Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đó, Ủy ban quản lý, điều hành Trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa.
Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất thí điểm giao dịch tiền mã hóa tại trung tâm tài chính từ 1/7/2026.
Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm. HĐND TP.HCM và TP Đà Nẵng quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp phép thực hiện sandbox. Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính dự kiến được thực hiện từ ngày 1/7/2026.
Góp ý về việc này, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về tài sản số, tiền số. Trong khi đó, việc quản lý tài sản này sẽ phải theo quy trình phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin... để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Do đó, còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và UBND TP Đà Nẵng làm rõ nội hàm chính sách, mục tiêu và định hướng chính sách tại Tờ trình Chính phủ để Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có cơ sở để đề xuất giải pháp và quy định nội dung tại dự thảo Nghị quyết phù hợp.
Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa quy định theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm liên quan tới tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến chính sách cụ thể.
Đối với nội dung dự thảo đề xuất “Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026”, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.
“Do việc triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính, do đó, để đảm bảo khả thi, đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026”, Bộ Tài chính góp ý.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.
Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, có nhiều cá nhân tham gia. Do đó, cách đây 2 năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.
Theo báo cáo của hãng Chainalysis (Mỹ), trong vòng 12 tháng (tính đến thời điểm tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD. Trong cùng thời gian đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI) chỉ đạt 25 tỷ USD (bằng khoảng 1/5 so với dòng tài sản mã hóa). Lượng tiền này đã tăng 20% so với con số 100 tỷ USD ở giai đoạn 2021 - 2022.
Trong đó, khoảng 60% lượng tiền mã hóa ở Việt Nam hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).
Theo số liệu của Triple A - công ty thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, có tới 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo. Lượng người sở hữu tài sản ảo ở Việt Nam thậm chí đứng thứ 3 toàn cầu nếu tính theo số lượng tuyệt đối.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc triển khai chính sách sandbox sẽ tạo ra môi trường phát triển an toàn cho fintech tại Việt Nam, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, giúp xây dựng một trung tâm tài chính hiện đại, cạnh tranh, bền vững.
Các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hồng Kông, Anh, Úc đều có mô hình sandbox để thúc đẩy fintech. Nếu Việt Nam triển khai sandbox hiệu quả sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư quốc tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường fintech khu vực.
Thanh Hoa