Thốt nốt là cây đặc sản của miền biên viễn An Giang, mọc nhiều nhất ở thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Cây non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Phải hơn 20 năm tuổi cây mới bắt đầu cho nước ngon và trái ngọt.
Từ bao đời nay, thốt nốt gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Khmer. Bởi ngoài mật hoa làm đường, trái làm thực phẩm thì thân cây làm vật liệu xây nhà, thủ công mỹ nghệ và lá dùng làm chất đốt.
Thời gian khai thác nước thốt nốt kéo dài 6 tháng, bắt đầu vào tháng 11 Âm lịch và kết thúc vào đầu mùa mưa năm sau. Ảnh: T.T
Đôi bàn tay rám nắng, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, ông Nguyễn Bá Tòng (56 tuổi, ngụ phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) bám chắc vào thang tự chế, leo lên ngọn cây. Trên ngọn cây cách mặt đất gần 15m, ông chọn tàu lá vững chãi ngồi tựa vào, bắt đầu thu nước.
Để lấy nước thốt nốt, buổi chiều hôm trước, ông gọt lớp mặt ở đầu bông, cho nước rỉ ra. Sau đó, đặt can nhựa hứng những giọt nước màu trắng sữa như nước vo gạo, thơm nức mũi. Thay can đầy nước bằng một can mới, ông chuyền các can xuống đất, sau đó đổ dồn vào can nhựa loại 30 lít.
Ông Tòng treo mình trên ngọn cây để lấy nước thốt nốt. Ảnh: T.T
Ông cho biết, với khoảng 50 cây được thuê lại từ người khác, lúc cao điểm thu được hơn 300 lít nước, bỏ túi từ 700.000-800.000 đồng. Cái nghề “đánh đu với trời” không sợ nắng gắt chỉ sợ mưa to, nhiều hôm ông chẳng có đồng nào.
Nước thốt nốt lấy xuống sẽ cho vào từng can loại 30 lít rồi chở về nhà. Ảnh: T.T
Quá trình lấy nước đầy vất vả, công đoạn nấu đường cũng không kém gian nan. Trên bếp lửa đỏ rực, anh Chau Kha (39 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên) nhanh tay đổ toàn bộ nước thốt nốt vừa thu được qua lớp vải màn lọc cặn rồi cho vào 3 chiếc chảo lớn.
Theo anh Kha, nước thốt nốt lấy về nấu đường càng sớm càng ngon, khi thắng sẽ không bị chua. Người nấu phải đứng canh trong 3-4 giờ, dùng đũa (làm bằng tre già, tạo hình giống mái chèo nhỏ - PV) khuấy đều tay cho đến khi nước cô đặc lại.
Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhấc ra khỏi lò, khuấy liên tục đến khi đường chuyển sang màu vàng tươi đặc trưng thì đóng hộp, nhập cho thương lái.
Quá trình nấu đường thốt nốt, anh Kha liên tục châm lửa, khuấy đều tay. Ảnh: T.T
“Gia đình có 20 cây thốt nốt, bình quân ngày nấu được 15kg, chính vụ hơn 30kg, bán cho thương lái từ 28.000-30.000 đồng/kg. Để nấu được 1kg đường ngon thường phải sử dụng từ 6-7 lít nước. Việc điều chỉnh lửa trong từng giai đoạn là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đường thốt nốt. Tôi dùng lá tràm khô thu gom từ các bìa rừng, nhanh bén lửa lại không tốn chi phí”, anh Kha chia sẻ.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, vùng Bảy Núi có khoảng 60.000 cây thốt nốt, gần 2.000 hộ dân và cơ sở tham gia khai thác sản xuất đường thốt nốt. Mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 tấn đường.
Năm 2024, nghề làm đường thốt nốt của người Khmer là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: T.T
Theo ông Trương Bá Trạng – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ có sự nhiệt huyết của chính quyền địa phương và đặc biệt là các nghệ nhân dân tộc Khmer đã khắc phục nhiều khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh, ra sức gìn giữ, duy trì nghề làm đường thốt nốt.
Để góp phần đưa nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang thực sự khởi sắc, có bước tiến mới, ông Trạng cho rằng, thời gian tới rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách, đào tạo nghề, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp bà con có thêm sinh kế và gắn bó với nghề.
Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cần phát huy ý thức gìn giữ nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc; chủ động tiếp cận và mở rộng các kênh tiếp thị, nhất là các trang mạng xã hội…
Trần Tuyên