu vực các hố bom- vết tích của một thời chiến tranh khốc liệt.
Tổ hợp tượng phỏng theo hình ảnh thật thời kháng chiến.
Nhà Tưởng niệm được thiết kế theo lối kiến trúc cổ của các đền, thể hiện nét trang nghiêm. Bên trong Nhà tưởng niệm có 3 khu vực thờ. Giữa nhà là bàn thờ Tổ quốc, bên trái nhìn từ ngoài vào thờ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Minh Châu, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Bên phải là bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng. Xung quanh các bức tường là những tấm Bia đá khắc tên các Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Công trình bếp Hoàng Cầm.
Phía sau Nhà Tưởng niệm là Nhà trưng bày. Trong công trình này trưng bày các hình ảnh chiến đấu của các lực lượng cách mạng trong thời kỳ chống pháp, Mỹ và một số hình ảnh hoạt động của lãnh đạo huyện trong thời bình. Bên cạnh đó, còn có các khung trưng bày các kỹ vật thời kháng chiến như súng AK, lưởi liềm, dao, nồi, mũ cối, các vật dụng của ban quân y…
Bên ngoài du khách có thể tham quan Nhà Chuông với bộ Chuông bằng đồng thau, đường kính 800mm, thiết kế kiến trúc theo lối cổ chạm rồng. Nhà Trống có bộ trống đình mặt trống 800 x 1.200 mm, gỗ bịt mặt da, thân trống sơn son vẽ hoa văn mây nước. Đặc biệt trong Khu di tích này có mô hình Khẩu súng AK dài 9 mét, đặt dưới hố bom B52, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục mô hình khẩu súng AK dài nhất Việt Nam.
Khách tham quan Khu di tích.
Khu vục 2 đã được tỉnh, huyện quan tâm tu bổ thường xuyên, vì đây là nơi thường diễn ra các hoạt động kỷ niệm, các ngày lễ quan trọng của địa phương như kỷ niệm ngày thành lập huyện, đưa tiễn công dân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hàng năm, các hoạt động hội trại truyền thống, tham quan về nguồn của các Đoàn trong và ngoài huyện.
Toàn bộ Khu di tích được bao trùm bởi khu rừng dầu khoảng 40 năm tuổi và nhiều khu rừng tự nhiên với dây leo chằng chịt. Những ngày cuối tuần, tìm đến đây tìm hiểu lịch sử, hít thở không khí trong lành, thả hồn vào thiên nhiên tươi mát là một trong thú vị khó tìm thấy ở chốn thị thành.
Đại Dương