Vì một Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp

Vì một Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp
5 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, nhiệm vụ nâng cao chất lượng môi trường sống đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các cấp, ngành và địa phương trên toàn thành phố. Với tinh thần đó, hàng loạt phong trào thi đua, mô hình và dự án thiết thực đã được triển khai, thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân. Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, mang lại diện mạo tươi mới cho Thủ đô.
Dọn dẹp vệ sinh tưởng chừng là việc nhỏ, nhưng lại là bước đầu tiên quan trọng để xây dựng một môi trường sống văn minh. Ở các phường như Lý Thái Tổ hay Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, vào mỗi cuối tuần, người dân lại tập trung đông đủ để cùng nhau quét dọn, làm sạch những tuyến phố.
Vì một Hà Nội xanh sạch đẹp
Hơn 6 giờ sáng, tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thị Dần, tổ phó tổ dân phố số 2, cùng nhiều người dân trong phường cùng xắn tay tổng vệ sinh. Họ quét dọn rác, bóc xóa nội dung quảng cáo tự phát xấu xí. Việc làm này đã diễn ra từ nhiều năm nay, đều đặn vào chiều tối ngày thứ 6 và mỗi sáng sớm thứ 7 hàng tuần.
Bà Dần chia sẻ: "Tôi phân công từng gia đình một và mọi người thì dường như đã thành nếp rồi. Cứ đúng giờ đúng buổi chúng tôi tiến hành vệ sinh, góp sức mình làm sạch đường phố".
Tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, người dân cùng ra đường dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan mặt phố. Ngày thứ 7 hàng tuần đang trở thành "Ngày thứ bảy xanh" ở hầu hết khu dân cư quận Hoàn Kiếm.
Bà Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Chúng tôi đang xin ý kiến của thành phố để cho phép xử phạt đối với những hành vi vi phạm, xả rác bừa bãi. Chế tài xử phạt có thể sẽ tăng gấp đôi".
Cùng tinh thần ấy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, đã trở thành điểm sáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh đô thị và khu vực ven sông Tô Lịch. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 781 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền hơn 533 triệu đồng.
Những bức tường rêu mốc nhạt nhòa của thôn Thống Nhất, huyện Đan Phương, nay được quét vôi ve trắng sáng, vẽ thành những bức tranh sinh động. Tuyến đê kiểu mẫu được người dân hưởng ứng trồng cây, chăm sóc không quản ngại khó khăn khiến cho đoạn đê nhân dân quản lý ngày càng xanh sạch. Hàng ngày các tuyến đường được dọn sạch sẽ, người dân có ý thức xây dựng không gian sống chung.
Không chỉ có Đan Phượng, tinh thần "Ngày thứ 7 xanh" lan tỏa đến nhiều xã của Hà Nội, như xã An Thượng, huyện Hoài Đức.
Để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, tinh thần "Ngày thứ 7 xanh" phải trở thành hành động tự giác ở mỗi người dân, ở từng cộng đồng dân cư; ở mọi quận, huyện; thường xuyên, bền lâu.
Tuy trách nhiệm và công việc của công nhân vệ sinh môi trường đô thị là quét dọn thu gom rác thải, nhưng nếu ý thức của người dân kém, vứt xả rác bừa bãi thì sự lao động của công nhân vệ sinh môi trường cũng không xuể, chỉ hạn chế được phần nào rác thải. Do đó, ý thức của người dân cần phải tốt.
Thành phố sạch đẹp từ mỗi cá nhân, gia đình
Bà Hoàng Vân Anh, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, có thói quen phân loại rác sinh hoạt tại gia đình. Những loại rác dễ phân hủy như rau, thịt, cơm thừa và các loại rác hữu cơ được gom riêng. Các loại thùng, hộp các-tông không dùng, bà gom lại, đem cho những người chuyên thu mua đồ đồng nát đưa đến cơ sở tái chế. Vỏ chai nhựa, túi nilon cùng các loại rác khó phân hủy, bà cùng người dân trong tổ dân phố số 8 đem gom lại, để mỗi sáng thứ 7 đem đến phố Vọng Hà để đổi rác lấy quà.
Bà Vân Anh chia sẻ: "Môi trường cảnh quan tại khu tôi sinh sống đã cải thiện hơn. Trẻ em quanh khu phố mỗi cuối tuần đều rủ nhau đạp xe đến Vọng Hà đổi rác lấy quà. Điều này vừa khiến môi trường, cảnh quan đẹp hơn, vừa giúp trẻ em có ý thức hơn".
Khu nhà của bà Nguyễn Hồng Nguyệt, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, đang cho 4 hộ gia đình thuê. Khu sân sinh hoạt chung, cứ mỗi chiều, bà Nguyệt xắn tay quét sân, phân loại rác, rửa mặt sàn sạch sẽ để môi trường sống luôn được sạch sẽ, tinh tơi.
Bà Nguyệt cho biết: "Tôi luôn thực hiện đổ rác đúng giờ, dọn vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm vệ sinh. Những loại rác có thể tái chế tôi luôn nhắc mọi người trọ để riêng ra để có thể đi đổi quà hoặc bán đồng nát".
Để góp phần cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp, mỗi hộ gia đình đều cần có ý thức chăm sóc, dọn dẹp, phân loại rác tại nguồn. Từ đó lan tỏa đến những người xung quanh.
Hẳn chúng ta không lạ gì hình ảnh người dân Nhật Bản luôn mang theo túi riêng để đựng rác, tự dọn dẹp sạch sẽ khu vực mình ngồi sau mỗi sự kiện. Ý thức ấy không tự nhiên mà có. Đó là kết quả của việc giáo dục và rèn luyện từ nhỏ, để giữ gìn vệ sinh trở thành một thói quen trong cuộc sống. Học từ người Nhật, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ để bảo vệ môi trường, thể hiện lòng tự trọng và tình yêu với Hà Nội.
Thói quen sạch sẽ của người Nhật
Du khách thế giới đặt chân đến Nhật Bản không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên và các địa danh nổi tiếng Nhật Bản mà họ còn phải trầm trồ vì không thấy bóng rác thải trên đường phố hay khu dân cư. Vậy bí quyết nào giúp đất nước này trở thành một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới?
Người Nhật Bản đã chú trọng đến việc hướng dẫn giữ gìn vệ sinh cho thế hệ trẻ từ rất sớm. Từ bậc tiểu học đến đại học, 12 năm liền học sinh được đào tạo, giáo dục tự giữ gìn vệ sinh trường học. Tính tự giác và nhận thức của học sinh ở quốc gia này cao đến mức hầu hết trường đại học không cần thuê người giám hộ. Vào thời gian nghỉ trưa, tất cả học sinh, sinh viên tham gia dọn dẹp sân trường với niềm phấn khởi như luyện tập kỹ năng lao động.
Chính việc bồi dưỡng thói quen giữ vệ sinh chung đã thúc đẩy tinh thần tự giác với cộng đồng và đạo đức nghề nghiệp của họ. "Rời đi sạch sẽ hơn lúc đặt chân đến nơi đó" là một trong những thái độ ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật. Họ luôn nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần trước khi quyết định xả rác ra đâu đó.
Ngoài việc giáo dục học sinh, tại quốc gia này còn có nhiều phong trào dọn rác độc đáo như giải vô địch dọn rác SpoGomi. Giải thưởng này ra đời lần đầu tiên vào năm 2008 nhằm mục đích biến công việc nhặt rác thành một hoạt động thể thao thực sự giúp làm sạch không gian công cộng. Theo ban tổ chức, mỗi năm có khoảng 200 cuộc thi đã được tổ chức trên khắp đất nước.
Năm 2023, SpoGomi đã phát triển trở thành sự kiện quốc tế, thu hút khoảng 20 quốc gia tham dự. Cuộc thi hấp dẫn này diễn ra trong 90 phút. Mỗi đội gồm có ba người chơi, được thưởng điểm dựa trên số lượng và loại rác họ nhặt được tại một khu vực do ban tổ chức chỉ định. Các vận động viên không được phép chạy và thu gom rác từ tài sản riêng. Người chơi có 20 phút sau mỗi lượt nhặt rác để phân loại rác thành các loại khác nhau như: rác có thể đốt cháy, chai nhựa có thể tái chế, lon kim loại, tàn thuốc lá và các loại khác.
Ông Mitsuyuki Unno, nhà tổ chức sự kiện này, cho biết cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và đặc biệt là giảm rác thải nhựa trôi ra đại dương: "Điều quan trọng đầu tiên là làm cho mọi người nhận thức được thực trạng rác thải trên đại dương. Mục đích thứ hai của sự kiện này là thực sự tạo cơ hội cho những người đã nhận thức được vấn đề và mong muốn hành động để bảo vệ môi trường".
Sự ra đời của giải Vô địch thế giới nhặt rác được xem là một giải pháp thiết thực để khuyến khích mọi người gìn giữ không gian công cộng sạch sẽ và hơn thế, còn nêu bật văn hóa dọn dẹp vốn nổi tiếng của người Nhật.
Và để không gian sống luôn trong lành, tươi đẹp thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm, phải thực sự có ý thức ở mọi nơi, mọi lúc, liên tục hàng ngày. Đó cũng là cách để mỗi cá nhân lan tỏa lối sống đẹp, văn minh trong cộng đồng. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống đang được thực hiện một cách quyết liệt, chặt chẽ.
Một Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp sẽ không chỉ là mục tiêu mà còn là niềm tự hào khi mỗi người dân cùng chung tay xây dựng. Hãy để những con phố luôn sạch đẹp, để những du khách đến với Thủ đô thêm yêu mến và để chúng ta tự hào về nơi mình sống.
Mai Phương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/vi-mot-ha-noi-sang-xanh-sach-dp-288661.htm