Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến bản sửa đổi năm 2013 và nay là năm 2025, một tinh thần xuyên suốt bất biến: Nhà nước này là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bảo vệ quyền lực của Nhân dân chính là gìn giữ danh dự của Nhà nước, là làm tròn sứ mệnh cao cả nhất mà bất kỳ bộ máy công quyền nào cũng phải khắc cốt ghi tâm.
Khi người thực thi công vụ biết đồng hành
Từ buổi bình minh của lịch sử dựng nước, Nhân dân đã không hề đứng bên lề. Họ là những người mẹ gạt nước mắt tiễn con ra trận, là người nông dân nhường bát cơm cuối cùng cho cán bộ cách mạng, là lớp lớp người vô danh nằm lại bên triền núi, triền sông để giữ cho màu cờ Tổ quốc không phai nhạt. Và hôm nay, trong thời bình, họ tiếp tục gìn giữ từng cột mốc biên giới, từng vạt rừng, từng con sóng ngoài khơi. Họ không đòi ghi danh, chỉ mong được lắng nghe và được tôn trọng. Chính từ sức mạnh tinh thần vô biên đó, đất nước vươn lên từ đổ nát, vượt qua bao giông tố. Hiến pháp mới không chỉ là một bản điều chỉnh kỹ thuật luật pháp, mà là lời thề thiêng liêng của Nhà nước rằng mọi quyền lực phải quy tụ từ Nhân dân, phục vụ vì Nhân dân. Hiến pháp sống động nhất khi được thể hiện bằng chính hành động tôn trọng và lắng nghe Nhân dân trong từng quyết sách.
Trên thực tế, đôi lúc người cầm quyền đã quên mất rằng người dân là chủ thể, không phải là đối tượng để “quản lý”. Qua quan sát, có thể thấy rằng chỉ trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, các vụ việc liên quan đến thu hồi đất, cưỡng chế và hỗ trợ sinh kế đã để lại những vết thương xã hội sâu sắc. Điểm chung của các sự kiện này vắng bóng sự đối thoại chân thành giữa chính quyền và người dân.
Người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trảng Bàng, Tây Ninh nộp hồ sơ. Ảnh: Hùng Anh
Nhưng giữa những vết rạn ấy, có vô vàn câu chuyện đẹp, nơi chính quyền đã thật sự sát dân, vì dân. Không ít địa phương đã chọn cách bước xuống đồng ruộng, bến nước, chợ quê để cùng người dân hoạch định tương lai. Như tại một vùng ven sông khi triển khai dự án cảng cạn, ban đầu chỉ là thông báo hành chính một chiều. Người dân vốn quen với ruộng vườn, không hiểu, không đồng thuận. Nhưng khi đại diện chính quyền đến từng nhà, cùng khảo sát từng mét đất, cùng ngồi vẽ lại bản thiết kế, giải thích rành mạch từng chi tiết, thì không chỉ dự án được triển khai mà lòng dân cũng được gắn bó lại.
Hay ở một xã miền núi biên giới, khi người dân lo cây ăn trái bị ảnh hưởng do mở rộng đường liên xã, lo người già khó leo tam cấp cao, chính quyền đã không gạt đi mà điều chỉnh thiết kế phù hợp. Trong xây dựng nông thôn mới, có những cán bộ chấp nhận bỏ thêm thời gian cùng dân bàn bạc: lát sân bê tông thì nên có vườn hoa kèm theo, nên chừa chỗ cho ghế đá, nên nghĩ đến trẻ nhỏ, người già. Từ những điều tưởng như rất nhỏ ấy, lòng tin lớn lên. Và dân chủ trở nên thực chất khi người thực thi công vụ biết đồng hành thay vì áp đặt.
Vì Nhân dân phụng sự: khởi nguồn của mọi sự kỳ diệu
Hiến pháp năm 2025 không chỉ tái xác lập cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Cao hơn thế, bản Hiến pháp là một cam kết sống còn rằng mọi quyền lực phải được sinh ra từ Nhân dân và vì Nhân dân mà vận hành. Không ai được phép nhân danh quyền lực nếu không hành xử bằng một trái tim biết kính dân, trọng dân.
Cũng chính trong tinh thần đó, việc cả nước chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại cả đô thị và nông thôn là quyết tâm sửa đổi tận gốc để bộ máy chính quyền trở nên gần dân, minh bạch hơn và phục vụ thiết thực hơn. Khi địa phương không còn tầng nấc trung gian, không còn tình trạng “đẩy trách nhiệm đi” thì từng tiếng nói của người dân sẽ được phản hồi đúng nơi. Từng băn khoăn sẽ được giải quyết tại chỗ. Và từng quyết sách sẽ gắn với nhu cầu thật sự của cộng đồng. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ giảm tải về hình thức mà còn là sự khai thông trong ý thức công quyền. Đó chính là lời hứa hành động rằng: “Không có gì quý hơn niềm tin của Nhân dân”.
Diệu kỳ đến từ lòng dân không nằm ở những công trình vĩ đại mà hiện diện rõ ràng trong đời sống thường ngày. Đó là nụ cười an tâm của người mẹ khi con em được học trong lớp học khang trang. Là bước chân vững chãi của người già khi đi trên cây cầu bê tông kiên cố thay vì phải lội qua dòng nước xiết. Là ánh mắt biết ơn của người nông dân khi thủ tục vay vốn không còn rườm rà. Là giọt mồ hôi của cán bộ địa phương giữa đêm mưa, tận tâm giúp người dân dựng lại mái nhà bị sập. Là tiếng trẻ con nô đùa dưới mái hiên mới mà chính quyền cùng dân chung tay xây dựng. Những hình ảnh bình dị ấy là nơi Hiến pháp sống dậy trong hành động, là nơi luật pháp và lương tri gặp nhau.
Người cán bộ, khi hành xử bằng lương tâm chức nghiệp, sẽ được trao lại điều quý giá nhất. Đó là sự tín nhiệm không cần tán dương. Là sự biết ơn không cần ghi nhận. Là niềm kiêu hãnh âm thầm của một người tử tế giữa lòng đồng bào mình. Và khi ánh sáng của hai tiếng Nhân dân được soi chiếu vào từng quyết định, từng chính sách và từng trái tim người cầm quyền, đó sẽ không chỉ là một bước tiến lập pháp. Đó là khi người dân thấy mình được bảo vệ, được lắng nghe và được vươn lên. Và đó chính là lúc đất nước không chỉ đi tới mà còn cất cánh mạnh mẽ, vươn mình hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đồng thuận, văn minh và của hạnh phúc chân thực.
TRẦN QUỐC VIỆT