Những năm 1950 là thập kỷ đánh dấu sự sáng tạo vượt bậc trong ngành công nghiệp ô tô. Đây là thời kỳ nhiều mẫu xe tiên tiến ra đời, tích hợp những công nghệ hiện đại như hệ thống điều hòa không khí, cửa sổ điện, và đặc biệt là đèn pha tự động mờ nhờ công nghệ của Cadillac.
Góc trước màu xám của BMW 507 Top Up 1956-1959. Ảnh: CarBuzz
Đồng thời, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao về phong cách thiết kế, với nhiều mẫu xe thể thao đẹp mắt, được xem là biểu tượng trên những cung đường thế giới.
BMW và giấc mơ chinh phục thị trường Mỹ
BMW - nhà sản xuất xe hơi và xe máy hạng sang nổi tiếng của Đức, đồng thời là chủ sở hữu của các thương hiệu danh tiếng như Mini, Rolls-Royce và Alpina từng bước khẳng định vị thế với những mẫu xe mang đậm dấu ấn. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của mình, không phải sản phẩm nào của BMW cũng thành công. Một trong những minh chứng rõ nét nhất chính là mẫu xe thể thao BMW 507.
Ra mắt vào năm 1956, BMW 507 là mẫu roadster được thiết kế chủ yếu cho thị trường Mỹ, nhằm cạnh tranh với các dòng xe thể thao giá rẻ từ Anh và dòng xe hạng sang Mercedes-Benz 300SL. Tuy nhiên, chỉ có 252 chiếc được sản xuất trong ba năm, và mẫu xe này nhanh chóng trở thành thất bại lớn của BMW.
Sự ra đời của BMW 507
Ý tưởng sản xuất BMW 507 không phải đến từ BMW mà từ Max Hoffman, một nhà nhập khẩu xe hơi nổi tiếng tại Mỹ trong thập niên 1950.
Hoffman nhận thấy nhu cầu ngày càng cao đối với các mẫu xe roadster tại thị trường Mỹ và đề xuất BMW tạo ra một mẫu xe vừa sang trọng hơn dòng xe thể thao Anh, vừa có giá cả hợp lý hơn Mercedes 300SL. Ý tưởng này được lãnh đạo BMW ủng hộ, và dự án 507 bắt đầu từ cuối năm 1954.
Kỹ sư trưởng Fritz Fiedler được giao nhiệm vụ tận dụng các bộ phận có sẵn từ hai mẫu sedan 501 và 502 để phát triển khung gầm cho 507.
Thời điểm đầu, Ernst Loof chịu trách nhiệm thiết kế phần thân xe, nhưng sau nhiều lần thất bại, ông bị thay thế bởi nhà thiết kế Albrecht von Goertz. Thiết kế của Von Goertz nhanh chóng được chấp nhận, không chỉ cho 507 mà còn cho mẫu coupe hạng sang BMW 503.
Từ kỳ vọng lớn đến thất bại cay đắng
BMW 507 chính thức ra mắt vào mùa hè năm 1955 tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York, một địa điểm sang trọng nhằm tạo dấu ấn về sự cao cấp. Tuy nhiên, việc sản xuất xe không bắt đầu ngay và bị trì hoãn thêm một năm.
Ban đầu, BMW kỳ vọng bán được 5.000 chiếc 507 với giá khởi điểm 5.000 USD - tương đương khoảng 58.000 USD theo thời giá hiện nay. Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao hơn dự kiến khiến giá xe tăng lên 9.000 USD, rồi 10.500 USD, tức hơn 120.000 USD ngày nay.
Mức giá này khiến 507 mất lợi thế cạnh tranh so với Mercedes 300SL dù mẫu xe của Mercedes còn đắt hơn gần 500 USD. Hậu quả là BMW 507 chỉ bán được 10% số lượng so với đối thủ, với một vài chiếc thuộc sở hữu của các ngôi sao nổi tiếng như Elvis Presley.
Khủng hoảng tài chính và sự hồi sinh của BMW
Thất bại của BMW 507 đã đẩy BMW vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Sau khi mẫu xe này bị khai tử vào năm 1959, công ty mất khoảng 15 triệu Mark Đức – tương đương gần 39 triệu USD hiện nay. Đứng trước nguy cơ phá sản, BMW từng cân nhắc bán lại cho Mercedes-Benz.
May mắn thay, doanh nhân Herbert Quandt đã kịp thời hỗ trợ tài chính, giúp BMW đứng vững. Sau đó, hãng đã phát triển mẫu BMW 700 - một chiếc sedan nhỏ gọn, giá rẻ dành cho thị trường đại chúng, và dòng BMW New Class 1500 - được xem là cứu tinh của BMW. Gia đình Quandt vẫn giữ gần 47% cổ phần của BMW cho đến nay.
Di sản của BMW 507
Dù thất bại về mặt thương mại, BMW 507 vẫn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử xe hơi. Khoảng 40 năm sau, BMW giới thiệu mẫu Z8, được xem là “hậu duệ tinh thần” của 507. Dù xuất hiện hoành tráng trong bộ phim James Bond “The World Is Not Enough” năm 1999, Z8 cũng không thoát khỏi số phận ảm đạm với doanh số chỉ 5.703 chiếc trong ba năm sản xuất.
BMW Concept Skytop. Ảnh: CarBuzz
BMW 507 và Z8, dù mang vẻ đẹp trường tồn của thiết kế Đức, vẫn không thể vượt qua rào cản về giá cả. Nhưng những thất bại này đã góp phần hình thành nên một BMW mạnh mẽ hơn, luôn học hỏi và không ngừng vươn lên trong ngành công nghiệp xe hơi đầy thách thức.
Hải Hà (Theo CarBuzz)