Thương mại điện tử tăng trưởng hơn 25%
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2025, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, diễn đàn là sự kiện có quy mô toàn quốc, quy tụ cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Sự kiện cũng là một điểm đến giá trị và mang lại cơ hội cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân giao lưu, học hỏi và chia sẻ về lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.
“Năm nay, diễn đàn mang chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”, một chủ đề mang tính thời sự. Nó phản ánh đúng giai đoạn chuyển đổi, chứng kiến sự phát triển bứt phá trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống, điện toán đám mây và các công nghệ nền tảng khác sẽ làm thay đổi căn bản mọi mô hình tổ chức hoạt động xã hội và cụ thể hơn là các mô hình, phương thức kinh doanh”, bà Lại Việt Anh cho hay.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Phong Lâm
Cũng theo bà Lại Việt Anh, Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định rõ: “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, gia nhập hàng ngũ các nước phát triển”.
Do đó, nếu coi chuyển đổi số là một trong các động lực tăng trưởng mới, thì kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột chiến lược của chuyển đổi số, với thương mại điện tử là động lực trung tâm.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua.
Theo kết quả điều tra thực hiện bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 25%, và tỷ trọng thương mại điện tử chiếm trên 9% tổng doanh thu bán lẻ. Tuy vậy, thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng trước những bối cảnh mới, đầy khó khăn và thách thức hơn.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, sức ép lạm phát và rủi ro địa chính trị gia tăng, đặc biệt những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại của các nước lớn. Tình hình này đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ đối với định hướng phát triển và đóng góp của thương mại điện tử đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Thứ hai, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Từ cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tự động hóa vận hành, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, phân tích dữ liệu tiêu dùng, đến dự báo xu hướng thị trường, AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả gấp nhiều lần.
Thứ ba, hành vi của người tiêu dùng cũng đang có xu hướng thay đổi, dự kiến sẽ có sức ép lớn đến sự phát triển của thương mại điện tử. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật những xu hướng mới này, nhằm bắt kịp xu thế và không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
AI ngày càng đóng vai trò quan trọng
Cùng phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử - nhận định, AI hiện nay đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử.
Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp AI, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào kinh doanh, mang lại những hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, hiện việc ứng dụng AI vào thương mại điện tử cũng còn một số hạn chế, bất cập. Điều này có thể đến từ việc doanh nghiệp tiếp cận với AI chưa đầy đủ hoặc các công cụ, ứng dụng AI chưa đáp ứng được hết các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
"Do đó, việc tổ chức Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2025 sẽ là cơ hội để tập hợp những ý kiến, góp ý, chia sẻ, đề xuất, giải pháp để việc ứng dụng AI vào thương mại điện tử đạt kết quả cao hơn", ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phong Lâm
Chia sẻ thêm về vai trò của AI trong thương mại điện tử, bà Lê Minh Trang - Quản lý cấp cao của Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam - cho hay, việc sử dụng AI có tác động lớn trong hoạt động mua sắm, chi tiêu thương mại điện tử. AI tác động tới quyết định tìm kiếm sản phẩm dịch vụ phù hợp cho người tiêu dùng rút ngắn khoảng cách nhà phân phối với người tiêu dùng.
AI cũng chính là trợ thủ đắc lực giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy doanh số bán hàng cao hơn trong thương mại điện tử.
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025. Ảnh: Phong Lâm
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng nhau tập trung thảo luận về trí tuệ nhân tạo, xuất khẩu số và thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là những yếu tố then chốt, được đánh giá sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành thương mại điện tử trong thời gian tới.
Trong đó, các chuyên gia đã chia sẻ các nội dung như: Hành vi người tiêu dùng trên môi trường số; AI trong quản trị, vận hành doanh nghiệp và triển khai tiếp thị trực tuyến; các công cụ AI hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển thương mại điện tử…
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) 2025 là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
VOBF 2025 diễn ra tại hai đầu cầu lớn là TP. HCM (ngày 22/4) và TP. Hà Nội (ngày 25/4), với sự tham gia của đông đảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phong Lâm