Vesak 2025 lan tỏa tuệ giác Phật giáo vì hòa bình và phát triển bền vững

Vesak 2025 lan tỏa tuệ giác Phật giáo vì hòa bình và phát triển bền vững
5 giờ trướcBài gốc
Đại lễ Vesak là nơi hội tụ đông đảo Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Một điểm sáng về hòa hợp
Theo Ban tổ chức, Đại lễ Vesak 2025 đón khoảng 2.700 đại biểu, trong đó có 1.250 khách quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức Phật giáo thế giới và các học giả uy tín.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là sự kiện có quy mô và tầm vóc quốc tế, đánh dấu lần thứ tư Việt Nam đăng cai và lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, văn hóa và hội nhập hàng đầu cả nước.
Theo Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, thời điểm tổ chức Vesak 2025 mang ý nghĩa đặc biệt, khi đất nước vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và đang hướng tới 80 năm Quốc khánh 2/9. Trong bối cảnh ấy, Vesak không chỉ là lễ hội tâm linh của người Phật tử mà còn là dịp để khẳng định vai trò đồng hành của Phật giáo trong sự nghiệp hòa bình, phát triển đất nước và hội nhập toàn cầu.
Ngày 6/5, khá đông người dân, tăng ni phật tử đã về Học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tham gia Đại lễ Vesak 2025.
Tương tự, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đây là cơ hội quý để tăng cường hiểu biết, chia sẻ giá trị truyền thống và lý tưởng tâm linh giữa các nền Phật giáo. Tuệ giác của Đức Phật chính là nền tảng để xây dựng một thế giới hòa bình, xã hội bền vững và đáng sống. Ngoài ra, đây đây không chỉ là dịp kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn của Đức Phật, Vesak 2025 còn là điểm hẹn của trí tuệ toàn cầu. Các hội thảo học thuật trong khuôn khổ Đại lễ tập trung vào các chủ đề như đạo đức Phật giáo trong giáo dục, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thượng tọa Phra Medhivajarapundit, Phó Tổng Thư ký Điều hành Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) cho biết: “Việt Nam là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và đã khẳng định uy tín qua ba lần tổ chức thành công Vesak. Với Vesak 2025, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một điểm sáng về hòa hợp, đóng góp lớn cho Phật giáo toàn cầu. Ngoài ra, đại lễ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một Thành phố trẻ trung, năng động, nơi kết tinh giữa di sản văn hóa truyền thống và tinh thần hội nhập quốc tế, càng khẳng định rõ hình ảnh một Việt Nam hòa bình, cởi mở và phát triển bền vững”.
Việt Nam - đất nước của hòa bình, hội nhập
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia Vesak 2025 cho biết, Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Vì vậy, sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái, lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: Từ bi, trí tuệ và hòa bình. Ở Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.
Các Tăng ni, Phật tử được tìm hiểu nhiều thông tin, không gian Phật giáo trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.
"Với chủ đề "Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", Vesak 2025 tiếp tục khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc góp phần xây dựng thế giới hòa hợp, tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ hành tinh xanh. Sự kiện đặc biệt lần này cũng là cơ hội để Phật giáo thế giới cùng thảo luận về vai trò tôn giáo trong thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm.
Lá cờ đại diện cho sự hòa hợp, từ bi, bác ái... được kéo lên tại Đại lễ Vesak 2025..
Tượng tự, Hòa thượng TS Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak cho biết: "Việt Nam đã thực hiện cam kết tổ chức một Vesak chu đáo, chuyên nghiệp và đến nay, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt sự kiện ý nghĩa, chuyên nghiệp và chu đáo. Chúng tôi cảm kích sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam và tin rằng hàng triệu người không thể đến đây vẫn sẽ cảm nhận được không khí Vesak qua báo chí và truyền thông".
"Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột và khủng hoảng niềm tin, đại lễ Vesak trở thành biểu tượng của sự kết nối giữa các dân tộc, nền văn hóa và tôn giáo. Thông điệp đoàn kết, bao dung, sống thuận theo tuệ giác sẽ giúp con người hướng đến một thế giới công bằng và bền vững hơn. Việc đăng cai Vesak cũng góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam, đưa tiếng nói của cộng đồng Phật tử Việt ra thế giới. Cùng với đó là hình ảnh một đất nước Việt Nam ổn định, nhân văn, luôn chủ động hội nhập và sẵn sàng đóng góp vào các giá trị tiến bộ chung của nhân loại", Hòa thượng TS Tampalawela Dhammaratana cho biết thêm.
Chủ tịch nước Lương Cường cho biết: "Đức Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm, những giá trị cốt lõi của giáo lý Từ bi - Trí tuệ mà Ngài truyền dạy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với nhân loại hôm nay. Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững".
Bài, ảnh: An Hiếu - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/vesak-2025lan-toa-tue-giac-phat-giao-vi-hoa-binh-va-phat-trien-ben-vung-20250506105200145.htm