Vì nhân dân quên mình

Vì nhân dân quên mình
2 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xúc động nêu lên 6 “điểm tựa Việt Nam” giúp đồng bào vững vàng vượt qua những khó khăn do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở gây ra. Một trong những điểm tựa được nhắc đến là Quân đội, Công an. “Lúc cần, lúc khó có Quân đội, Công an”; “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Quả thật, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng quân đội nói riêng đã luôn sát cánh cùng nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 3 và hoàn lưu bão gây biết bao tổn thất cho đồng bào.
Trong những ngày qua, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân đội dầm mình trong nước lũ sơ tán dân tới nơi an toàn, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân sạt lở ở thôn Làng Nủ, thôn Kho Vàng (Lào Cai), giúp dân chạy lúa ngoài đồng, dựng lại những căn nhà bị bão cuốn đi, chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường… đã làm lay động trái tim người dân cả nước. Ngay thời điểm này, quân đội cũng đang chạy đua với thời gian, phối hợp với các lực lượng để tiếp tục tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) - một biểu tượng của sự mất mát trong bão số 3 - và chuẩn bị sẵn sàng lắp đặt cầu phao để khôi phục điều kiện giao thông, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.
Ở mỗi điểm sạt lở, ngập lụt, khi có sự xuất hiện của “Bộ đội Cụ Hồ” là ở đó người dân cảm thấy an toàn, yên tâm, tin tưởng tuyệt đối. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc mỗi khi thiên tai, địch họa ập xuống với người dân. Trong bão tố, mưa dông, lực lượng quân đội luôn có mặt ở tuyến đầu để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Dù là nơi hiểm trở nhất, bước chân của những người chiến sĩ đều băng qua núi cao sạt trượt, vượt thác lũ để tiếp cận và hỗ trợ người dân theo mệnh lệnh từ trái tim.
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 thu dọn những ngôi nhà của nhân dân bị sập hoàn toàn sau trận lũ. Ảnh: TTXVN phát
Đúng như truyền thống “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nhân dân hy sinh”, trong bão số 3 đã có những tấm gương cán bộ, chiến sĩ dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, để lại niềm tiếc thương và cảm phục trong đồng đội và nhân dân. Tiêu biểu là: Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng, lái xe thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Lữ đoàn Vận tải 653, Cục Hậu cần Quân khu 3. Sự xả thân của họ vì hai tiếng “đồng bào” tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang đầy tự hào của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong và sau bão số 3, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 59.000 lượt cán bộ, chiến sĩ (bộ đội, dân quân tự vệ) cùng hơn 1.300 phương tiện (ô tô, tàu, xuồng, máy bay trực thăng) tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ. Với tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, các đơn vị đã tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở nơi xung yếu, gian khổ, hiểm nguy; tích cực tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Những nỗi đau rồi cũng dần nguôi ngoai. Ở những vết cứa của thiên tai cũng đã bật lên những mầm chồi mới. Tuy vậy, khó khăn của đồng bào vùng bão lũ vẫn hiện hữu và cần thời gian để khôi phục cuộc sống.
Lữ đoàn Công binh 249 (Bộ Tư lệnh Công binh) kiểm tra lưu lượng dòng chảy trước khi chính thức lắp đặt cầu phao tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
“Đồng cam cộng khổ”, nhằm sẻ chia với những mất mát, khó khăn đó của người dân, nhằm dành lực lượng, tiết kiệm kinh phí để tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào, Bộ Quốc phòng vừa quyết định sẽ không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền Bắc nước ta. Công tác khắc phục hậu quả đã và đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chia sẻ những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh… Từ tình hình trên, Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng các hoạt động huấn luyện diễu binh, diễu hành từ ngày 21/9/2024.
Quyết định dừng một hoạt động quan trọng trong ngày lễ lớn của đất nước là một hành động hết sức thiết thực nhằm sẻ chia với đồng bào, tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ, sạt lở. Theo ước tính sơ bộ, ngoài mất mát to lớn không thể bù đắp nổi về con người (trên 320 người chết, mất tích), bão số 3 đã gây thiệt hại về tài sản hơn 50.000 tỷ đồng và dự báo có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng 0,15%. Giữa những bộn bề tái thiết và phục hồi của các địa phương và nỗ lực hỗ trợ của các cấp, các ngành, quyết định trên của Bộ Quốc phòng là hợp lòng dân, nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước, đặc biệt đã thể hiện chuẩn mực “hiếu với dân”. Điều này một lần nữa cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, sự đùm bọc trong “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của nhân dân ta nói chung và tình quân dân sắt son “như cá với nước” nói riêng trước những khó khăn, gian khổ.
Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Sông Lô, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp gặt lúa bị ngập úng, ngã đổ giúp nông dân xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Như một lẽ tự nhiên, tự nguyện, thiết thực, không phô trương, quân đội ta đã khẳng định sự đồng hành, sát cánh cùng nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, làm sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”: Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi, vì nhân dân quên mình…”.
Trung Sơn
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/goc-nhin/vi-nhan-dan-quen-minh-20240922104340914.htm