Trong những năm gần đây, khái niệm "vi nhựa" không còn xa lạ trong các cuộc thảo luận về ô nhiễm môi trường. Vi nhựa, những mảnh nhựa có kích thước dưới 5mm, được hình thành từ sự phân rã của các sản phẩm nhựa lớn hoặc sản xuất trực tiếp với kích thước siêu nhỏ như trong mỹ phẩm, sơn, vật liệu công nghiệp... đang trở thành một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay
Vi nhựa không thể bị tiêu hóa và có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể, gây nguy cơ về sức khỏe như rối loạn nội tiết, tổn thương mô và có thể cả ung thư.
Không chỉ thực phẩm từ biển, vi nhựa còn hiện diện trong rau củ nhờ nước tưới bị ô nhiễm, trong muối ăn do quy trình sản xuất tại vùng biển nhiễm rác thải nhựa và cả trong không khí chúng ta hít thở hằng ngày.
Hiện chưa có giới hạn tiêu thụ vi nhựa được đặt ra bởi các tổ chức y tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật chỉ ra vi nhựa có thể làm thay đổi biểu hiện gen, phá vỡ hàng rào máu - não và làm tổn thương hệ miễn dịch. Với con người, những hệ quả có thể mất hàng chục năm mới bộc lộ rõ, nhưng nguy cơ là hiện hữu.
Rác thải nhựa không chỉ là gánh nặng môi trường kéo dài hàng thế kỷ mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng với sức khỏe con người. Một nghiên cứu mới công bố từ Đại học New Mexico (Mỹ) đã hé lộ phát hiện đáng lo: các hạt vi nhựa đang hiện diện trong mô não người với mật độ ngày càng gia tăng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Matthew Campen đứng đầu đã phát hiện lượng vi nhựa trong mô não của người trưởng thành trong độ tuổi 45–50 lên tới 4.800 microgram trên mỗi gram, tương đương 0,5% khối lượng. Nói cách khác, trong mỗi gam mô não, đã có 0,5% là... nhựa.
Các mẫu mô được lấy từ vỏ não trước trán – khu vực điều phối tư duy và khả năng lý luận, cũng là vùng thường bị tác động bởi chứng suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer. Kết quả thu thập từ các ca khám nghiệm tử thi đầu năm 2024 cho thấy mức vi nhựa trong não đã tăng gần 50% so với các mẫu nghiên cứu từ năm 2016.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Campen, những con số này mới phản ánh mức độ tiếp xúc với vi nhựa, chứ chưa thể kết luận cụ thể về tổn hại trực tiếp đến chức năng não bộ. Ông lưu ý rằng các hạt này, hay còn gọi là nhựa nano, bằng cách nào đó đã vượt qua hàng rào máu não – vốn được xem là lá chắn bảo vệ hệ thần kinh trung ương.
Một giả thuyết được đưa ra: nhựa có ái lực cao với chất béo. Điều này lý giải vì sao chúng có thể di chuyển qua các thực phẩm chứa lipid – rồi theo dòng máu tập trung tại những cơ quan "ưa mỡ", như não. Không phải ngẫu nhiên khi não người có đến 60% là chất béo – tỉ lệ cao nhất trong cơ thể.
Ở góc độ khác, Phó Giáo sư Phoebe Stapleton – chuyên gia về Dược và Độc học tại Đại học Rutgers (New Jersey, Mỹ) – khuyến nghị cần thêm nghiên cứu để xác định cụ thể mối quan hệ giữa vi nhựa và các tế bào trong cơ thể. Theo bà, vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận rõ ràng về độc tính hay ảnh hưởng dài hạn của các hạt này.
“Trong bối cảnh nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống hiện đại, điều quan trọng là tiếp cận thông tin một cách khoa học và không vội vàng gây hoang mang”, bà Stapleton nhấn mạnh.
Cuộc chiến với vi nhựa không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học hay nhà nước, mà cần được bắt đầu từ mỗi cá nhân. Hành vi tiêu dùng nhựa một lần, thói quen sử dụng tiện lợi nhưng thiếu bền vững đang là “gốc rễ” khiến rác nhựa tràn lan trong môi trường. Một chiếc túi nylon mất hàng trăm năm để phân hủy, nhưng chỉ mất vài giây để được sản xuất và vài phút để bị vứt bỏ – sự mất cân bằng đáng báo động này chính là lý do vì sao chúng ta cần hành động.
Giảm thiểu vi nhựa phải là một chiến lược tổng thể: cá nhân giảm tiêu dùng, doanh nghiệp cải tiến sản phẩm và công nghệ, Nhà nước thiết lập chính sách và chế tài đủ mạnh. Những quy định cấm sử dụng vi nhựa trong mỹ phẩm, hạn chế bao bì nhựa trong ngành thực phẩm, thúc đẩy công nghệ xử lý nước thải có khả năng lọc hạt nhựa siêu nhỏ… đều là các bước đi cần thiết.
Tuy nhiên, chính sách sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự đồng thuận và chuyển biến trong nhận thức cộng đồng. Mỗi người dân cần được trang bị kiến thức đúng đắn, hiểu rằng việc mang theo túi vải đi chợ, từ chối ống hút nhựa hay lựa chọn sản phẩm ít bao bì không phải là hành động nhỏ nhặt, mà là đóng góp thiết thực cho sức khỏe bản thân và môi trường sống chung.
Trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn đang trở thành định hướng toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để chuyển mình – từ một quốc gia tiêu thụ nhựa cao trong khu vực trở thành hình mẫu về quản lý rác nhựa thông minh. Nhưng cơ hội chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta hành động, quyết liệt và đồng lòng.
Trong bối cảnh ô nhiễm vi nhựa ngày càng lan rộng, nhiều quốc gia đã có những bước đi tích cực nhằm kiểm soát loại chất ô nhiễm siêu nhỏ này. Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2023 đã cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm chứa vi nhựa cố ý như mỹ phẩm tẩy tế bào chết, chất tạo bóng giày và chất phụ gia công nghiệp.
Giảm thiểu vi nhựa là một bài toán hệ thống, bắt đầu từ hành vi cá nhân đến khung chính sách quốc gia.
Ở cấp độ cá nhân, việc hạn chế tiêu dùng nhựa một lần là bước khởi đầu quan trọng. Hàng loạt sản phẩm tiện lợi như túi nylon, ống hút nhựa, hộp xốp dùng một lần… có thể dễ dàng thay thế bằng túi vải, ống hút inox hoặc ly thủy tinh. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen tiêu dùng, cần truyền thông mạnh mẽ và liên tục, không chỉ dừng ở chiến dịch vài ngày.
Hệ thống giáo dục và truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khơi dậy ý thức sống xanh từ sớm. Những chương trình như “trường học không rác nhựa”, “cộng đồng sống xanh”, hay “mỗi tuần không nhựa một ngày” nếu được triển khai đều khắp có thể tạo ra làn sóng thay đổi từ dưới lên.
Ở cấp quốc gia, các quy định pháp lý về kiểm soát nhựa vi mô và vi nhựa sơ cấp (như trong mỹ phẩm, quần áo sợi tổng hợp, viên tẩy rửa) cần được đặt ra rõ ràng. Nhiều quốc gia đã cấm sản xuất và nhập khẩu sản phẩm có vi nhựa sơ cấp – Việt Nam cũng cần cân nhắc bước đi này.
Ngoài ra, quy trình xử lý nước thải và chất thải rắn cần được đầu tư bài bản hơn để ngăn chặn vi nhựa tràn ra sông hồ, biển cả. Tại các nhà máy xử lý nước hiện nay, vi nhựa có kích thước siêu nhỏ (nano plastic) vẫn dễ dàng lọt qua màng lọc nếu không có công nghệ chuyên biệt.
Về lâu dài, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa là giải pháp bền vững. Điều này không chỉ là tái chế, mà còn là tái thiết kế sản phẩm để ít thải ra nhựa, ít sinh vi nhựa và thân thiện với môi trường hơn ngay từ đầu.
Với người dân, thay đổi thói quen tiêu dùng là yếu tố tiên quyết. Hạn chế mua hàng hóa có bao bì nhựa, ưu tiên dùng sản phẩm tái chế hoặc có thể phân hủy sinh học, không xả rác bừa bãi ra biển hay sông ngòi – đó là những hành động nhỏ nhưng có thể tạo nên chuyển biến lớn nếu được lan tỏa rộng rãi.
Bích Ngọc