Vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tiếp tục gia tăng

Vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tiếp tục gia tăng
14 giờ trướcBài gốc
Cơ quan chức năng thu giữ 615kg ngà voi do Công ty Cổ phần Kỹ thuật HMD nhận hàng. Công ty này do đối tượng Hoàng Văn Hảo là người đại diện theo pháp luật. Ảnh: CTV
Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật giảm 95%
Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, Việt Nam là nơi phân bố tự nhiên của 2 loài gấu là gấu ngựa và gấu chó. Cả hai loài gấu của Việt Nam đều được pháp luật bảo vệ ở cấp độ cao nhất và được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Phụ lục I Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Theo pháp luật hiện hành, các hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của 2 loài gấu này đều là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân.
Năm 2005, theo thống kê của các cơ quan chức năng, Việt Nam có gần 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại 1.390 cơ sở tư nhân. Hầu hết số cá thể gấu này đều bị săn bắt trái phép từ khi còn nhỏ và bán cho các cơ sở nuôi gấu lấy mật. Để bảo vệ loài động vật hoang dã này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WAP) thực hiện một chiến dịch nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Ngay từ bước khởi đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để nhận dạng và quản lý. Các cá thể gấu không có đăng ký, gắn chíp sẽ bị tịch thu.
Chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn có sự tham gia của ENV, Tổ chức động vật châu Á (AAF), Tổ chức Four Paws và Free The Bears. Các tổ chức này đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Theo ENV, sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 còn 192 cá thể tại 60 trại gấu tính đến hết tháng 8/2024. Hiện, có 46/63 tỉnh, thành không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật. Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trên cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật thông qua các hoạt động đăng ký, gắn chíp, thường xuyên theo dõi số gấu bị nuôi nhốt cũng như đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ gấu.
Một số ví dụ điển hình như những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao gấu, đưa tỉnh này trở thành một trong những tỉnh thành đầu tiên không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Bên cạnh đó, với quyết tâm cao độ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã rất xuất sắc vận động chủ nuôi chuyển giao thành công 94 cá thể gấu từ các trại gấu đến trung tâm cứu hộ.
Trong khi đó, thành phố Hà Nội vẫn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt hiện nay tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại thành phố Hà Nội với 94,7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ. Tiếp theo, Nghệ An còn nuôi nhốt 16 cá thể, Đồng Nai 17 cá thể và thành phố Hồ Chí Minh 10 cá thể.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết: “Thời gian gần đây, ENV đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại thành phố Hà Nội trong công tác giám sát, thực thi pháp luật cũng như tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao gấu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần tiến hành những biện pháp quyết liệt hơn để thực sự chấm dứt được tình trạng nuôi gấu lấy mật trên địa bàn thủ đô”.
Cùng với công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán ĐVHD, Việt Nam đã thành lập các trung tâm cứu hộ ĐVHD nhằm tạo môi trường tốt nhất cho ĐVHD từng bị săn bắt, nuôi nhốt phát triển tự nhiên. Ảnh: Bích Nguyên
Vi phạm về động vật hoang dã tiếp tục gia tăng
Liên quan đến tình hình mua bán, vận chuyển gấu và các sản phẩm từ gấu, theo số liệu từ ENV, số lượng vi phạm về gấu đã gia tăng đáng kể. Trong giai đoạn từ 2004-2014, cơ quan này ghi nhận 910 vụ việc vi phạm liên quan tới gấu. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến tháng 6/2024, số vụ vi phạm đã tăng lên gấp đôi là 1.829 vụ, trong đó, hoạt động quảng cáo bán các bộ phận và sản phẩm từ gấu chiếm tới 94%, với 166.532 các bộ phận và sản phẩm từ gấu bị quảng cáo, buôn bán trực tuyến. Đặc biệt, trong tổng số 1.647 vụ vi phạm liên quan đến gấu trên Internet từ năm 2020 đến tháng 6/2024, số vụ vi phạm trên mạng xã hội Facebook chiếm 86%. Từ năm 2005 đến tháng 6/2024, ENV đã ghi nhận các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 90 vụ vi phạm với tổng cộng 144 cá thể gấu còn sống.
Trong khi đó, khái quát tình trạng mua bán vận chuyển ĐVHD, ENV cho biết, trong năm 2023, ENV đã ghi nhận tổng cộng 3.595 vụ việc về ĐVHD, trong đó bao gồm 11.790 vi phạm riêng lẻ. Những vụ vi phạm này gồm 226 vụ buôn lậu, 2.494 vụ buôn bán và quảng cáo ĐVHD, 740 vụ nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD, chủ yếu là các trường hợp nuôi nhốt ĐVHD còn sống. Với sự hỗ trợ của ENV, các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 2.517 cá thể ĐVHD còn sống, bao gồm các loài khỉ, hổ, gấu ngựa, rùa cạn, rùa nước ngọt, rái cá, vượn, chim và nhiều loài ĐVHD khác. Ngoài ra, 1.832 vụ việc liên quan đến các đối tượng quảng cáo bán ĐVHD trên Internet đã được xử lý thành công nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, tự nguyện tuân thủ của người vi phạm sau khi tiếp nhận khuyến cáo chấp hành pháp luật của ENV và/hoặc sự phối hợp của các đơn vị cung cấp mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
Trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến ĐVHD. Trong đó, ngày 18/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã xét xử đối tượng Hoàng Văn Hảo (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối tượng Hảo liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển 615kg ngà voi được trà trộn với sừng bò châu Phi qua cảng Hải Phòng. Trước đó, ngày 10/7/2024, đối tượng Cao Xuân Mạnh (trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cũng bị bắt khi đang buôn bán trái phép 1 chiếc sừng tê giác có khối lượng 4,1kg.
Việc gia tăng các hoạt động mua bán sản phẩm từ ĐVHD, đặt biệt là trên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho đa dạng sinh học tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm khắc các hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD để bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Xuân Hương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/vi-pham-lien-quan-den-dong-vat-hoang-da-tiep-tuc-gia-tang-post483003.html