Trải qua nhiều biến động lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “hộ quốc an dân”. Giáo lý từ bi, trí tuệ của đạo Phật đã thấm sâu vào đời sống và tâm hồn người Việt, góp phần bồi đắp bản sắc văn hóa dân tộc bằng lòng yêu nước, tinh thần bao dung và sự tu tập hướng thiện.
Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025, được Việt Nam đăng cai lần thứ tư, hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi hội tụ về để cùng kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chủ tịch nước Lương Cường nắm tay Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vào dự lễ khai mạc
Phật tử Phạm Thị Vĩ (pháp danh Diệu Lộc), cùng đoàn từ chùa Vân Sơn Tịnh (Vĩnh Phúc) đã có mặt từ sớm để tham dự các nghi lễ quan trọng.
Bà chia sẻ niềm xúc động khi được sống trong không khí linh thiêng của sự kiện quốc tế; đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tôn giáo, tạo điều kiện cho người dân tự do tín ngưỡng và sống an lạc.
Đại lễ Vesak 2025 có sự hiện diện của đông đảo tăng ni phật tử năm châu
Theo bà Vĩ, Vesak không chỉ là ngày lễ lớn của Phật giáo mà còn là dịp để quảng bá các giá trị đạo đức, văn hóa đặc sắc của Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới. Sự hiện diện đông đảo của Tăng ni, Phật tử năm châu thể hiện tinh thần hòa hợp và đoàn kết toàn cầu của cộng đồng Phật giáo.
"Đại lễ Vesak được tổ chức cho phật tử toàn thế giới hội tụ về đây. Dù là phật tử được đi cùng các thầy, nhưng được thầy lo tất cả chi phí. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước mình đã cho người dân, phật tử có được ngày hòa bình hôm nay. Thật sự rất xúc động khi có mặt tại TP.HCM để tham gia các hoạt động đại lễ", bà Vĩ nói.
Sự hoan hỷ lan tỏa trong từng bước chân của hàng ngàn Phật tử, những người đến để chiêm bái, học hỏi và thực hành chánh pháp. Các hoạt động trong khuôn khổ Vesak 2025 được tổ chức tại TP.HCM vừa trang nghiêm, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện tinh thần tôn trọng và hòa hợp giữa các tôn giáo trong đời sống cộng đồng.
Phật tử Nguyên Giới, 60 tuổi, từ Hà Nội, cũng không ngại đường xa để có mặt tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh). Bà chia sẻ niềm hạnh phúc khi được tham dự Đại lễ và đặc biệt là có cơ hội đảnh lễ Xá lợi Phật từ Ấn Độ – một phước duyên hiếm có trong đời người. Dù hành trình vất vả, bà vẫn hoan hỷ thực hiện tâm nguyện với lòng thành kính sâu sắc.
"Mình cũng là một trong những phật tử may mắn được tham dự. Mình ở Hà Nội vào, khó mấy, vất vả mấy cũng phải xin được tham dự để đảnh lễ; đặc biệt là năm nay lại có dịp rất lớn là đảnh lễ Xá lợi Phật từ Ấn Độ về. Đó là niềm vui hạnh phúc mà cả đời gặp cũng không được nên mình cố gắng thực hiện ước mơ, ước nguyện đó", Phật tử Nguyên Giới cho biết.
Đăng cai Vesak, niềm vinh dự lớn lao
Đông đảo phật tử, người dân thành phố rất vui mừng và cảm thấy vinh dự khi TP.HCM được lựa chọn là địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak.
Công tác tổ chức Đại lễ được đánh giá cao, đảm bảo an toàn, an ninh và chuyên nghiệp, quy củ. Đây là cơ hội để văn hóa Phật giáo Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, không chỉ với Phật tử mà cả với những người theo tôn giáo khác.
"Từ lúc đi vào khu đại lễ rõ ràng công tác an ninh, trật tự được nhận định, rất là tốt. Quan trọng nữa là chúng ta vừa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam. Mới đây tôi cũng vinh dự được dự lễ kỷ niệm giải phóng Côn Đảo... Chính vì vậy việc tổ chức Đại lễ Vesak vào dịp này càng có ý nghĩa vô cùng lớn lao", Phật tử Lê Thị Thu Hương đến từ Quận 5, TP.HCM cho biết.
Chánh điện nơi diễn ra lễ khai mạc Vesak 2025
Chủ đề của Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đồng thời, phản ánh khát vọng và tầm nhìn thời đại, khi liên kết các giá trị Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu như: mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, những điều này đã được chính các phật tử và khách thập phương tham dự Vesak cảm nhận sâu sắc.