Những hệ quả âm thầm nhưng dai dẳng
Vi chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo máu, miễn dịch, phát triển hệ thần kinh trung ương và tăng trưởng chiều cao, nhất là ở trẻ em trong giai đoạn từ 0-5 tuổi. Đây là thời kỳ cơ thể phát triển nhanh nhất và cũng là lúc nhu cầu về vi chất cao nhất. Tuy nhiên, nghịch lý là chính nhóm tuổi này lại có nguy cơ thiếu hụt vi chất cao nhất.
Báo cáo "Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019–2020" của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, có tới 58% trẻ từ 6-59 tháng tuổi bị thiếu kẽm, 18,1% thiếu máu (chủ yếu do thiếu sắt) và gần 9% thiếu vitamin A ở mức tiền lâm sàng. Tỷ lệ này còn cao hơn tại các vùng có điều kiện ăn uống hạn chế như nông thôn, miền núi. Với những trẻ em ăn uống đơn điệu, không được bú mẹ đầy đủ hoặc mắc bệnh nhiễm trùng kéo dài càng dễ rơi vào vòng xoáy thiếu vi chất.
Trẻ em ở khu vực miền núi dễ thiếu hụt vi chất. (Ảnh Thành Long"
Sự thiếu hụt này không luôn biểu hiện tức thì, nhưng lại âm thầm gây ra hàng loạt hệ quả nghiêm trọng: thị lực suy giảm, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Thiếu kẽm làm trẻ biếng ăn, dễ ốm. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, học kém. Thiếu vitamin D và canxi ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và hệ xương. Những tổn thương này, một khi đã hình thành, rất khó khắc phục.
Một nghiên cứu năm 2024 thuộc Khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II) cho thấy tình trạng dinh dưỡng của trẻ Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Dù hầu hết trẻ em có ăn sáng, nhưng chỉ khoảng 17% được uống sữa vào bữa sáng – thấp hơn nhiều so với khuyến nghị. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu canxi, vitamin D, A, C và B12 lần lượt là 81%, 95%, 56%, 66% và 32%. Những con số này không chỉ phản ánh sự thiếu hụt về mặt dinh dưỡng, mà còn là lời cảnh báo về tương lai phát triển thể chất, trí tuệ của thế hệ trẻ. Thực trạng ấy cho thấy bổ sung vi chất đúng cách là không thể trì hoãn và cần được cá thể hóa theo từng độ tuổi, từng đối tượng.
Không phải cứ uống nhiều là tốt
Tuy đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng việc bổ sung vi chất cần được thực hiện đúng cách, đúng liều lượng và đúng đối tượng.
Cụ thể, nếu thừa vitamin A liều cao kéo dài có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng gan, lách; thừa sắt làm rối loạn tiêu hóa và giảm hấp thu kẽm; trong khi thừa kẽm có thể cản trở đồng và miễn dịch. Do đó, cha mẹ chỉ nên bổ sung theo hướng dẫn của nhân viên y tế sau khi trẻ được khám, đánh giá dinh dưỡng cụ thể.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, các đợt uống vitamin A liều cao định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm vẫn là biện pháp dự phòng cần thiết, đặc biệt cho trẻ từ 6–59 tháng tuổi. Với trẻ thiếu máu, thiếu kẽm, các phác đồ bổ sung thường kéo dài 2–3 tháng và cần có sự theo dõi của cơ sở y tế.
Viên nang vitamin A liều cao được cung cấp miễn phí tại cơ sở y tế.
Thay vì chỉ trông cậy vào viên uống, giải pháp bền vững nhất để phòng ngừa thiếu vi chất là xây dựng khẩu phần ăn cân đối ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Trẻ cần được ăn đầy đủ bốn nhóm thực phẩm mỗi ngày: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các nguồn giàu vi chất tự nhiên như gan, trứng, thịt đỏ, cá nhỏ, sữa, rau xanh đậm, trái cây màu vàng cam nên xuất hiện thường xuyên trong thực đơn của trẻ.
Đặc biệt, các loại thực phẩm tăng cường vi chất cần được sử dụng thường xuyên trong bếp ăn gia đình, nhất là tại trường mầm non. Đây là chính sách y tế công cộng đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm và đang được triển khai trên toàn quốc.
Để giúp trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ để theo dõi chiều cao, cân nặng và đánh giá nguy cơ thiếu vi chất. Với những trẻ có biểu hiện biếng ăn, chậm lớn, hay ốm vặt, cần đặc biệt lưu ý bổ sung vi chất đúng phác đồ và cải thiện khẩu phần dinh dưỡng.
Việc hướng dẫn trẻ vận động ngoài trời, ngủ đủ giấc và có lối sống lành mạnh cũng giúp tăng cường hấp thu vi chất tự nhiên từ thức ăn. Đặc biệt, việc giáo dục dinh dưỡng sớm cho trẻ thông qua các trò chơi, hoạt động tại trường mầm non và tiểu học sẽ tạo thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ.
Thiếu vi chất dinh dưỡng là tình trạng phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát nếu các biện pháp được thực hiện đúng cách. Từ khẩu phần ăn đủ chất, sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất, đến khám và bổ sung hợp lý, tất cả đều góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ.
Duy Dương