Vi khuẩn "anh hùng Conan" có thể bảo vệ con người khỏi tia phóng xạ. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS
Vi khuẩn Deinococcus radiodurans, biệt danh "Vi khuẩn anh hùng Conan", là một sinh vật cực hạn có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt khiến hầu hết các dạng sống khác phải bỏ mạng. Khả năng kháng bức xạ của nó mạnh gấp hàng nghìn lần liều gây chết người đã mang lại cho vi khuẩn này biệt danh độc đáo trên.
Tiến sĩ Michael Daly, chuyên gia di truyền học tại Đại học Dịch vụ Đồng nhất ở Maryland (Mỹ) giải thích: "Bức xạ ion hóa - như tia X, tia gamma, proton từ Mặt trời và bức xạ vũ trụ - cực kỳ độc hại với cả vi khuẩn lẫn con người. Với vi khuẩn, bức xạ có thể gây hư hại DNA, oxy hóa protein và phá vỡ màng tế bào. Với con người, phơi nhiễm bức xạ có thể dẫn đến hội chứng bức xạ cấp tính, tăng nguy cơ ung thư và tổn thương mô và các cơ quan".
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PNAS ngày 12/12, nhóm của Daly đã lấy cảm hứng từ chất chống oxy hóa mạnh do D. radiodurans tạo ra để thiết kế phiên bản của riêng họ. Họ đặt tên cho chất chống oxy hóa mới này là peptide phụ thuộc mangan (MDP).
Các thí nghiệm cho thấy phức hợp MDP có thể chịu đựng liều bức xạ ion hóa cao gấp hơn 12.000 lần liều gây chết người. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ con người khỏi bức xạ.
"Với các sứ mệnh lên sao Hỏa kéo dài hơn một năm, việc bảo vệ khỏi bức xạ sẽ là yếu tố sống còn với an toàn của phi hành đoàn", Daly nói. Trên Trái đất, MDP cũng có thể giúp ngăn ngừa hội chứng bức xạ cấp tính và có tiềm năng trong điều trị lão hóa do chuyển hóa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần thêm nhiều nghiên cứu để phát triển dạng MDP an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Trong tương lai, họ kỳ vọng MDP sẽ có ứng dụng rộng rãi từ chăm sóc sức khỏe đến du hành vũ trụ.
Thanh Tùng/TTXVN