Xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ nằm ở phía Tây Nam của Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Vùng đất này có địa hình phẳng và nằm trong quần thể chuỗi dãy núi Ba Vì, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và các khu du lịch sinh thái.
Từ quận Hà Đông xuôi theo quốc lộ 21B, qua xã Phương Trung, huyện Thanh Oai sẽ đến xã Văn Võ.
Cổng làng thôn Văn La, xã Văn Võ.
Về xã Văn Võ, ghé thăm và đi lễ tại Đình Thượng thôn Văn La, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh lạ lẫm - nơi cây cọ trăm tuổi “mọc” trên ngọn cây đa.
Mới nhìn qua, nhiều người dễ lầm tưởng cây cọ mọc lên từ đỉnh ngọn đa.
Cây đa bên góc sân đình Thượng.
Thoạt nhìn qua, ai cũng sẽ lầm tưởng như thế! Tại góc sân Đình Thượng, trên ngọn cây đa có đường kính khoảng 5m, xuất hiện một cây cọ với thân to, già mọc vượt lên với chiều cao khoảng 5m. Hình ảnh này đã xuất hiện ở góc sân đình từ rất lâu và trở nên thân thuộc với mỗi người dân địa phương.
Với những người khách lạ, ai cũng dễ làm tưởng cây cọ mọc trên ngọn cây đa. Thế nhưng, thực tế thì lại không phải như vậy! Theo các cụ trong làng, cây cọ tại sân đình đã có từ cách đây khoảng gần 100 năm, sinh ra trước cây đa khoảng 20 năm.
Ông Phạm Văn Hồng, 65 tuổi, người trông coi đình làng kể rằng, cây cọ có từ trước lúc ông sinh ra. Khi ông được khoảng 10 tuổi, có một con chim ăn quả đa và thả hạt trên ngọn cây cọ. Từ đó, theo thời gian, cây đa mọc lên và phát triển, rễ cây mọc ra ăn sâu vào lòng đất, lâu dần phủ kín thân cây cọ và có hình hài như ngày nay.
Rễ cây đa ăn sâu vào lòng đất, phủ kín thân cây cọ
Dưới gốc đa, nhiều cây cọ nhỏ mọc lên.
Mái đình Thượng thôn Văn La đẹp và cổ kính.
Ông Phạm Văn Hồng kể chuyện, có một con chim ăn quả đa và thả hạt trên ngọn cây cọ. Từ đó, theo thời gian, cây đa mọc lên và phát triển, rễ cây mọc ra ăn sâu vào lòng đất, lâu dần phủ kín thân cây cọ và có hình hài như ngày nay.
Hình ảnh cây đa và cây cọ lạ lẫm với du khách nhưng lại trở nên khá thân thuộc với người dân địa phương.
Đăng Khoa