Vết nứt lớn xé toạc núi, nhiều hộ dân bất an

Vết nứt lớn xé toạc núi, nhiều hộ dân bất an
5 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Thượng Tiến (xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) lo lắng, bất an vì các vết nứt và sạt lở trên núi Rú Dầu nằm ngay phía sau nhà ngày càng lan rộng. Có nhiều vị trí đất sụt lún, khoét hàm ếch, nhiều cây cối bật trơ gốc.
Người dân địa phương đang cảm thấy bất an vì những vết nứt trên núi.
Gia đình ông Phan Văn Lương (SN 1970, nhà ở dưới chân núi) cho biết, hiện tượng núi Rú Dầu bị nứt, sạt lở từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi mùa mưa lũ tình trạng này tiếp tục lan rộng, kéo dài hàng trăm mét. Đặc biệt, ngoài vị trí nứt núi đã lộ rõ, còn nhiều vị trí nứt khác trên cao đang bị cây cối che khuất, khó phát hiện.
"Cứ mùa mưa lũ về người dân lại sống trong lo lắng, bất an. Tình trạng núi bị nứt có thể ập cả quả đồi xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Những năm gần đây, vào mùa mưa lũ chúng tôi phải di chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn", ông Lương nói.
Theo người dân địa phương, vết nứt trên núi phát hiện vào năm 2019, cứ mỗi năm vết nứt lại càng rộng ra, đất sụt lún trông thấy. Hiện tại có khoảng 16 hộ dân đang sinh sống ven chân núi Rú Dầu. Tuy nhiên có 8 hộ dân sống gần vị trí xuất hiện điểm có vết nứt và sạt lở.
Ghi nhận của PV, hiện các đường nứt trên núi diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng ở độ sâu 4 - 5m, kéo dài khoảng 200m, thậm chí có nhiều đường nứt chạy hướng lên đỉnh núi.
Những đường nứt chạy dài và lan rộng trên núi Rú Dầu.
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, hỗ trợ di dời các hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Do phần lớn người dân trong thôn là làm ruộng, không có kinh phí, nếu di dời tái định cư, bà con mong cấp trên xem xét, hỗ trợ đất, kinh phí để có điều kiện xây dựng lại nhà ở mới.
Ông Trần Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết, hiện tượng núi Rú Dầu có vết nứt kéo dài diễn ra nhiều năm nay đe dọa đến tính mạng, cuộc sống người dân. Mùa mưa bão về phải di dời những người dân gần khu vực đó để đảm bảo an toàn cho họ.
"Xã xây dựng các phương án chủ động ứng phó nguy cơ nứt và sạt lở, đồng thời ký cam kết với các hộ dân về việc chủ động di dời để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ngoài ra cũng đề xuất lên huyện, tỉnh và cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ di dời tái định cư cho các hộ dân sống gần vị trị nứt núi nhưng đang gặp khó khăn, vì vấn đề này liên quan đất đai, kinh phí", Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho hay.
Tại xã Hương Liên (huyện Hương Khê) cũng xuất hiện một số điểm nứt núi, có nguy cơ gây mất an toàn cho các hộ dân sống gần khu vực.
Tại núi Cây Cơi, ở thôn 1 xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 20m, rộng khoảng 20cm, nằm ở độ cao khoảng 20m. Xung quanh vị trí nứt núi đã có hiện tượng đất bị sụt lún khoảng 30cm, dưới chân núi có dấu hiệu đất bị sạt lở, ước tính đất ở khu vực nứt núi khoảng 5.000m³.
Cách núi Cây Cơi khoảng 2km, trên núi Khe Cổ ở độ cao khoảng 50m đã xuất hiện các đường rạn nứt kéo dài.
Theo lãnh đạo UBND xã Hương Liên, địa phương đã đề xuất cấp trên và cơ quan chức năng có giải pháp xử lý, khắc phục những điểm nứt núi này nhưng vẫn chưa có kết quả. Do quỹ đất ở dự phòng và nguồn kinh phí rất khó khăn nên việc tổ chức di dời các hộ dân đến khu tái định cư là không thực hiện được. Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, địa phương tuyên truyền, hỗ trợ sơ tán người dân và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Nguyễn Sơn - Minh Thùy
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vet-nut-lon-xe-toac-nui-nhieu-ho-dan-bat-an-169241105112406163.htm