Vệ tinh đo hàm lượng carbon rừng do người Việt Nam chế tạo được phóng lên quỹ đạo

Vệ tinh đo hàm lượng carbon rừng do người Việt Nam chế tạo được phóng lên quỹ đạo
8 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 29/4, vệ tinh Biomass của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chính thức được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Vega-C từ Kourou, Guiane, thuộc Pháp. Vệ tinh này do TS Lê Toàn Thủy, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp, là kiến trúc sư trưởng.
Với khối lượng 1.230kg, Biomass sẽ được phóng từ cảng không gian châu Âu ở Kourou, Guiana thuộc Pháp và hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao 666km. Vệ tinh này có khả năng lập bản đồ toàn bộ bề mặt Trái đất chỉ trong 9 tháng, cho phép các nhà khoa học theo dõi sự biến đổi của rừng trong suốt 5 năm nhiệm vụ.
Vệ tinh mang tên Biomass do tập đoàn Airbus chế tạo, sẽ lần đầu tiên đưa lên không gian một radar đặc biệt gọi là P-band – có thể nhìn xuyên qua cả những tán lá rừng rậm rạp nhất. Nó có thể thu thập những thông tin chi tiết về tầng lá cây, thân cây, và thậm chí cả cấu trúc của rễ cây; và đo sinh khối trên mặt đất.
Dữ liệu từ Biomass sẽ được cung cấp miễn phí, hỗ trợ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức trong việc nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện các luật pháp quốc tế về khí hậu và môi trường.
Khoảnh khắc vệ tinh Biomass được phóng lên quỹ đạo lúc 17h47 phút ngày 29/4 theo giờ Việt Nam.
TS Simonetta Cheli - Giám đốc Chương trình Quan sát Trái đất cho biết: "Mục tiêu của nó là theo dõi các luồng carbon được rừng hấp thụ và thải ra do cháy rừng hay chặt phá; và vai trò của rừng trong việc hấp thụ carbon. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay."
Vệ tinh thu thập đo hàm lượng carbon rừng trong 5 năm.
Việc sử dụng các tín hiệu bước sóng dài cho phép vệ tinh thu thập thông tin hình ảnh dưới các tán cây để đánh giá lượng carbon được lưu trữ trên sàn và cành cây trong các khu rừng nhiệt đới trên thế giới, qua đó đánh giá mức độ thay đổi trong khu vực. Loại radar này chưa từng được đưa vào không gian trước đây, do đó, tàu vũ trụ Biomass sẽ được lắp thêm một ăng-ten dài 12m khi thực hiện sứ mệnh này.
GS. TS Lê Toàn Thủy là một nhà khoa học Việt Nam tại Pháp, có khả năng theo dõi và quan sát bằng vệ tinh tình hình phát triển vùng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những dự án to lớn mà bà thực hiện đang giúp ích cho quê hương và khiến nhiều người ngưỡng mộ.
TS, nhà khoa học Việt kiều Lê Toàn Thủy. Ảnh: TTXVN
GS. TS Việt kiều Lê Toàn Thủy là chuyên gia nghiên cứu viễn thám radar cho các ứng dụng trên đất liền. Các dự án hiện tại của bà tập trung vào việc sử dụng dữ liệu quan sát Trái Đất bằng radar cho cây trồng nông nghiệp và đất rừng, vai trò của chúng trong việc giảm lượng carbon toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Là đồng Chủ tịch Nhóm Cố vấn Sứ mệnh Biomass của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), bà cũng là đồng lãnh đạo Sáng kiến Lúa gạo châu Á và là thành viên của nhiều dự án nghiên cứu về quan sát Trái Đất như Sáng kiến Biến đổi khí hậu của ESA về sinh khối trên mặt đất; các dự án quan sát khí hậu từ không gian của CNES, JAXA Kyoto và Sáng kiến Carbon. GS. TS Lê Toàn Thủy là tác giả và đồng tác giả của nhiều ấn phẩm khoa học. Bà cũng tham gia công tác giảng dạy về viễn thám SAR tại các trường đại học và các viện nghiên cứu, đào tạo nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ ở một số trường tại Pháp, Mỹ, châu Âu và châu Á.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ve-tinh-do-ham-luong-carbon-rung-do-nguoi-viet-nam-che-tao-duoc-phong-len-quy-dao-169250429175832453.htm