Cổ tức sẽ được trả bằng tiền, tỷ lệ 50,3518% (tương ứng 01 cổ phiếu nhận được 5.035,18 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 20/12, tức sau một tháng kể từ ngày chốt quyền.
Với 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEAM sẽ chi gần 6.700 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Trong cơ cấu cổ đông của VEAM, Bộ Công thương là cổ đông công ty mẹ, nắm giữ đến hơn 1,17 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 88,47% dự kiến sẽ nhận về gần 6.000 tỷ đồng cổ tức từ VEAM.
Trong 5 năm gần nhất, mức cổ tức tiền mặt của VEAM luôn duy trì từ 40 - 50% mỗi năm.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2024, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.049 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Công ty mẹ mang về 1.652 tỷ đồng lãi sau thuế.
Tính chung 9 tháng 2024, VEAM đạt 2.972 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.924 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đồng loạt tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi sau thuế Công ty mẹ đạt 4.871 tỷ đồng.
VEAM chia cổ tức khủng cho cổ đông nhưng Công ty cũng nhận được phần cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh liên kết liên tục ở mức cao, bao gồm: 5.079 tỷ đồng từ Công ty Honda Việt Nam, 261,5 tỷ đồng từ Công ty Toyota Việt Nam và 197,9 tỷ đồng từ Công ty TNHH Ford Việt Nam.
Tại thời điểm ngày 30/09/2024, tổng tài sản của VEAM đạt 31.743 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, 63% tài sản của VEAM là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng với 19.956 tỷ đồng. Ngoài ra, VEAM còn 3.716,9 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn, giảm gần 17% so với đầu năm; 1.245,8 tỷ đồng là hàng tồn kho, giảm nhẹ.
Mặt khác, VEAM còn 1.252,6 tỷ đồng nợ phải trả, hầu hết là nợ ngắn hạn. Nợ của VEAM tập trung ở phải trả người bán ngắn hạn 330 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác 204,4 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn hạn 135,2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tạm kết phiên phiên giao dịch sáng ngày 06/11, cổ phiếu VEA tăng 2%, lên 46.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch trong phiên sáng đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.
Kiều Trang