Vết lũ quê mình

Vết lũ quê mình
7 giờ trướcBài gốc
Đường về Nông Sơn mùa lũ - ảnh Minh Thông
Thế hệ 7X của tôi cũng chỉ nghe kể lại, còn chứng kiến thì chỉ có những ngôi nhà thờ lũ ở các làng quê tại Nông Sơn hiện vẫn còn ghi về số người tử nạn. Ví như ngôi nhà thờ lũ ở làng Đông An, xã Phước Ninh, nằm nơi thượng nguồn sông Thu Bồn vẫn còn ghi con số 1.481 người tử nạn. Đã qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, lại nhớ những trận bão lũ đi qua đời tôi như vẫn thấp thoáng đâu đó. Nhớ nhất, mới nghe tin đài báo… không lâu thì nước lũ đã tràn về trắng đồng, trắng bãi.
Sau gió bão thường là mưa lớn, lũ cứ thế tràn về, cả xóm, cả làng chìm trong biển nước mênh mông. Màu nước đục ngầu cuốn theo rêu rác cứ phăng phăng chui qua bờ tre, bụi duối, cánh đồng liền kề chân núi be bé không đủ dang rộng một vòng tay để đổ vào làng mạc, nhà cửa. Giữa cơn thịnh nộ của đất trời, đêm về không điện đóm ba mẹ lại hì hụi điệp khúc dọn dọn, kê kê những bàn ghế, tủ gường, rồi ví quay thóc lúa, khoai mè cao dần, cao dần lên trên mặt nước…
Bão lũ có trận kéo dài cả tuần nhưng cũng có trận chỉ hôm trước hôm sau đã ngưng tạnh gió mưa, song khi ngưng tạnh, con nước rút đi cũng là lúc để lộ ra cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác. Đường sá nhà cửa ngập ngụa bùn non, rác rưởi. Lúa trong ví trong bồ thấm nước mọc mộng như giá đỗ, rau ngoài vườn từng luống từng hàng tươi tốt trông chưa kịp đã con mắt hôm nào giờ dập nát, tơi bời… Xót nhất với bọn trẻ chúng tôi là những tập sách vở bị gió mưa, rồi nước lũ nhấn chìm ướt nhòe nhẹt, vữa ra từng về, từng mảng… Và đối diện với nó là bao công việc chất chồng, bao nỗi toan lo của người quê vốn đã cực nhọc một nắng hai sương. Song đau xót nhất vẫn những gia đình có người thân mất đi trong bão lũ.
Sống chung với bão lũ, người dân quê tôi đã thấu hiểu cụm từ “đỉnh lũ”, tức điểm cao nhất nước dâng lên, rồi cụm từ “rốn lũ” tức điểm lõm sâu ở một vùng lũ nào đó. Song, không hiểu sao khi nghe từ “rốn lũ”, tôi lại liên tưởng về cuống rốn của một đứa trẻ khi mới lọt lòng. Trong truyền thống văn hóa Việt ta vẫn thường nói với nhau câu, “chôn nhau cắt rốn”. Tức nơi mình sinh ra, trong máu mủ ruột rà để rồi mai này lớn lên, có đi cuối đất cùng trời cũng không quên nơi mình được sinh ra, là gia đình, quê hương, nguồn cội. Mỗi lần nghe tang thương vùng rốn lũ trong lòng lại nhói lên một niềm đau về tình đồng loại, nghĩa đồng bào, sắt se khó tả. Thêm điều người dân quê tôi tuy thấu hiểu cụm từ “đỉnh lũ” (chỉ viết trên giấy tờ) còn trao đổi, hỏi han nhau họ chỉ dùng từ “vết lũ”. Bởi dùng từ “đỉnh lũ” vô hình trung ta đã đề cao kiểu như một thành tích nào đó của lũ. Còn nhớ sau trận bão lũ cách đây chừng vài năm, khi đoàn công tác Trung ương về kiểm tra, bàn bạc để triển khai một dự án xây nhà dân sống chung với lũ, trưởng đoàn công tác mới hỏi về “đỉnh lũ” tại nơi thị sát. Cán bộ địa phương ngơ ngác nhìn nhau rồi chỉ biết chỉ áng chừng nên rất khó tham mưu cho đoàn cán bộ cấp trên chọn thiết kế cốt nền cho dự án nhà vượt lũ. Bất ngờ lúc đó, người đàn ông chủ gia đình kia nắm tay tôi dẫn vào trong nhà, đến gần án thờ có bức ảnh trẻ thơ rồi chỉ cho tôi xem vết lũ năm xưa đã gây ra tang thương cho gia đình anh khi đứa con trai duy nhất đã vĩnh viễn cuốn theo dòng nước lũ. Sau này, khi sửa chữa lại ngôi nhà, lợp lại ngói, quét tường vôi…, nhưng bức vách bên án thờ vợ chồng anh vẫn giữ nguyên vẹn. Vết lũ ấy như là vết thương lòng vợ chồng anh cố giấu, nhưng cũng lại cố giữ, như giữ một ký ức đau buồn để nhắc nhở nhau về họa kiếp thiên tai, để tiếp tục kiên cường sống vì người đang sống và cũng vì người đã mất.
Chính vì thế mà để tìm vết lũ những địa bàn thường bị bão lũ như ở quê tôi thì phải tìm ngay trong chính ngôi nhà của những người dân. Không ít người dân dù sau này làm lại nhà mới, song họ vẫn không quên những vết lũ như là những vết thương lòng mà họ đã trải qua. Một cán bộ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn kể cho tôi nghe câu chuyện của chính mình trong trận lũ lụt năm Thìn 1964. Bấy giờ rừng rú, cây cối còn rậm rạp, anh được mẹ mang bầu bám trên một ngọn cây cao do lũ cuốn rồi cả vùng ngập sâu trong lũ. Khi nước rút, cũng là lúc mẹ sinh anh và anh may mắn được cứu sống. Bởi vậy, thật thương đau, mỗi năm sinh nhật anh cũng là ngày giỗ mẹ…
Vừa rồi về lại Nông Sơn - nơi từng xảy ra nạn thiên tai khủng khiếp vào năm Thìn 1964, khi đi qua nhà thờ lũ làng Đông An, tôi đã viết những câu thơ trong cảm xúc khi nghĩ về cuộc tranh giành người yêu của hai đấng Sơn tinh - Thủy tinh mà gây ra bao tai ương cho người dân vô tội: “Phải đâu vùng đất Sơn Tinh mà là Nông Sơn, Quế Sơn xứ Quảng/ Đã tròn một hoa giáp nơi đây trận mạc thủy thần /Cuộc chiến nghe đâu cũng vì mấy cô gái tóc dài hái dâu bên bờ Thu Bồn ngày ấy/Gây đời bao nỗi tang thương…Thắng bại mà chi cuộc giao tranh sắc đẹp/Chẳng có sính lễ nào bằng lòng khi người con gái bỏ đi/Vua chẳng có đâu chỉ trời đất thật gần/Sao chẳng xót thương mạng người vô tội…””.
Điều lo lắng nhiều vùng quê xưa chưa từng “rốn lũ” nay lại trở thành “rốn lũ”, “đỉnh lũ” tức “vết lũ” cũng dần cao thêm trên xóm thôn làng mạc. Đó là chưa nói tình trạng sạt lở đất, đất chảy diễn ra gần đây như là một thảm họa khôn lường cho người dân nhiều địa bàn vùng cao. Trên facebook một người bạn làm báo nêu một thông tin rất đáng suy ngẫm. Ai cũng biết, kết nối giữa đất và nước là rừng. Trong khi đó rừng tự nhiên không còn. Đó còn câu chuyện phá rừng già để trồng rừng thay thế là những cây gỗ keo lá tràm… Trong khi đó, theo các chuyên gia về rừng thì rừng tự nhiên có thể giữ 90% nước mưa thẩm thấu vào đất, 10% nước chảy trên bề mặt, còn rừng keo lá tràm khi mưa lũ chỉ 10% thành nước ngầm, 90% chảy tràn trên mặt đất. Âu những điều nói trên là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra bao tang thương, nhiều nơi tình trạng sạt lở cuốn phăng cả làng mạc chứ nói gì đến những “vết lũ” như những vết lòng đầy trắc ẩn, mỗi khi mùa giông bão lại về.
Tạp bút: Võ Văn Trường
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/vet-lu-que-minh-post302019.html