Đức Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông khi tham dự một sự kiện tại quảng trường Thánh Peter, Vatican ngày 26/5/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trong lần xuất hiện công khai cuối cùng, Giáo hoàng lặp lại điều đã trở thành khẩu hiệu trong suốt thời gian tại vị của ngài: Hòa bình.
Trong lễ ban phước lành Urbi et Orbi dịp lễ Phục sinh, chỉ một ngày trước khi qua đời, lời ngài vang lên như tiếng vọng của vô vàn lời kêu gọi suốt nhiều năm qua: Kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới buông vũ khí và tìm đến đối thoại.
Dù lúc đó sức khỏe yếu đến mức phải nhờ người khác đọc thay thông điệp, giọng nói mỏng manh của Giáo hoàng vẫn lan truyền khắp quảng trường Thánh Peter và đến với hàng triệu người qua màn hình trên toàn thế giới.
Tôi xin bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau của toàn thể nhân dân Israel và nhân dân Palestine. Tôi tha thiết kêu gọi các bên đang chiến đấu: hãy ngừng bắn, trả tự do cho các con tin và cứu giúp một dân tộc đang chết đói nhưng vẫn khao khát tương lai hòa bình.
Thông điệp Urbi et Orbi (Gửi thành Rome và toàn thế giới) của Giáo hoàng Francis, ngày 20/4/2025.
Từ những ngày đầu tiên trong 12 năm lãnh đạo Giáo hội, Giáo hoàng Francis đã là ngọn cờ đầu trong phong trào Công giáo toàn cầu kêu gọi hòa bình. Bằng lời nói và hành động, Giáo hoàng khẳng định niềm tin vững chắc vào sức mạnh của hòa giải, tầm quan trọng của đối thoại và sự cấp bách trong việc chấm dứt mọi hình thức bạo lực.
Lời nói và hành động
Được mệnh danh là “Giáo hoàng của những vùng ngoại vi”, vị Giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu, Giáo hoàng Francis luôn dành thời gian cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì chiến tranh. Bên cạnh việc nhắc đến các điểm nóng được truyền thông chú ý, Giáo hoàng cũng không bao giờ quên những khu vực phải chịu thống khổ nhưng bị thế giới lãng quên.
Một trong những cử chỉ mang tính biểu tượng và gây xúc động mạnh nhất trong triều đại của Giáo hoàng là vào tháng 4/2019, khi Giáo hoàng quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan, đất nước đang vật lộn với nội chiến khốc liệt. Giáo hoàng khiêm nhường cúi mình trước Tổng thống Salva Kiir và đối thủ Riek Machar của vị tổng thống này, khẩn cầu họ buông vũ khí và bước đi trên con đường hòa bình.
Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông khi tham dự một sự kiện tại quảng trường Thánh Peter, Vatican ngày 13/3/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Lời kêu gọi cá nhân ấy trở thành hành động ngoại giao khi 4 năm sau, tháng 2/2023, Giáo hoàng đến Nam Sudan cùng Tổng Giám mục Canterbury và Chủ tịch Giáo hội Scotland. Giáo hoàng đã gặp gỡ hàng nghìn tín hữu và khẳng định: “Thế hệ tương lai sẽ hoặc tôn kính tên các vị, hoặc xóa bỏ ký ức về các vị - tùy thuộc vào những gì các vị làm hôm nay”.
Lời kêu gọi của Giáo hoàng không chỉ nhắm đến hiện tại, mà còn là sự cảnh tỉnh trước những vết thương của quá khứ.
Giáo hoàng Francis cầu nguyện tại Công viên trung tâm vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản. (Ảnh: Vatican Media)
Trong chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki năm 2019, Giáo hoàng đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại vũ khí hạt nhân. Đứng tại Công viên trung tâm vụ nổ hạt nhân ở Nagasaki - nơi từng hứng chịu sự hủy diệt chưa từng có, Giáo hoàng khẳng định: “Việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức”.
Theo một tuyên bố bằng video của Tòa thánh Vatican ngày 21/4, Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.
Những chuyến hành hương vì hòa bình
Nhiều chuyến công du của Giáo hoàng Francis đều mang thông điệp hòa bình. Tháng 3/2021, Giáo hoàng Francis đi vào lịch sử với tư cách là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Iraq, quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh.
Đặc biệt, cuộc gặp giữa Giáo hoàng với Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite Ayatollah Ali al-Sistani tại Najaf là điểm nhấn cho đối thoại thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới đã vượt qua sự chia rẽ giữa các tôn giáo để thúc đẩy hòa bình và thống nhất trong một cuộc gặp lịch sử.
Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông khi tham dự một sự kiện tại quảng trường Thánh Peter, Vatican ngày 31/3/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Giáo hoàng khẳng định: “Hòa bình không đòi hỏi phải có người thắng hay kẻ thua, mà cần những anh chị em, dù từng hiểu lầm hay bị tổn thương, vẫn chọn đối thoại”.
Gần đây nhất, tháng 9/2024, Giáo hoàng đến thăm Đông Timor, theo tỷ lệ là quốc gia có nhiều người Công giáo nhất thế giới, từng đấu tranh gian khổ giành độc lập. Khi dâng Thánh lễ trước 600.000 người ở Tasitolu, Giáo hoàng nói: “Các anh chị em đã vững vàng trong hy vọng giữa lúc khốn cùng, và với tinh thần dân tộc cùng đức tin, anh chị em đã biến đau thương thành niềm vui”.
Tiếng nói của nhà kiến tạo hòa bình
Không chỉ qua các chuyến đi, Giáo hoàng còn tích cực lên tiếng trong các cuộc xung đột toàn cầu, kêu gọi ngừng bắn và đối thoại.
Năm 2014, Giáo hoàng Francis đã tiếp Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến Vatican cầu nguyện cho hòa bình.
Đến tháng 10/2024, giữa bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông, Giáo hoàng lại một lần nữa kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza, trả tự do cho con tin Israel và bảo đảm viện trợ nhân đạo.
Giáo hoàng Francis, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cùng với Thượng phụ Đại kết Bartholomew I vào ngày 8/6/2014. (Ảnh: Vatican media)
Ngay trong tháng đó, cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert và cựu Ngoại trưởng Palestine Nasser Al-Kidwa đã trình bày đề xuất hòa bình lên Giáo hoàng - minh chứng cho niềm tin rằng đối thoại luôn là con đường hy vọng.
Trong Năm thánh Hy vọng 2025, thông điệp của Giáo hoàng Francis về sự gần gũi, lòng nhân từ và khát vọng hòa bình vẫn sẽ tiếp tục vang vọng. Đó không chỉ là lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh, mà còn là tiếng nói đòi hỏi công lý, đối thoại và tình anh em - cho một thế giới không chỉ của riêng ai, mà là của tất cả.
HẢI YẾN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/vi-giao-hoang-cua-hoa-binh-vi-hoa-binh-post874149.html