Các đại biểu tham dự Vesak 2025 chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: VESAK 2025)
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Vesak năm nay truyền đi thông điệp từ bi, khoan dung, trí tuệ và hòa bình cho thế giới. Là một dịp lễ tâm linh quan trọng, Vesak 2025 còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối văn hóa, tôn giáo và nhân văn trong cộng đồng quốc tế. Không chỉ tham dự các hoạt động Phật sự, các đại biểu còn được trải nghiệm thực tế đời sống tâm linh và văn hóa địa phương. Đây chính là biểu hiện rõ nét của đối ngoại nhân dân- cầu nối giữa các quốc gia bằng niềm tin và sự cởi mở, thấu hiểu.
Đại lễ năm nay diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị lớn có đời sống tôn giáo phong phú, phản ánh rõ nét môi trường tín ngưỡng đa dạng và tự do đang được bảo đảm tại Việt Nam.
Vesak 2025 diễn ra từ ngày 6-8/5, với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu quốc tế đến từ gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây không chỉ là một sự kiện Phật giáo quốc tế mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định mạnh mẽ cam kết đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, đồng thời thúc đẩy đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước hòa bình, cởi mở và tôn trọng quyền phổ quát của con người.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các cơ quan, ban, ngành cho thấy tinh thần đồng hành giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.
Không chỉ dừng ở các nghi thức tôn giáo, Vesak 2025 còn là một không gian đa văn hóa, nơi các giá trị Phật giáo gắn kết với các vấn đề toàn cầu như hòa bình, phát triển bền vững và đoàn kết nhân loại.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Phật giáo với chủ đề Vesak thiêng liêng. (Ảnh: VESAK 2025)
Một trong những điểm nhấn học thuật của Vesak 2025 là hội thảo khoa học quốc tế diễn ra ngày 7/5 với sự tham gia của hàng trăm học giả, chức sắc tôn giáo và các nhà hoạt động xã hội đến từ nhiều quốc gia.
Với hơn 650 tham luận tiếng Anh và 330 tham luận tiếng Việt gửi về, hội thảo là diễn đàn học thuật lớn nhất trong khuôn khổ Vesak 2025. Các tham luận tập trung các chủ đề về hòa bình thế giới, phát triển bền vững và ứng dụng giáo lý Phật giáo trong xã hội hiện đại…
Sự tham gia của các nhân sĩ, tri thức Phật giáo, nhà nghiên cứu, học giả trên thế giới và trong nước cho thấy sự hòa quyện giữa tín ngưỡng, văn hóa và trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh quốc tế ngày càng đề cao các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, hội thảo sẽ tập trung phản ánh rõ ràng chính sách nhất quán và thực tiễn của Việt Nam trong việc khuyến khích các tôn giáo tham gia vào các vấn đề chung của xã hội.
Vesak 2025 làm nổi bật hiệu quả định hướng đối ngoại nhân văn, lấy con người làm trung tâm và khẳng định vai trò thiết thực của tôn giáo trong xây dựng thế giới nhân ái, hòa bình.
Trên nền tảng tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động và cam kết quốc tế về nhân quyền, trong đó Vesak là một minh chứng rõ nét.
Từ Vesak 2008 tại Thủ đô Hà Nội, Vesak 2014 tại Ninh Bình và Vesak 2019 tại Hà Nam đến Vesak 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam liên tục được cộng đồng quốc tế tin tưởng lựa chọn là quốc gia đăng cai và tổ chức các kỳ Vesak.
Bà Trần Thị Minh Nga, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), nhận định: Điều này không chỉ phản ánh năng lực tổ chức mà còn phản ánh môi trường pháp lý và xã hội ngày càng thuận lợi cho các sinh hoạt tôn giáo. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn, hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và đáp ứng nhu cầu tinh thần tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo.
Việt Nam không chỉ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật mà còn khẳng định thực tiễn tự do tôn giáo bằng hành động cụ thể, chủ động tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, giáo dục và bảo vệ môi trường. Thông qua Vesak 2025, chính sách nhất quán của Việt Nam về tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo càng được thể hiện rõ ràng hơn bằng các hành động cụ thể, trước sự chứng kiến của bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Vesak 2025 càng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố uy tín và hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm, tôn trọng quyền con người và sẵn sàng đóng góp cho hòa bình thế giới.
Vesak 2025 vì thế không chỉ là một sự kiện văn hóa-tôn giáo quốc tế mà còn là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của đối ngoại nhân dân và đối ngoại văn hóa Việt Nam. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thực tiễn sống động trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước hôm nay.
NGỌC LIÊN