Vì sao bạn nhận được nhiều cuộc gọi 'nháy máy', không ai nói gì

Vì sao bạn nhận được nhiều cuộc gọi 'nháy máy', không ai nói gì
7 giờ trướcBài gốc
Ngoài hình thức kêu gọi đầu tư, các cuộc gọi "nháy máy" còn là chiêu thức để dụ người dùng gọi lại, tính mức phí cao. Ảnh: Phúc Thịnh.
Trong bản tin hôm 24/2, Cục An toàn thông tin (hiện thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông) cảnh báo ngoài lý do lỗi kỹ thuật, đây có thể là một hình thức lừa đảo tinh vi nhằm moi tiền từ người dùng.
Cục An toàn thông tin cho biết các cuộc gọi bí ẩn thường đến từ những số điện thoại trông giống với mã vùng trong nước, khiến người dùng dễ nhầm tưởng là cuộc gọi nội địa bình thường. Tuy nhiên, đây là một chiêu trò được gọi là "cuộc gọi mồi". Hình thức này kích thích sự tò mò của người nhận, khiến họ gọi lại để kiểm tra, và từ đó vô tình chịu những khoản phí viễn thông bất ngờ.
Theo phân tích, thủ đoạn này không phải mới mà đã từng xuất hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ hay các nước châu Âu từ nhiều năm trước, hiện đã quay trở lại. Cục An toàn thông tin nhận định, kẻ xấu có thể sử dụng công nghệ tự động để thực hiện hàng loạt cuộc gọi ngẫu nhiên đến hàng triệu số điện thoại trên toàn cầu. Khi người dùng gọi lại, họ có thể bị tính phí rất cao vì gọi đến tổng đài cố định ở nước ngoài, lên đến hàng chục nghìn đồng mỗi phút. Phí này không "chảy" hết về nhà mạng mà có thể được chiết khấu lại cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng. Nếu nhận được cuộc gọi từ số lạ không rõ nguồn gốc, không thuộc danh bạ quen thuộc hay tổ chức uy tín, tốt nhất không nên nghe máy hoặc gọi lại. Người dân cũng cần chú ý không cung cấp thông tin nhạy cảm dưới mọi hình thức, hoặc truy cập vào những đường dẫn do đối tượng không rõ danh tính gửi đến.
Cũng trong bản tin vừa phát, Cục An toàn thông tin cảnh báo về những cuộc gọi giả mạo hình ảnh (deepfake). Công nghệ này có khả năng tái hiện khuôn mặt, giọng nói với độ chân thực đáng kinh ngạc, đủ để đánh lừa nạn nhân trong các cuộc gọi video hay họp trực tuyến.
Deepfake không chỉ dừng lại ở các vụ lừa đảo đầu tư tài chính, mà còn được dùng trong lừa đảo tình cảm, tạo ra các nhân vật hư cấu, tương tác với nhạn nhân thông qua cuộc gọi video. Gần đây, một nhóm hơn 20 người liên quan đến các vụ lừa đảo kiểu này đã bị bắt sau khi chiếm đoạt 46 triệu USD từ các nạn nhân tại Singapore, Ấn Độ…
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần phải cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng, đặc biệt trên mạng xã hội. Nếu nhận được cuộc gọi video, người dân cần quan sát kỹ những biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên. Nếu một khoản đầu tư nghe có vẻ quá hấp dẫn, thì rất có thể đó là một chiêu trò lừa đảo.
Ngoài ra, người dùng cần hạn chế đăng tải nội dung liên quan đến thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh trường hợp bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin như hình ảnh, video hoặc giọng nó, đồng thời đặt chế độ tài khoản ở chế độ riêng tư để bảo vệ thông tin cá nhân.
Minh Khôi
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-ban-nhan-duoc-nhieu-cuoc-goi-nhay-may-khong-ai-noi-gi-post1534067.html