Về với Đền thờ Vua Lê Thái Tổ– Hành trình tri ân cội nguồn

Về với Đền thờ Vua Lê Thái Tổ– Hành trình tri ân cội nguồn
4 giờ trướcBài gốc
Lê Thái Tổ tên húy là Lê Lợi (sinh năm 1385), xuất thân là hào trưởng, có sức ảnh hưởng lớn trong vùng. Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh giải phóng đất nước, được nhân dân và hào kiệt khắp nơi hướng ứng. Trong 10 năm chiến đấu, Lê Lợi đã chỉ huy đánh hàng trăm trận, chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt đồng thời bắt tay vào xây dựng một triều đại hưng thịnh.
Vào tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, sau khi dẹp yên phản loạn, bình định vùng Tây Bắc trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), trên vách đá Pú Huổi Chỏ của bờ bắc sông Đà, Vua Lê Thái Tổ đã khắc bài văn ghi nhớ sự kiện này. Bia đá như một lời răn dạy nhân dân bảo vệ biên cương Tổ quốc và răn đe những kẻ phản loạn, tội đồ lúc bấy giờ. Bia Lê Lợi vừa mang trong mình giá trị lớn về lịch sử, nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị anh hùng dân tộc. Đền thờ Vua Lê Lợi được xây dựng năm 2012 để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Di tích bia Lê Lợi được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và Đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đoàn thủy quân theo mô phỏng khi Vua Lê Thái Tổ tiến lên giải phóng miền biên viễn Tây Bắc năm xưa.
Sự hòa quyện giữa những di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo và danh lam thắng cảnh nơi đây tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng nơi núi rừng Tây Bắc, mang lại những cảm xúc đặc biệt cho du khách đến tham quan và trải nghiệm. Khi đến đây, du khách như được “ngược dòng thời gian” khi tận mắt chứng kiến di tích lịch sử bản gốc không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện.
Sáng mãi đạo lý hướng về cội nguồn, “đền ơn, đáp nghĩa”, đây là địa điểm để người dân địa phương và du khách đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử dân tộc, hiểu rõ và khắc ghi những công lao to lớn của vị vua anh minh, sáng suốt, giỏi thao lược, tài cầm quân của đất nước ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại bình yên cho nhân dân.
Đồng chí Hà Văn Ruệ - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn chia sẻ: Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được dựng lên nhằm tưởng nhớ vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Khi đến đây, người dân sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc mình, khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân Việt Nam. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về di tích Đền thờ vua Lê Lợi cũng như giá trị sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện.
Người dân dâng hương tại Đền thờ Vua Lê Thái Tổ.
Hiện nay, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ không chỉ để người dân tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc mà còn là điểm sinh hoạt tâm linh nổi tiếng, hấp dẫn du khách. Nhiều khách du lịch đến thăm với mong muốn cầu cho năm mới sức khỏe dồi dào, cuộc sống an khang, thịnh vượng.
Nhóm P.V
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/v%E1%BB%81-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%81n-th%E1%BB%9D-vua-l%C3%AA-th%C3%A1i-t%E1%BB%95-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-tri-%C3%A2n-c%E1%BB%99i-ngu%E1%BB%93n