VEAM giảm lợi nhuận, tín hiệu gì?

VEAM giảm lợi nhuận, tín hiệu gì?
7 giờ trướcBài gốc
VEAM – tên đầy đủ là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp khá đặc biệt vì:
Thứ nhất, phần lớn cổ phần công ty thuộc về Bộ Công thương, tới 88,5%. Điều đó khiến mô hình hoạt động của VEAM mang dáng dấp rất rõ của một doanh nghiệp nhà nước: ổn định, chắc chắn, ít rủi ro và cổ tức "đều như vắt chanh". Năm nào cũng chia tiền mặt trên 40%, điều hiếm thấy ở một doanh nghiệp niêm yết.
Thứ hai, VEAM có tên rất “kỹ thuật” nhưng nguồn lợi nhuận chính lại không đến từ mảng máy móc, nông nghiệp hay động lực gì. Thực tế, mảng kinh doanh cốt lõi này mỗi năm chỉ đóng góp vài trăm tỷ đồng lợi nhuận. Phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ cổ tức mà công ty nhận được từ các công ty liên doanh, liên kết – nổi bật nhất là ba ông lớn: Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.
VEAM như một cổ đông lớn, ngồi nhận tiền đều đặn từ ba công ty “đẻ trứng vàng” của ngành ô tô Việt Nam. Họ sở hữu 30% Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam.
Năm 2024, riêng Honda Việt Nam đã trả về cho VEAM hơn 5.000 tỷ đồng cổ tức. Tổng cổ tức từ ba liên doanh lên đến hơn 5.700 tỷ. Bộ Công thương – cổ đông lớn nhất vẫn đều đặn “hưởng lộc”.
Tuy nhiên, năm nay mọi thứ đang chững lại khi cổ tức từ các liên doanh giảm, đặc biệt từ Honda. Đó là một chỉ báo quan trọng không chỉ với VEAM mà với toàn ngành ô tô Việt Nam. Có thể, thị trường đang xuất hiện những dấu hiệu cạnh tranh gay gắt hơn.
Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA cho thấy, sản lượng bán xe ô tô của Honda trong quý I năm nay giảm 1%, còn 6.084 chiếc. Dù mức giảm không lớn, nhưng đáng lưu ý là: trong cùng kỳ, sản lượng xe máy Honda lại tăng mạnh gần 24%, lên hơn 596.000 chiếc.
Honda vẫn ổn với xe máy, đó là mảng truyền thống, phủ rộng toàn quốc, thị phần gần như áp đảo. Nhưng ở mảng ô tô, họ đang chịu áp lực. Ford cũng vậy, theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, dù sản lượng xe bán ra của Ford tăng, nhưng lợi nhuận đi ngang. Điều đó cho thấy biên lợi nhuận, tức phần lãi thu được trên mỗi chiếc xe bán ra đang mỏng đi.
Lý do có thể đến từ một cái tên: VinFast.
Mới đây, VinFast đã ra mắt mẫu xe điện VF3, dòng xe mini đô thị, với mức giá chỉ từ 200 – 250 triệu đồng. Trong quý I năm nay, VinFast giao hơn 13.000 chiếc, cao gấp đôi sản lượng ô tô của Honda Việt Nam. VinFast chưa thể là đối thủ về lợi nhuận vì VinFast đang trong giai đoạn đầu tư mạnh, chưa có lãi, nhưng họ đang phá vỡ cấu trúc thị trường. Bằng giá rẻ, thiết kế phù hợp với đô thị và lối truyền thông mạnh mẽ, VinFast khiến các hãng xe truyền thống phải điều chỉnh.
Khi phải cạnh tranh bằng giá, biên lợi nhuận của Honda, Toyota hay Ford sẽ bị thu hẹp. Khi lợi nhuận các liên doanh giảm, khoản cổ tức trả về cho VEAM sẽ giảm theo. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến lợi nhuận quý I của VEAM đi xuống.
Với nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu VEA, câu chuyện ở đây không chỉ là một quý sụt giảm lợi nhuận mà là dấu hiệu về sự thay đổi lớn trong bức tranh thị trường ô tô, thị trường VEAM tuy không trực tiếp sản xuất xe nhưng lại sống bằng dòng tiền từ đó.
Minh Thư
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/veam-giam-loi-nhuan-tin-hieu-gi-331681.htm