Vị Hoàng đế Hồi giáo vẫn ám ảnh hàng triệu người Ấn Độ sau ba thế kỷ

Vị Hoàng đế Hồi giáo vẫn ám ảnh hàng triệu người Ấn Độ sau ba thế kỷ
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa Hoàng đế Alamgir và làn sóng bất ổn hiện tại ở Ấn Độ. Ảnh: CNN
Aurangzeb Alamgir – vị hoàng đế thứ sáu của triều đại Mughal lừng danh – đang trở thành tâm điểm trong bối cảnh chính trị căng thẳng tại Ấn Độ. Những ký ức lưu trong sử sách về ông đang châm ngòi cho bạo lực sắc tộc trên khắp đất nước.
Nhiều người chỉ trích xem Alamgir là một bạo chúa – người từng ngược đãi phụ nữ, phá hủy các đền thờ Hindu, cưỡng ép cải đạo và phát động các cuộc chiến tranh chống lại các vương quốc Hindu và Sikh.
Và trong một đất nước hiện nay gần như bị chi phối toàn diện bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, những hành động đó của Aurangzeb đang bị các chính trị gia cánh hữu khai thác triệt để – biến ông thành biểu tượng của “cái ác” cần bị xóa sổ khỏi ký ức dân tộc.
Xung đột sắc tộc đã nổ ra tại thành phố Nagpur, miền Trung Ấn Độ hồi tháng trước, khi các phần tử dân tộc Hindu cực đoan kêu gọi phá hủy lăng mộ của Aurangzeb – cách đó khoảng 400 km.
Bạo lực bùng phát sau khi một bộ phim Bollywood gần đây khắc họa các cuộc chinh phạt đẫm máu của Aurangzeb chống lại một vị vua Hindu được tôn kính, khiến hàng chục người bị thương và bị bắt giữ, buộc chính quyền Nagpur phải ban hành lệnh giới nghiêm.
Khi căng thẳng giữa hai cộng đồng ngày càng leo thang, nhiều người Hindu cánh hữu đang dùng cái tên Aurangzeb như một biểu tượng để nhấn mạnh những bất công trong lịch sử đối với tôn giáo chiếm đa số tại Ấn Độ – đồng thời làm dấy lên nỗi lo sợ trong cộng đồng gần 200 triệu người Hồi giáo tại nước này.
"Ngoại lệ" của đế chế Hồi giáo Mughal
Triều đại Mughal cai trị Ấn Độ là thời kỳ ghi dấu những cuộc chinh phạt, thống trị và đấu tranh quyền lực đẫm máu – nhưng đồng thời cũng là kỷ nguyên bùng nổ nghệ thuật và văn hóa, cũng như các giai đoạn giao thoa tôn giáo sâu sắc – ít nhất là cho đến khi Aurangzeb lên ngôi.
Được thành lập bởi Babur năm 1526, đế chế Mughal lúc cực thịnh trải dài từ Afghanistan hiện đại ở Trung Á đến Bangladesh ở phía Đông, trước khi chấm dứt vào năm 1857 khi người Anh phế truất vị hoàng đế cuối cùng – Bahadur Shah II.
Các vị vua nổi tiếng nhất của triều đại này – như Humayun, Akbar, Jahangir và Shah Jahan – được biết đến với tinh thần khoan dung tôn giáo, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Ấn Độ và xây dựng nhiều công trình biểu tượng như Taj Mahal hay Pháo đài Đỏ tại Delhi.
Đền Taj Mahal tại thành phố Agra, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, trong số các vị vua được coi là ôn hòa ấy, Aurangzeb lại là một ngoại lệ – một người cuồng tín tôn giáo và có cá tính phức tạp.
“Aurangzeb đã khiến người ta vừa ngưỡng mộ vừa ghê tởm ngay từ lúc ông giành được ngai vàng Mughal” - Abhishek Kaicker – nhà sử học chuyên nghiên cứu về Nam Á theo truyền thống Ba Tư tại Đại học UC Berkeley – nhận định.
“Ông bị căm ghét vì con đường lên ngôi tàn nhẫn – giam cầm cha và giết các anh em trai. Nhưng đồng thời, ông cũng được kính phục vì lối sống giản dị, lòng sùng đạo, tài năng quân sự vô song giúp mở rộng lãnh thổ đế chế, sự khôn khéo chính trị, hiệu quả hành chính, và danh tiếng về sự công bằng.”
Aurangzeb sinh năm 1618, là con trai của Shah Jahan (Nhà vua nổi tiếng đã cho xây dựng đền Taj Mahal) và Hoàng hậu Mumtaz Mahal (người mà Taj Mahal được dựng lên để tưởng niệm). Theo các nhà sử học, ông là một hoàng tử mộ đạo và nghiêm khắc ngay từ nhỏ, sớm bộc lộ tố chất lãnh đạo.
Từ năm 18 tuổi, ông đã được giao giữ nhiều chức vụ khác nhau và đều chứng tỏ là một chỉ huy tài ba. Dưới thời cha ông, vinh quang của đế chế Mughal đạt đỉnh cao, và Aurangzeb phải cạnh tranh để giành quyền kiểm soát ngai vàng giàu có nhất thế giới lúc bấy giờ.
Vì thế, khi Shah Jahan lâm bệnh năm 1657, cuộc chiến giành ngôi giữa các con trai ông đã bùng nổ, với đỉnh điểm là cuộc đối đầu giữa Aurangzeb và người anh cả Dara Shikoh – người được coi là biểu tượng của văn hóa giao hòa Hindu - Hồi giáo.
Aurangzeb đã giam cầm người cha đang bệnh nặng của mình vào năm 1658 và đánh bại người anh trai vào năm sau đó, trước khi cho xiềng xích và bắt ông diễu phố giữa thủ đô Delhi trên một con voi bẩn thỉu. Dara Shikoh sau đó đã bị sát hại.
Bước ngoặt đột ngột
Đến thời điểm đó, quyền lực của Aurangzeb đã đạt đến đỉnh cao phi thường. Dưới sự trị vì của ông, đế chế Mughal vươn đến phạm vi địa lý rộng lớn nhất trong lịch sử.
Ông giành được sự kính nể, và trong nửa đầu triều đại, ông trị vì với bàn tay sắt – tuy vậy vẫn có một mức độ khoan dung nhất định đối với tôn giáo Hindu chiếm đa số.
Theo Giáo sư lịch sử Nadeem Rezavi tại Đại học Aligarh, cho đến khoảng năm 1679, không có ghi nhận nào về việc đền chùa bị phá hủy hay việc đánh “jizya” – sắc thuế áp đặt lên người không theo đạo Hồi. Ông nhận định Aurangzeb hành xử “giống như các bậc tiền nhân của mình”. Thậm chí một số người Hindu còn nắm giữ những vị trí cấp cao trong chính quyền của ông.
Tuy nhiên, đến năm 1680, mọi chuyện đã thay đổi. Aurangzeb bắt đầu áp dụng lối cai trị cực đoan tôn giáo, mà hệ quả vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.
Vị hoàng đế bắt đầu giáng chức các cận thần người Hindu, biến bạn thành thù, và phát động một cuộc chiến lâu dài, bị phản đối rộng rãi tại vùng Deccan – bao gồm cả chiến dịch đàn áp đẫm máu vương quốc Maratha, một vương triều Hindu hiện vẫn được giới chính trị cánh hữu tại Ấn Độ – trong đó có Thủ tướng Narendra Modi – tôn vinh.
Các thành viên của đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi đã nhanh chóng nhấn mạnh những tội ác mà Aurangzeb gây ra với người Hindu – như cưỡng bức cải đạo, tái áp đặt thuế jizya và giết hại người không theo đạo Hồi.
Khu mộ của Aurangzeb. Ảnh: CNN
Aurangzeb cũng phát động chiến tranh chống người Sikh, và đã xử tử Guru Tegh Bahadur – vị giáo chủ thứ 9 của đạo Sikh – một hành động khiến ông trở thành kẻ bị căm ghét sâu sắc trong cộng đồng Sikh cho đến tận ngày nay.
Khuấy động xã hội Ấn Độ hiện đại
Chính sự tàn bạo này đã được tái hiện trong bộ phim mới ra mắt gần đây – “Chhaava”, mô tả Aurangzeb như một kẻ Hồi giáo man rợ, đã giết chết Sambhaji – con trai của vị vua Maratha lừng danh Chhatrapati Shivaji.
“Bộ phim Chhaava đã làm bùng lên làn sóng giận dữ của người dân với Aurangzeb”, Devendra Fadnavis – thủ hiến bang Maharashtra, nơi có thành phố Nagpur – cho biết.
Người Hồi giáo địa phương tố cáo các thành viên của tổ chức cực hữu Vishwa Hindu Parishad (VHP) đã đốt một tấm vải có ghi các câu kinh Koran.
Yajendra Thakur – quan chức VHP – phủ nhận cáo buộc này, nhưng tái khẳng định mong muốn phá bỏ lăng mộ Aurangzeb. “Mộ của Aurangzeb không nên tồn tại ở đây”, ông nói với CNN. “Không nên tồn tại, vì những gì ông ta đã làm với Shambhaji Maharaj. Ngay cả các anh em Hồi giáo của chúng tôi cũng nên ra tuyên bố rằng ngôi mộ ấy không nên hiện diện ở Nagpur.”
Việc Thủ tướng Modi liên tục nhắc đến Aurangzeb không có gì bất ngờ. Ông Modi – một người luôn thể hiện niềm tin tôn giáo của mình – từ lâu đã là thành viên của tổ chức bán quân sự cánh hữu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), vốn chủ trương thiết lập sự thống trị của người Hindu tại Ấn Độ. RSS lập luận rằng người Hindu đã bị áp bức trong lịch sử – đầu tiên là bởi triều đại Mughal, rồi đến thực dân Anh sau này. Và nhiều người thuộc phe này muốn xóa sạch mọi dấu tích của lịch sử đó.
Quận nơi Aurangzeb được chôn cất – trước đây có tên là Aurangabad – đã được đổi tên thành Sambhajinagar vào năm 2023. Những thành tựu của các bậc tiền nhân như vua Akbar hay Shah Jahan bị gạt khỏi sách giáo khoa, hoặc không còn được dạy trong trường học.
Các thành viên của Bajrang Dal và tổ chức Vishwa Hindu Parishad biểu tình tại Mumbai ngày 17/3/2025, yêu cầu dỡ bỏ lăng mộ của hoàng đế Mughal Aurangzeb tại Khuldabad. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images
Dù các sử gia đều nhất trí rằng Aurangzeb là một nhân vật đen tối và phức tạp và không phủ nhận những tàn bạo của ông, song theo Giáo sư sử học Rezavi, cần phải hiểu rằng ông tồn tại trong một thời đại mà khái niệm “Ấn Độ” khi đó chưa hề hiện diện.
“Chúng ta đang nói đến một thời kỳ không có hiến pháp, không có quốc hội, không có nền dân chủ”, ông Rezavi nói.
Nhà sử học Kaicker cũng có quan điểm tương đồng. Những nhân vật lịch sử như Aurangzeb “không đáng được ngợi ca cũng chẳng đáng bị nguyền rủa”, ông nhận xét. “Họ cần được hiểu trong bối cảnh thời đại của riêng họ – vốn rất xa vời so với hiện tại.”
Tại Nagpur, các yêu cầu phá bỏ lăng mộ Aurangzeb vẫn chưa được đáp ứng – thậm chí một số thành viên của phe cực hữu Hindu cũng không ủng hộ lời kêu gọi đó.
Asif Qureshi – một cư dân Hồi giáo địa phương – nói rằng quê hương ông chưa bao giờ chứng kiến bạo lực như tháng trước, và lên án các cuộc đụng độ đã làm rung chuyển một thành phố vốn nổi tiếng yên bình. “Đây là một vết nhơ trong lịch sử thành phố của chúng tôi”, ông nói.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/vi-hoang-de-hoi-giao-van-am-anh-hang-trieu-nguoi-an-do-sau-ba-the-ky-20250421231620229.htm