Đền thờ Trần Khát Chân trên đất Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc).
Về xã Vĩnh Thịnh, thả hồn trên những con đường ôm ấp bao xóm làng, đồng ruộng để nhớ về cội nguồn danh giá của vùng đất cổ. Theo lịch sử Thanh Hóa thời tiền sử và sơ sử cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với những tài nguyên phong phú, đầy hấp dẫn đã lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa rời khỏi hang động, mái đá, xuống miền đồng bằng trước núi, làm nên nền văn hóa Đa Bút phong phú và độc đáo. Cho đến nay, các tư liệu lịch sử, khảo cổ học đã gọi tên 4 di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút, phân bổ từ tây sang đông, dọc theo miền sông Mã suốt từ trung du đến ven biển Thanh Hóa, đó là: núi Hến (rú Hến) xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc), rú Hến Bản Thủy, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), cồn Cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung), Gò Trũng, xã Phú Lộc (Hậu Lộc). Với những kết quả từ các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học ở núi Hến khẳng định rằng: Khu vực núi Hến (thuộc địa phận làng Đoài - xã Vĩnh Thịnh) có cư dân nguyên thủy cư trú cách đây khoảng 7.000 năm.
Trong bức tranh làng, xã thanh bình, chùa Hoa Long hiện diện như trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nét tiêu biểu cho mạch nguồn văn hóa truyền thống tự bao đời. Chùa Hoa Long nằm trên địa bàn thôn Trung, xã Vĩnh Thịnh, gần bên di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền thờ Trần Khát Chân. Ngoài tên gọi Hoa Long, chùa còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Rồng Hoa, chùa Bản Thủy, chùa làng Trung... Từ các tư liệu và hiện vật được lưu giữ đến ngày nay cho biết: Chùa Hoa Long được xây dựng từ thời Trần. Chùa trước đây được xây dựng quay mặt về hướng bắc, bên cạnh là hồ sen. Tuy không quy mô, bề thế nhưng chùa Hoa Long có kiến trúc gỗ độc đáo.
Cũng như số phận của nhiều di tích trên dải đất hình chữ S này, chùa Hoa Long trải qua nhiều biến động, nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Chùa tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, nằm trong lòng của các dãy núi: Mông Cù, Hùng Lĩnh, Cô Sơn, Kim Sơn, Kim Âu... tạo nên địa thế phong thủy, linh thiêng. Chùa được làm chủ yếu từ chất liệu gỗ, lợp ngói mũi hài, bốn mái uốn cong. Kiến trúc ngôi chùa gồm 2 dãy nhà: Nhà tiền đường và nhà hậu cung được bố trí theo hình chữ Nhị, sân và nền chùa lát gạch. Phía trước và bên tả là một dãy nhà ngang dùng làm nơi ở cho trụ trì và khách thập phương dừng chân chốn cửa thiền. Hậu cung gồm 3 gian, nối với tiền đường bằng 3 cửa hình vòm cuốn, trong hậu cung xây bệ thờ Tam bảo bằng đá gọi là “bệ đá tam thế”.
Một trong những điều làm nên vẻ đẹp của chùa Hoa Long là các bức điêu khắc, chạm khắc, hoa văn trang trí bằng đá, gỗ. Bước vào nhà tiền đường, những mảng chạm khắc hình rồng, hoa sen thu hút, hấp dẫn ánh nhìn. Hình rồng được chạm khắc ở xà cái dọc hạ trước, xà ngang cột trụ ở diềm cửa... Hình tượng hoa sen được chạm khắc ở bệ đá tảng, bệ phật, con đấu... Ngoài ra, nhà tiền đường còn có nhiều mảng chạm khắc gỗ sinh động, mang giá trị nghệ thuật cao như: hình ảnh chú bé ngồi trên lưng hạc, khóm trúc, đôi rồng ẩn dưới đài sen,... Mảng chạm khắc được coi là trọng tâm trong nhà tiền đường là mảng chạm ở cửa võng in đậm hình ảnh đôi rồng uốn khúc. Thân rồng được phủ nhiều lớp vảy, chân có móng vuốt nhọn, vây rồng tô và nhọn điểm thêm vòng xoắn cùng với những đường chạm bong, sâu khiến cho hình tượng đôi rồng càng thêm phần uy nghi. Bên cạnh đó, hình ảnh chim hạc được chạm ở tư thế chuẩn bị bay lên, phía trên cùng là hình ảnh hai tiên nữ đứng trên đài sen khiến người xem có cảm giác bình yên, thoát tục.
Cùng với rồng, các nghệ nhân xây dựng chùa Hoa Long đã sử dụng nhiều hình tượng hoa sen trong các tác phẩm điêu khắc như mạch nguồn cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt. Có khi, hình tượng hoa sen được tạo tác thành bệ ngồi của Phật, bệ tam thế, hoa sen được chạm khắc công phu, tỉ mỉ trên các bức ván nong trong chùa... Có khi, sen xuất hiện với diện mạo là bông hoa, là đài sen, cũng có khi được cách điệu theo trí tưởng tượng, sức sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Ngoài các hình tượng chủ đạo là rồng và hoa sen, nghệ thuật điêu khắc của chùa Hoa Long ghi nhận nét đẹp của nhiều sự vật khác như: cây đa, cây bồ đề, cây trúc, bộ “tứ linh” long- ly - quy - phượng... vừa quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thôn quê vừa hàm chứa ý nghĩa sâu sắc trong triết lý nhà Phật.
Nằm ngay sát bên chùa Hoa Long là ngôi đền thờ Trần Khát Chân - Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật được xây dựng từ thời Lê. Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi chép: “Tại Bản Thủy “thờ 2 vị thần đó là Kim Ngô Long Hổ lưỡng vệ quốc Thượng tướng quân tôn thần (tức Trần Khát Chân) và Lý Vực chân quan tôn thần”.
Thượng tướng quân Trần Khát Chân (1370-1399), người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, là vị tướng tài, trung nghĩa. Tuy nhiên, cuộc đời ông gắn liền với giai đoạn lịch sử có nhiều biến động. Sử cũ chép rằng: Nhà Trần suy vi, quyền lực rơi vào tay Hồ Quý Ly. Bên ngoài, giặc Chiêm liên tiếp mở các cuộc tấn công, quấy nhiễu cuộc sống Nhân dân. Trước tình hình ấy, vua Trần đã nhiều lần cử các tướng lĩnh đi dẹp giặc nhưng đều thất bại. Mùa đông năm Kỷ Tỵ (1389), vua Chiêm là Chế Bồng Nga dẫn đoàn quân hùng mạnh gồm cả thủy, bộ, có cả tượng binh tiến đánh Thanh Hóa. Quân giặc thừa thế xông lên, tiến đánh ra Bắc. Giữa lúc nguy khó ấy, Trần Khát Chân- một đô tướng trẻ tuổi, một võ quan cấp thấp đã dũng cảm nhận lệnh thống lĩnh đội quân Long Tiệp đi đánh giặc. Bằng mưu trí, sự dũng cảm, Trần Khát Chân và đội quân đã đánh cho quân giặc chạy tan tác, giết chết Chế Bồng Nga. Thủ cấp của Chế Bồng Nga sau đó được đưa về bến Bình Than, nơi triều đình đang đóng quân để bẩm báo tin thắng trận.
Giặc ngoại xâm đã được dẹp yên nhưng tình hình chính trị trong nước không ngừng biến động, hỗn loạn. Năm 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất. Năm 1398, Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tông nhường ngôi cho con trai là Thái tử An mới có 3 tuổi, rồi sau đó giành nắm thực quyền. Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô (thành An Tôn, thành Tây Giai, Thành Nhà Hồ), rời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Những việc làm của Hồ Quý Ly đã làm cho một số quan lại trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn, cấu kết với nhau lập mưu ám sát Hồ Quý Ly, trong đó có Thượng tướng Trần Khát Chân. Mưu sự không thành, một cuộc thanh trừng lớn đã diễn ra, Thượng tướng quân Trần Khát Chân cùng hàng trăm người bị giết. Về cái chết của Thượng tướng quân Trần Khát Chân, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Người đời truyền rằng Khát Chân khi sắp bị chém, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bậu vào. Sau đó gặp đại hạn đảo vũ thì ứng ngay”.
Dẫu trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền thờ Trần Khát Chân vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, độc đáo với nhiều hiện vật cổ như: Đạo sắc phong, câu đối, đề tự... Kiến trúc ngôi đền gồm có: Tiền đường, trung đường, hậu điện. Khu tiền đường thiết kế 5 gian 2 chái với kết cấu hệ thống vì khá đặc biệt. Vì ở đây không có trụ mà là vì kèo ván lá dày (một khối ván tam giác) chạm mặt hổ phù, bên dưới khối tam giác chạm hổ phù là bức xuân hoa có khung bảng, đố, ván, con tiện ở phía trước, còn phía sau ở gian 2 - 3 và gian 4 - 5 là bức xuân hoa hoành phi viết chữ theo kiểu chữ đại tự. Các đường nét hoa văn chạm khắc tinh xảo, chủ yếu tập trung vào các chủ đề “tứ linh”, “tứ quý”... Ngôi trung đường 5 gian và chính tẩm 3 gian được xây dựng khoảng thế kỷ XVII- XVIII còn tương đối nguyên vẹn, với đường nét chạm trổ trên gỗ. Các nét chạm thủng, chạm bong kỳ công, sắc nét, thể hiện kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, tài hoa của những người thợ. Mỗi nét chạm như càng làm tôn lên nét đẹp trong kiến trúc, giá trị lịch sử - văn hóa, tô đậm sắc màu tín ngưỡng - tâm linh ở những di tích này.
Sức sống chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân không chỉ góp phần làm nên nét đẹp làng, xã mà chính như lời răn dạy, nhắc nhở các thế hệ con cháu hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, biết quý trọng cội nguồn, quê hương. “Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn xã luôn được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các thế hệ người dân của làng, xã luôn chung sức, đồng lòng... Đó là điều kiện thuận lợi nhất để xã Vĩnh Thịnh khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử - văn hóa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, công chức văn hóa - xã hội, UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Bài và ảnh: Nguyên Linh