Vén màn bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda: Nơi tàu bay biến mất không dấu vết

Vén màn bí ẩn Tam giác quỷ Bermuda: Nơi tàu bay biến mất không dấu vết
6 giờ trướcBài gốc
Tam giác Bermuda nằm ở phía tây bắc Đại Tây Dương, bao quanh bờ biển phía đông bang Florida (Mỹ) và Puerto Rico. Một phần của khu vực này còn kéo dài đến gần bang South Carolina (Mỹ). Tên gọi Bermuda xuất phát từ nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Huan Bermuda – người đầu tiên khám phá ra vùng biển này vào năm 1503.
Khu vực Tam giác Bermuda có đặc điểm khí hậu khá đặc biệt: nắng nhiều, gió mạnh và không có sự phân chia rõ rệt giữa các mùa. Đây cũng là một trong hai nơi trên trái đất mà la bàn không chỉ đúng về hướng bắc. Nhiều người tin rằng, các quy luật vật lý thông thường dường như không còn đúng khi áp dụng tại nơi này.
Vùng biển nuốt chửng tàu thuyền và máy bay
Lý do Tam giác Bermuda được gọi là "Tam giác quỷ" chính là bởi hàng loạt vụ mất tích bí ẩn xảy ra ở đây. Theo thống kê, hơn 100 máy bay và tàu thuyền đã biến mất không để lại dấu vết trong khu vực này. Trong số đó có nhiều vụ nổi bật, như tàu vận tải khổng lồ USS Cyclops của Hải quân Mỹ mất tích cùng 306 thành viên thủy thủ đoàn và hành khách vào năm 1918, hay tàu chở nhiên liệu SS Marine Sulphur Queen biến mất bí ẩn cùng 39 thủy thủ và 15.000 tấn lưu huỳnh lỏng năm 1963.
Ảnh minh họa.
Ngay từ năm 1492, nhà thám hiểm người Italia Christopher Columbus – trong hành trình khám phá châu Mỹ – đã ghi lại những dòng nhật ký rùng rợn khi đi qua khu vực này. Ông nhắc đến hiện tượng lệch hướng kỳ lạ của la bàn và ánh sáng bí ẩn trên đường chân trời, thậm chí mô tả “một ngọn lửa khổng lồ” rơi từ bầu trời xuống biển.
Một vụ việc nổi tiếng khác là sự kiện năm 1872 khi tàu Mary Celeste rời cảng Genoa vào ngày 7/11/1872 và đến ngày 4/12/1872, tàu Gratia Dei phát hiện Mary Celeste trôi nổi trên biển mà không có một ai trên tàu. Các xuồng cứu hộ cũng không được tìm thấy, trong khi con tàu nhìn chung vẫn còn trong tình trạng tốt.
Nhưng gây chấn động dư luận nhất là sự kiện "Chuyến bay 19". Ngày 5/12/1945, một đội gồm 5 máy bay ném ngư lôi Avenger của Hải quân Mỹ biến mất không dấu vết khi đang bay huấn luyện trên Đại Tây Dương. Trước lúc mất tích, Trung úy Charles Taylor – chỉ huy chuyến bay – đã gửi thông điệp radio về căn cứ chỉ huy ở Florida, báo cáo các hiện tượng thị giác lạ, đại dương có màu trắng kỳ dị, la bàn xoay loạn và toàn đội bị mất phương hướng. Một thủy phi cơ Martin Mariner được phái đi tìm kiếm sau đó cũng phát nổ chỉ 23 phút sau khi cất cánh. Tổng cộng có 33 người được cho là thiệt mạng trong sự cố này, bao gồm 14 thành viên của Chuyến bay 19 và 13 người trong đội cứu hộ.
Dù Hải quân Mỹ sau đó kết luận rằng Chuyến bay 19 rơi xuống biển do hết nhiên liệu, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi. Họ lập luận rằng máy bay Avenger vốn được thiết kế có thể nổi lâu trên mặt nước. Thời điểm đó biển lặng, trời quang, đáng lẽ các mảnh vỡ hoặc thân máy bay phải được tìm thấy, nhưng thực tế, chúng chưa bao giờ xuất hiện trở lại.
Giả thuyết khoa học và những ẩn số chưa có lời giải
Giới khoa học từng đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải hiện tượng kỳ bí tại Tam giác Bermuda. Hầu hết các kết luận chính thức từ Hải quân Mỹ và lực lượng bảo vệ bờ biển đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu là lỗi của con người và các yếu tố môi trường.
Một trong những đặc điểm địa lý đặc biệt của khu vực này là địa hình đáy biển biến đổi đột ngột – từ thềm lục địa thoai thoải sang những vực sâu hút. Một số trong các vũng sâu nhất hành tinh nằm trong khu vực này. Khi tàu hoặc máy bay rơi vào những hố sâu đó, việc tìm thấy chúng gần như là không thể.
Dòng hải lưu Gulf Stream mạnh và hỗn loạn đi qua khu vực này cũng là một yếu tố đáng kể. Có nơi tốc độ dòng chảy lên đến hơn 8km/h – đủ mạnh để đẩy các tàu thuyền lệch hướng hàng trăm dặm nếu người điều khiển không có kinh nghiệm hoặc không điều chỉnh kịp thời. Gulf Stream cũng có thể làm biến mất mọi dấu vết của một vụ tai nạn trong thời gian ngắn.
Tam giác Bermuda còn nổi tiếng với thời tiết cực đoan: bão hình thành bất ngờ, biến mất nhanh chóng mà không bị vệ tinh phát hiện; vòi rồng trên biển có thể hút nước lên hàng ngàn mét, dễ dàng làm biến mất máy bay hay tàu thủy. Khu vực này cũng từng ghi nhận các trận động đất ngầm dưới nước và sóng thần cao tới 30 mét – tất cả đều có thể góp phần tạo nên những vụ mất tích không để lại dấu vết.
Một giả thuyết khác được các nhà khoa học từ Đại học Cardiff (Anh) đưa ra là sự hiện diện của mỏ khí mêtan bị mắc kẹt dưới đáy biển. Đây là khí sinh ra do xác sinh vật biển phân hủy, tích tụ lâu ngày thành dạng băng đá gọi là hyđrat khí. Khi một túi khí mêtan phát nổ, nó có thể làm nước trở nên loãng hơn, khiến tàu chìm ngay lập tức và bị bùn phủ lên. Nếu có máy bay bay phía trên khu vực khí mêtan trồi lên, động cơ có thể bị bắt lửa và phát nổ.
Tuy nhiên, đến nay, chưa một giả thuyết nào được xem là đủ sức thuyết phục và được chấp nhận rộng rãi. Một số giáo phái thậm chí tin rằng Tam giác Bermuda là lãnh địa của quỷ dữ, là cánh cổng dẫn đến địa ngục hoặc thiên đường. Nhưng những điều này đúng đến đâu? Có lẽ chỉ những ai dám bước vào vùng biển huyền bí này và còn sống trở về mới có thể kể lại sự thật.
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ven-man-bi-an-tam-giac-quy-bermuda-noi-tau-bay-bien-mat-khong-dau-vet/20250515020147089