Vì sao bất động sản Đông Bắc Hà Nội giàu tiềm năng tăng trưởng?

Vì sao bất động sản Đông Bắc Hà Nội giàu tiềm năng tăng trưởng?
2 ngày trướcBài gốc
Cú hích hạ tầng chiến lược tại vùng cửa ngõ Hà Nội
Cuối năm 2024, dự án sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) chính thức khởi công và bước vào giai đoạn thi công hạ tầng đầu tiên. Định hướng trở thành cảng hàng không quốc tế thứ hai tại miền Bắc, bên cạnh sân bay Nội Bài - sân bay Gia Bình được kỳ vọng đóng vai trò chiến lược trong việc nâng tầm mạng lưới giao thương khu vực, đồng thời là lực đẩy hạ tầng cực lớn cho vùng Đông Bắc Thủ đô.
Trọng điểm trong quy hoạch tổng thể là tuyến đường kết nối gần 50 km từ sân bay Gia Bình về trung tâm Hà Nội. Tuyến này dự kiến đi qua ga Trung Mầu, nối tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và kết thúc tại cầu Tứ Liên. Đáng chú ý, tuyến đường không chỉ dành riêng cho ô tô mà còn được quy hoạch tích hợp đường sắt đô thị, hệ thống ga ngầm TOD (Transit Oriented Development), hình thành một hệ sinh thái giao thông, đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đây sẽ là một trong những tuyến hạ tầng có tác động mạnh mẽ nhất đến quy hoạch và phát triển bất động sản khu vực trong giai đoạn 2025-2040.
Sân bay Gia Bình cùng hệ thống hạ tầng kết nối Hà Nội đang mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản khu Đông Bắc Thủ đô. Ảnh minh họa
Trong bức tranh tổng thể đó, các địa bàn như Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) và Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) được xác định là vùng hưởng lợi trực tiếp. Không chỉ nâng cao năng lực kết nối, các khu vực này còn được tái định vị trở thành trung tâm phát triển mới của vùng Thủ đô mở rộng, là tâm điểm đón sóng đầu tư trong trung và dài hạn.
Thị trường chuyển động mạnh, giá đất bắt đầu thiết lập mặt bằng mới
Thị trường bất động sản khu Đông Bắc Hà Nội đã ghi nhận những chuyển động rõ nét về cả giao dịch lẫn mặt bằng giá. Nhiều nhà đầu tư đang tập trung vào các khu vực quanh sân bay như huyện Gia Bình, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cũng như dọc theo trục kết nối về phía Đông Anh, Gia Lâm và cầu Tứ Liên (Hà Nội).
Tại huyện Gia Bình, nơi đặt sân bay, đất nền tại trung tâm huyện hiện dao động từ 12 - 18 triệu đồng/m², trong khi các vị trí dọc theo tuyến đường nối sân bay về Hà Nội có giá từ 15 - 22 triệu đồng/m². Khu vực huyện Lương Tài, giá đất nền khu dân cư phổ biến ở mức 10 - 14 triệu đồng/m², còn những vị trí gần trục giao thông mới đã nhích lên khoảng 13 - 17 triệu đồng/m².
Về phía Hà Nội, huyện Đông Anh đang ghi nhận mức giá từ 25 - 35 triệu đồng/m² đối với đất nền tại các khu đô thị mới, trong khi các vị trí gần cầu Tứ Liên - đầu mối kết nối về trung tâm - có giá lên đến 30 - 40 triệu đồng/m². Gia Lâm cũng không kém phần sôi động, với đất nền khu dân cư hiện hữu dao động trong khoảng 20 - 28 triệu đồng/m² và khu vực gần các tuyến đường mới đạt khoảng 25 - 32 triệu đồng/m².
Giá đất tại các địa bàn nói trên được đánh giá là đang trong giai đoạn tăng ổn định, không sốt nóng nhưng có chiều sâu, chủ yếu nhờ vào sự rõ ràng trong quy hoạch, sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn, cùng với xu hướng “đô thị hóa ven đô” ngày càng rõ nét.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước đang dần phục hồi theo hướng chọn lọc và thực chất hơn, khu Đông Bắc Hà Nội nổi lên như một điểm đến đầu tư tiềm năng mới. Nhờ vào sự kết hợp giữa quy hoạch đồng bộ, hạ tầng kết nối mạnh và vai trò chiến lược của sân bay Gia Bình, nơi đây đang mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho cả thị trường.
Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, đây là thời điểm phù hợp để “đi trước một bước”, lựa chọn những vị trí có quy hoạch rõ ràng, gần trục đường kết nối và sân bay, sở hữu pháp lý minh bạch. Những khu vực như Gia Bình, Lương Tài, dọc tuyến cầu Tứ Liên - Đông Anh - Gia Lâm… sẽ là tọa độ sáng giá trong bản đồ đầu tư tương lai.
Vy Nguyễn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/vi-sao-bat-dong-san-dong-bac-ha-noi-giau-tiem-nang-tang-truong-383479.html