Ảnh: Tienphong.
Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam (bộ Nếp cũ), học giả Toan Ánh cho biết Thần Tài là một trong các vị thần thờ tại gia. Vị thần mang lại tài lộc cho gia đình nên người ta tin thờ cúng vái. Thường thì mỗi khi làm ăn việc gì thì gia chủ thường hay khấn Thần Tài.
Nơi thờ vị thần mang lại tài lộc
Để Thần Tài được linh thiêng khi thiết lập bàn thờ Thần Tài người ta thường mời thầy cúng về cúng lễ. Khác với bàn thờ Tổ tiên, Thổ công, hoặc Thánh sư thường được thiết lập ở trên cao hoặc ở nơi quan đãng trong nhà, bàn thờ / khám thờ Thần Tài thường được thiết lập ở những nơi xó xỉnh, góc nhà hoặc hàng hiên.
Tín ngưỡng thờ Thần Tài được học giả Toan Ánh đề cập trong sách Tín ngưỡng Việt Nam. Ảnh: Tuấn Bình.
Bàn thờ / khám thờ Thần Tài cũng không to tát và thường chỉ là một chiếc khám nhỏ sơn son thiếp vàng, thậm chí có khi chỉ là một chiếc thùng gỗ dán giấy đỏ (đối với nhà không sung túc). Mé trong khám dán bài vị của Thần Tài, viết chữ bằng kim nhũ trên giấy màu đỏ: Ngũ phương ngũ thổ long thần / Tiền hậu địa chủ tài thần.
Hai bên bài vị cũng có câu đối: Thổ năng sinh bạch ngọc / Địa xuất khả hoàng kim. Nghĩa là: Đất hay sinh ngọc trắng / Đất khá có vàng ròng. Trước bài vị là một bát hương kê một mâm vàng thoi. Hai bên bát hương có chai cây đèn nhỏ đủ thắp mà không bốc cháy lên khám.
Trong khám chủ thường thu xếp để có chỗ đặt mấy ly đựng nước, đựng rượu. Cũng có một mâm bồng để bày hoa quả phẩm vật khi cúng lễ. Cũng có nhà khắc khéo trên mặt khám mấy chữ đại tự và ở hai bên có câu đối đại ý tụng sự giúp đỡ của Thần Tài và sự cầu mong của gia chủ.
Đề cập đến việc vì sao người ta thờ Thần Tài ở nơi xó xỉnh, học giả Toan Anh cho rằng, sở dĩ có việc này là do điển tích sau đây: Ngày xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyện. Âu Minh đem về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm giàu to.
Về sau, nhân một hôm ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện sợ hãi chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó nhà Âu Minh sa sút dần, chẳng mấy lúc mà nghèo kiết.
Người ta bảo Như Nguyện là Thần Tài và người ta lập bàn thờ để thờ Như Nguyện. Từ đó, ngày Tết ta có tục kiêng hốt rác trong ba ngày đầu năm, vì sợ rằng hốt mất Thần Tài ẩn giấu trong đóng rác đổ đi, thì sự làm ăn sẽ không phát đạt tiến tới được suốt quanh năm.
Tượng Thần Tài (trái) chất liệu composite hiện đại, và gốm men màu Lái Thiêu. Nguồn: Sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài.
Lý do Thổ Địa và Thần Tài được thờ chung một khám
Liên quan đến việc thờ Thần Tài, trong cuốn Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết người ta thường thờ chung ông Địa (Thổ Địa) và Thần Tài cùng một chỗ và coi đây một cặp không thể tách rời được.
Lý giải việc này, nhà nghiên cứu cho biết, vào cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa thần Đất (Thổ thần) và Tài thần vẫn còn chưa thực sự rõ rệt. Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản năm 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của đã cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “Thần đất, thần giữ tiền bạc”.
Sự nhập nhằng này có phần vô lý nhưng lại được thực tế công nhận. Theo tín lý cổ xưa, thần Đất có hai công năng: Một là bảo vệ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp…); hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản…) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác Thổ Địa cũng làm cho gia chủ phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu…). Đó là tín lý của thời kỳ “dĩ nông vi bản” - coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu, coi thương nghiệp là thứ yếu.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp, doanh nghiệp ngày càng có vị trí trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng bạc là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không còn là “lúa thiên, ruộng mẫu”. Sự thay đổi đó dẫn tới việc con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông thần Tài.
Cũng kể từ đây, thần Tài được thờ tự và non nửa thế kỷ sau trở thành một gia thần phổ biến với mọi nhà. Tuy nhiên, trong thực tế, thần Tài không thay thế được thần Đất mà hai vị thần này được chấp nhận cộng tồn bên nhau, được thờ chung trong một khám thờ đặt sát đất, quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà...
Về hình tướng của Thổ Địa và Thần Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết, Thổ Địa (ông Địa) với hình tướng hỗn dung, mang thuộc tính sinh sản của đất, hàm chứa tính phồn thực, là nền tảng cơ bản của tín ngưỡng thần Tài (với việc am hiểu địa bàn thần quản lý, ông Địa trở thành tiếp dẫn viên: “Môn khẩu Thổ địa tiếp dẫn thần Tài”).
Còn thần Tài, mang hình tướng của Phúc Đức Chánh Thần của người Hoa, chỉ khác một là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng)…
Một điều cũng cần lưu ý nữa là tín niệm tương sinh của ngũ hành “Thổ sinh kim”, nói cách khác đây là một tín lý coi Thổ địa là Tài thần. Do vậy mới có câu liễn thờ thần Thổ địa phổ biến sau: “Thổ năng sinh bạch ngọc / Địa khả xuất hoàng kim” (Đất hay sinh ngọc trắng / Địa có thể nảy vàng ròng).
Với những ý nghĩa đó, ông Địa, thần Tài là hai mặt của một vấn đề. Ông Địa là lý, thần Tài là sự; hai ông thờ chung nhau với “lý sự viên dung” (Lý và Sự giúp nhau thành tựu, làm nhân duyên cho nhau).
Minh Châu