Versace chờ đợi một phép màu dưới bàn tay Prada

Versace chờ đợi một phép màu dưới bàn tay Prada
6 giờ trướcBài gốc
Vào ngày 10/4 vừa qua, tập đoàn thời trang cao cấp của Ý đã chính thức xác nhận việc mua lại thương hiệu Versace từ Capri Holdings với giá 1,25 tỷ euro (tương đương khoảng 1,38 tỷ USD). Mức giá cuối cùng có thể thay đổi tùy theo các điều khoản trong thỏa thuận.
Trở lại năm 2018, sau khi Michael Kors Holdings mua lại Versace với giá 2,1 tỷ USD đã đổi tên thành Capri Holdings Limited. Tên gọi mới phản ánh tham vọng trở thành một tập đoàn thời trang xa xỉ toàn cầu, sở hữu ba thương hiệu Michael Kors, Jimmy Choo và Versace. Tuy nhiên, dưới quyền sở hữu của Capri, Versace đã gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lại hào quang và động lực từng làm nên tên tuổi trong nhiều thập kỷ.
Báo cáo tài chính gần nhất của Capri cho thấy doanh thu của Versace đã giảm 15% so với năm trước, đáng quan ngại nhất là đà sụt giảm 11% tại thị trường châu Á. Đến tháng 12/2024, tin đồn bắt đầu rộ lên rằng Capri đang tìm cách bán đi thương hiệu đang gặp khó này.
Trong bối cảnh tăng trưởng đình trệ và tương lai mờ mịt, động thái kịp thời của Prada có thể mang đến cho Versace một hướng đi mới, thậm chí là cơ hội vàng cho một “màn tái xuất” đáng mong đợi.
Khi nhắc đến biểu tượng Medusa, người ta lập tức nghĩ đến Versace. Kể từ khi được nhà thiết kế Gianni Versace sáng lập vào năm 1978, thương hiệu đã gắn liền với những gam màu rực rỡ, lối thiết kế sân khấu hóa đậm chất xa xỉ và gợi cảm.
Một trong những dấu ấn thiết kế biểu tượng nhất của Versace là họa tiết baroque, lần đầu xuất hiện trong bộ sưu tập Thu/Đông 1991. Qua nhiều năm, họa tiết này vẫn là lựa chọn yêu thích trên thảm đỏ và các tạp chí thời trang, được hàng loạt ngôi sao như Gigi Hadid, Luke Evans và cả những nghệ sĩ châu Á như Thái Y Lâm (Jolin Tsai) hay Trương Thiều Hàm (Angela Chang) ưu ái. Họa tiết baroque cũng vẫn giữ vững được sức hút với đại chúng qua cách biến tấu phong cách cổ điển thành những bộ đồ hiện đại, dễ ứng dụng.
Chính bản sắc thị giác không thể nhầm lẫn ấy khiến Versace trở thành mảnh ghép lý tưởng trong hệ sinh thái của Prada Group. Trong khi Prada nổi tiếng với chủ nghĩa tối giản mang tính trí tuệ, còn Miu Miu đại diện cho chất năng động trẻ trung, thì tập đoàn lại thiếu một thương hiệu sở hữu vẻ quyến rũ đầy khiêu khích. Và nhiều người tin rằng Versace có thể lấp đầy khoảng trống đó.
Nhưng vì sao Prada lại chọn hành động vào lúc này? Câu trả lời có thể nằm ở những thành tích gần đây trong chiến lược quản lý thương hiệu của họ. Prada đã từng chứng minh khả năng "hồi sinh" một cái tên bị lãng quên, Miu Miu, và biến nó thành hiện tượng thời trang với bản sắc rõ ràng, hợp thời đại.
Theo báo cáo tài chính năm 2024 của tập đoàn, doanh thu bán lẻ của Miu Miu đã tăng vọt 93% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao kỷ lục. Điều đáng nói là cách đây chỉ bốn năm, Miu Miu vẫn bị xem là thương hiệu phụ trong hệ sinh thái Prada. Bước ngoặt diễn ra vào năm 2021, khi Miu Miu hợp tác với stylist Lotta Volkova (cựu cộng sự của Balenciaga) cho bộ sưu tập Xuân/Hè 2022. Những chiếc chân váy cạp thấp và giày búp bê trong bộ sưu tập đã chạm đúng thị hiếu Gen Z và nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội.
Khi được các ngôi sao như Jang Wonyoung và Kendall Jenner nhiệt tình “lăng xê”, độ phủ sóng của Miu Miu lại càng lên “như diều gặp gió”. Những hashtag như “Y2K campus style” hay “tiểu thư Miu-lennial” lan truyền trên khắp các nền tảng toàn cầu như Instagram, Facebook, TikTok hay Xiaohongshu.
Các sản phẩm của thương hiệu liên tục lọt xu hướng và ghi nhận kỷ lục bán chạy nhất, chính điều này đã giúp Miu Miu “chễm chệ” trong vị trí top 3 thương hiệu thời trang được yêu thích nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng Lyst trong cả bốn quý vừa qua.
Sự trở lại ngoạn mục của Miu Miu không chỉ là minh chứng cho sức hút tiềm ẩn của thương hiệu, mà còn khẳng định khả năng kinh doanh khéo léo của Prada Group, từ việc tái định hướng phong cách, mở rộng chiến lược nội dung đến cách khai thác truyền thông. Công thức thành công này có thể được gói gọn trong một câu, đó là tạo dấu ấn thị giác để lan truyền, rồi chuyển hóa độ phủ sóng thành doanh thu thực tế.
Giờ đây, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là liệu Prada Group có thể tái thiết lập kỳ tích với Versace và đưa thương hiệu trở lại đúng trung tâm của ngành thời trang? Cả ngành công nghiệp đều đang hồi hộp chờ. đợi câu trả lời đó.
Bảo Trâm
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/versace-cho-doi-mot-phep-mau-duoi-ban-tay-prada-post559734.html