Vi phẫu tạo hình cho bé 11 tuổi bị tai nạn pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi

Vi phẫu tạo hình cho bé 11 tuổi bị tai nạn pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi
2 giờ trướcBài gốc
Sau khi biết thông tin Bệnh viện E tổ chức khám sàng lọc cho người bệnh mắc các bệnh lý về ung thư vùng đầu mặt cổ và bệnh lý thần kinh số VII…, tiến hành phẫu thuật cho 10 -15 người bệnh trong chương trình Vi phẫu quốc tế, diễn ra từ ngày 18/11 đến ngày 22/11/2024, nhiều bệnh nhân đã tìm đến bệnh viện gặp các chuyên gia, bác sĩ đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Tổ chức Operation Smile và các chuyên gia vi phẫu của Việt Nam.
Chương trình do Bệnh viện E phối hợp với Tổ chức Operation Smile, Trường Đại học Y Dược – ĐHQGHN tổ chức. Chương trình sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật cho các trường hợp người bệnh bị các khối u lớn hoặc ung thư vùng hàm mặt; người bệnh bị khuyết hổng vùng hàm mặt; liệt dây thần kinh số VII.
Khám sàng lọc cho bệnh nhân trong chương trình Vi phẫu quốc tế.
Nhiều trường hợp khuyết hổng hàm mặt phức tạp
Sau ngày khám sàng lọc đầu tiên (19/11/2024), anh D.H.H (nam, 35 tuổi, ở xã Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) may mắn được lựa chọn phẫu thuật vi phẫu. Tình trạng của người bệnh khi nhập viện là khuyết xương hàm dưới/ u men xương hàm dưới. Thăm khám, các bác sĩ phát hiện xương hàm của bệnh nhân có dấu hiệu viêm nghiêm trọng, nếu không phẫu thuật sớm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ Bệnh viện E, GS Nguyễn Tài Sơn - Cố vấn y tế Operation Smile Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam; các chuyên gia đến từ Bệnh viện EDA, Đài Loan (Trung Quốc) ... xác định, người bệnh bị viêm xương hàm dưới sau phẫu thuật cắt u men tạo hình bằng xương mác không nối mạch cách đây 7 tháng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật tháo bỏ xương viêm, tạo hình bằng vạt xương mác bằng kỹ thuật vi phẫu.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E; giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Miệng và Hàm mặt, Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội), ca vi phẫu tạo hình như vậy thường kéo dài từ 8 - 10 giờ. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể chấm dứt những đau đớn, được tập nuốt, tập nói và cuộc sống trở lại bình thường.
Một bệnh nhi khuyết tật vùng mặt được khám sàng lọc.
Một trường hợp khác là bệnh nhân P.T.L (nữ, 40 tuổi, ở Hải Dương) bị khuyết xương hàm trên bên trái sau phẫu thuật cắt ung thư biểu mô xương hàm trên, nạo vét hạch cổ, tạo hình vạt cơ thon cách đây 2 năm. Tại chương trình khám bệnh này, người bệnh được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tạo hình xương khuyết hổng hàm trên bằng kỹ thuật vi phẫu.
Đến khám sàng lọc còn có bé N.T.A (nam, 11 tuổi, ở Quảng Ninh). Em được đưa đến khám trong tình trạng vùng hàm mặt bị biến dạng, mất tổ chức phần mềm môi trên, dưới, co kéo vùng môi, mũi không khép được miệng, răng di lệch nhiều. Bé A. bị khuyết tổ chức vùng miệng, mặt sau tai nạn sinh hoạt do pháo nổ vào mặt năm 2022 dẫn đến tình trạng vỡ hàm trên, hàm dưới, mất môi trên môi dưới… đã được phẫu thuật hàm mặt.
Nhận thấy đây là trường hợp nặng, các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn xác định người bệnh bị khuyết, co kéo nặng tổ chức vùng miệng mặt. Ngay sau đó, người bệnh được chỉ định phẫu thuật giải phóng co kéo, che phủ một phần khuyết hổng bằng vạt vi phẫu.
Giáo sư Nguyễn Tài Sơn - cố vấn y tế Operation Smile Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam khám cho bệnh nhân.
Dùng kính hiển vi, bác sĩ vi phẫu nối mạch máu, dây thần kinh… đường kính chỉ vài mm để sửa chữa, bảo tồn từng cấu trúc nhỏ nhất trong cơ thể người bệnh
Tham gia chương trình này có các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về bệnh lý và tạo hình vùng đầu, mặt, cổ hàng đầu ở trong và ngoài nước.
TS.BS Nguyễn Tấn Văn – Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật Miệng và Hàm mặt, Trường Đại học Y Dược – ĐHQGHN chia sẻ, khi người bệnh bị những tổn thương lớn và phức tạp vùng mặt thì việc lựa chọn phương pháp tạo hình vi phẫu tái tạo lại các khuyết hổng cho người bệnh đang là lựa chọn tối ưu và đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Vi phẫu là một trong những kỹ thuật tiến bộ nhất trong tái tạo khuyết hổng vùng hàm mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. Nếu như trước đây, nhiều tổn thương vùng hàm mặt rất khó điều trị bảo tồn khi phải phẫu thuật thì hiện nay, với những tiến bộ trong vi phẫu đã mang lại chất lượng điều trị mới. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là ghép nối, khôi phục, bảo vệ các bộ phận cơ thể bị tổn thương. Đối với những khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, khi sử dụng những các vạt tại chỗ là không đủ để che lấp những khuyết hổng, đôi lúc khi lấy những vạt tại chỗ sẽ gây biến dạng ngay tại vị trí lấy vạt. Do vậy, đối với những trường hợp có khuyết hổng lớn, phương pháp tối ưu nhất là đưa những vạt có cuống đuôi từ xa lên chỗ khuyết hổng đó, phẫu thuật viên tạo hình sử dụng kính hiển vi và kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu nhằm tái lập cấp máu nuôi dưỡng vạt da.
Với phương pháp này trong điều trị những tổn thương lớn và phức tạp vùng mặt cho người bệnh. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao, trong phẫu thuật phải tập trung tinh thần cao, chính xác gần như tuyệt đối do những ca phẫu thuật vi phẫu thường kéo dài từ 8-10 tiếng, thậm chí có thể lên tới gần 20 tiếng. Trong quá trình phẫu thuật vi phẫu, các phẫu thuật viên sử dụng kính hiển vi chuyên dụng kết hợp các dụng cụ y khoa mức độ chính xác cao để sửa chữa, bảo tồn từng cấu trúc nhỏ nhất trong cơ thể. Đưa những vạt từ xa có cuống mạch lên vùng có khuyết hổng, sau đó, sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối mạch máu (động mạch, tĩnh mạch), dây thần kinh… đường kính chỉ vài mm, giúp phục hồi lại các khuyết hổng đó bằng các vạt từ xa cho người bệnh.
Với những trường hợp người bệnh bị ung thư vùng hàm mặt, phương pháp vi phẫu được coi là "tiêu chuẩn vàng" giúp điều trị cho người bệnh bị ung thư. Trong phẫu thuật, việc loại bỏ hoàn toàn và ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư là rất quan trọng giúp đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên, khi phẫu thuật cắt triệt để khối u sẽ để lại khuyết hổng vùng mặt rất lớn, hơn nữa, còn ảnh hưởng đến chức năng ăn uống, nói, thở và thẩm mỹ của người bệnh.
Do đó, để đảm bảo các chức năng cho người bệnh, các phẫu thuật viên phải tạo hình che phủ bằng các vạt da, xương tự do được lấy từ các vùng khác của cơ thể như chân, tay, bụng, lưng… nhằm tái tạo và phục hồi ở những tổn thương giúp người bệnh phục hồi cả chức năng và thẩm mỹ, trả lại dáng vẻ bình thường cho người bệnh giúp họ hòa nhập với cuộc sống.
Theo thống kê, tỉ lệ người dân mắc các bệnh lý liên quan đến vùng hàm mặt, nhất là ung thư hàm mặt đang có chiều hướng gia tăng. Phẫu thuật vi phẫu được xem là một kỹ thuật cao, phương pháp tối ưu đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Trần Hải
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vi-phau-tao-hinh-cho-be-11-tuoi-bi-tai-nan-phao-no-lam-vo-ham-mat-moi-169241119115345757.htm