Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Chân Mây nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc, TP Huế) từng được kỳ vọng là cơ sở y tế tuyến tỉnh hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân khu vực phía Nam TP Huế và du khách đến nghỉ dưỡng tại các bờ biển tuyệt đẹp bên Vịnh đẹp Lăng Cô và du khách đến Cảng Chân Mây bằng du thuyền. Nhưng thật không ngờ, bệnh viện này ngày càng vắng bóng bệnh nhân, hoạt động kém hiệu quả, nhiều trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp…
BVĐK Chân Mây được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) thành lập vào năm 2011 và được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013. Bệnh viện được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 167 tỷ đồng, là bệnh viện trực thuộc đơn vị sự nghiệp Y tế công lập. BVĐK Chân Mây được xây dựng theo mô hình bệnh viện đa khoa khu vực, quy mô 200 giường bệnh nội trú, đáp ứng cho việc khám chữa bệnh cho người dân sinh sống và làm việc tại khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và các huyện lân cận.
Điều đáng nói, dù được xếp hạng bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng trước đây, BVĐK Chân Mây chỉ xếp hạng III, chỉ được giao 70 giường bệnh. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện quy định liên thông BHYT tuyến huyện, BVĐK Chân Mây là đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh nên không được thông tuyến BHYT làm ảnh hưởng đến số lượng khám chữa bệnh kể cả khu vực ngoại trú và nội trú…
Cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Chân Mây trông nhếch nhác, có dấu hiệu xuống cấp.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, mặc dù được đầu tư với mục tiêu trở thành BVĐK khu vực phía Nam phục vụ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhưng BVĐK Chân Mây hoạt động hiệu quả chưa cao bởi nhiều nguyên nhân: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không phát triển như kỳ vọng khi xây dựng dự án do dân số không đạt 300.000 người vào năm 2020 như dự kiến ban đầu. Khi xây dựng, đây là một bệnh viện tuyến tỉnh 200 giường nhưng khi đi vào hoạt động chỉ ở hạng ba hoạt động như một Trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện nên chủ yếu chỉ phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho 3 xã lân cận với 70 giường; không thu hút được đội ngũ bác sỹ chất lượng cao…
Vẫn theo ông Lê Viết Bắc, trong gần 10 năm hoạt động, BVĐK Chân Mây luôn đối mặt với những khó khăn khiến công tác khám chữa bệnh không đạt các chỉ tiêu đề ra, thu dung bệnh nhân chưa đạt công suất sử dụng giường bệnh; một số trang thiết bị không đưa vào sử dụng do thiếu sự đồng bộ khi đầu tư và thiếu nguồn nhân lực. Trước tình trạng đó, năm 2021, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) sáp nhập BVĐK Chân Mây vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc. Điều này đồng nghĩa với việc BVĐK Chân Mây bị… “tụt hạng” trở thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.
Sở Y tế TP Huế cho biết, theo Quyết định số 338 ngày 7/2/2025 của UBND TP Huế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện Phú Lộc, trong đó cơ sở Chân Mây có 4 khoa chuyên môn: Khoa Khám bệnh - cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc; Khoa Ngoại - Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản; Khoa Nội - Nhi - Truyền nhiễm - Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng; Khoa Dược - Vật tư, thiết bị y tế - Kiểm soát nhiễm khuẩn - Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh. Cơ sở vật chất được xây dựng với 200 giường bệnh. Kết quả khám chữa bệnh qua các năm tại TTYT Phú Lộc cơ sở Chân Mây cho biết, lượt khám chữa bệnh dao động từ 13 đến 17 ngàn lượt/năm; công suất sử dụng giường bệnh dao động và đạt dưới 50%...
Có mặt tại BVĐK Chân Mây vào một ngày trung tuần tháng 5 vừa qua, PV Báo CAND ghi nhận, chỉ có lác đác vài người bệnh, nhiều khoa, phòng vắng bóng người, khuôn viên bệnh viện bị cây dại và cỏ tranh bủa vây, nhiều thiết bị, cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp trông rất nhếch nhác… “Dù bệnh viên cách nhà tôi chưa tới 1 km nhưng lâu nay, tôi cũng như nhiều người thân hễ đau ốm hay cần kiểm tra sức khỏe định kỳ thì đều thuê xe ôm đi quãng đường gần 60 km để lên thành phố khám, chữa bệnh”, bà Nguyễn Thị V., một người dân địa phương cho hay.
Trao đổi về tình hình hoạt động của BVĐK Chân Mây hiện nay, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - một trong 4 địa bàn nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mong muốn, ngành chức năng sớm nâng cấp cơ sở hạ tầng, sửa chữa lại các phòng, khoa khám bệnh, đảm bảo thuốc men điều trị bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị và điều trị nội trú cần phải tốt hơn để bệnh nhân ở khu vực Chân Mây – Lăng Cô không cần phải chuyển lên tuyến trên vì khoảng cách đi lại xa, ngoại trừ các trường hợp bệnh nặng phải chuyển tuyến...
Liên quan đến Dự án (DA) xây dựng BVĐK Chân Mây, trước đó, vào tháng 12/2023, sau khi rà soát kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (nay là Thành ủy Huế) đã phát hiện vi phạm các quy định trong quản lý, đầu tư xây dựng, thực hiện chưa đảm bảo công tác quản lý đảng viên, nên đã thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức khiển trách và thi hành kỷ luật cá nhân bà Lê Thị Ngọc Lan, nguyên là Kế toán trưởng Sở Y tế từ 1/4/2008 – 1/11/2019 bằng hình thức cảnh cáo.
Cụ thể, Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020 thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; thiếu kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện các DA/gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Trong đó, có việc tập hợp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu không đầy đủ, chậm quyết toán 2 gói thầu thuộc DA Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam (BVĐK Chân Mây); vi phạm các quy định trong quản lý, đầu tư xây dựng; thực hiện chưa đảm bảo công tác quản lý đảng viên theo quy định.
Đối với cá nhân bà Lê Thị Ngọc Lan với vai trò Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2014 - 2016, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính từ 24/4/2014 - 1/11/2019, Kế toán trưởng Sở Y tế từ 1/4/2008 - 1/11/2019, Kế toán Ban Quản lý Dự án BVĐK Chân Mây giai đoạn năm 2003 – 2016 đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công; không kịp thời tham mưu thực hiện thủ tục để trình cấp có thẩm quyền quyết toán DA hoàn thành theo quy định đối với DA BVĐK Chân Mây đã hoàn thành từ năm 2016; không thực hiện công tác bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán trước khi nghỉ hưu (1/11/2019) theo quy định, vi phạm Luật Kế toán…
Hải Lan