Đề xuất của Tổng thống Mỹ bị phản đối
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nói chuyện với Vua Jordan về khả năng xây dựng nhà ở ở những nơi khác tại Trung Đông và di dời hơn 1 triệu người Palestine từ Gaza đến các nước láng giềng. Người đứng đầu Nhà Trắng muốn tái định cư toàn bộ người Palestine khỏi Dải Gaza để có thể “dọn dẹp sạch sẽ” khu vực bị chiến tranh tàn phá này và thiết lập hòa bình cho Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông Trump, để thực hiện được nỗ lực kể trên thì Jordan, Ai Cập và các quốc gia Arab khác cần tăng cường tiếp nhận người Palestine di dời từ Gaza. “Tôi không biết, phải có điều gì đó xảy ra, nhưng hiện tại nó (Gaza) thực sự là một bãi phá dỡ”, ông Trump nói. “Gần như mọi thứ đều bị phá hủy và mọi người đang chết ở đó, vì vậy tôi muốn tham gia với một số quốc gia Arab xây dựng nhà ở tại một địa điểm khác, nơi tôi nghĩ rằng họ (người Palestine) có thể sống trong hòa bình để thay đổi”.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 1/2, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Jordan, UAE, Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập cho biết họ “kiên quyết” bác bỏ mọi nỗ lực tái định cư hoặc trục xuất người Palestine khỏi Gaza. Dù không đề cập cụ thể đến đề xuất của Tổng thống Mỹ song các bộ trưởng nhắc lại cam kết xây dựng lại vùng đất này trong khi vẫn đảm bảo “sự hiện diện liên tục của người Palestine tại quê hương của họ” và mong muốn hợp tác với Tổng thống Donald Trump về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Các nhà ngoại giao Arab cũng “kêu gọi rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Gaza và bác bỏ mọi nỗ lực phân chia Dải Gaza”, đồng thời chỉ ra “vai trò không thể thiếu” của Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), sau khi Israel ra lệnh cấm UNRWA hoạt động tại những khu vực do họ kiểm soát.
Các ngoại trưởng Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, UAE và Qatar, đại diện Palestine cùng Tổng Thư ký Liên đoàn Arab thảo luận về đề xuất di dời người Palestine khỏi Gaza. Ảnh: Haaretz.
Tuyên bố kể trên được đưa ra sau một cuộc họp tại Cairo giữa các Ngoại trưởng Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, UAE và Qatar, cũng như Hussein al-Sheikh - một quan chức cấp cao của Palestine đóng vai trò là người liên lạc chính với Israel, và Tổng thư ký Liên đoàn Arab - ông Ahmed Aboul Gheit.
Trước đó, Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fattah el-Sissi cũng công khai phản đối đề xuất của Tổng thống Donald Trump. “Giải pháp cho vấn đề này (xung đột Israel - Palestine) là giải pháp hai nhà nước”, ông Abdel Fattah el-Sissi nói. “Di dời người dân Palestine khỏi nơi ở của họ không phải là giải pháp”.
Chung quan điểm, Vua Abdullah II của Jordan cũng tuyên bố người Palestine phải ở lại trên đất của họ. Nhà vua nhấn mạnh “lập trường kiên định của Jordan về nhu cầu giữ người Palestine trên đất của họ và đảm bảo các quyền hợp pháp của họ, phù hợp với giải pháp hai nhà nước của Israel và Palestine”.
Những nỗi lo của các nước láng giềng Arab
Trong các diễn ngôn của mình, cả Ai Cập và Jordan cũng như nhiều quốc gia Arab khác đều bày tỏ lo ngại rằng Israel sẽ không bao giờ cho phép người Palestine quay trở lại Gaza sau khi họ rời đi, qua đó khiến việc thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai càng trở nên khó khăn hơn.
Với riêng Ai Cập và Jordan, những quốc gia được ông Trump vận động tăng cường tiếp nhận người Palestine từ Gaza, còn một nỗi lo khác: Ảnh hưởng tiêu cực từ dòng người tị nạn khổng lồ đối với nền kinh tế và sự ổn định xã hội của các nước này.
Nhiều quốc gia Arab lo ngại nếu người Palestine rời khỏi Gaza, họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại nơi này. Ảnh: CGTN.
Jordan hiện là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine và theo Giáo sư Hasan Dajah, nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Đại học Al-Hussein Bin Talal (Jordan) thì “bất kỳ làn sóng di dời mới nào cũng có thể dẫn đến căng thẳng nội bộ, do sự nhạy cảm của cán cân nhân khẩu học trong vương quốc”.
Giáo sư Dajah cho biết thêm: “Jordan cũng đang phải chịu những thách thức tài chính ngày càng tăng, nên bất kỳ sự gia tăng nào về số lượng người tị nạn cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên các nguồn lực và cơ sở hạ tầng của đất nước”.
Ai Cập hiện đang là nơi trú ngụ của hàng chục nghìn người Palestine tị nạn từ Gaza, đặc biệt tại thủ đô Cairo, qua đó tạo ra gánh nặng an sinh xã hội rất lớn. Vì thế, nước này càng thêm lo ngại những tác động tiêu cực về kinh tế nếu chuyển một lượng lớn người Palestine đến Bán đảo Sinai, giáp ranh với Gaza.
Nền kinh tế Ai Cập đang vật lộn với nợ công ngày càng phình to (chiếm tới 90,9% GDP), đồng nội tệ mất giá và lạm phát ở mức cao, nay lại thêm chao đảo bởi ảnh hưởng từ cuộc xung đột Israel - Hamas. Chiến sự tại Trung Đông khiến một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập là phí cầu đường và phí quá cảnh qua kênh đào Suez, suy giảm nghiêm trọng. Theo ước tính của dự án Project Syndicate, Ai Cập đã mất khoảng 7 tỷ USD từ nguồn thu này trong năm 2024. Trong bối cảnh như vậy, dễ hiểu khi Cairo không muốn hứng chịu thêm một gánh nặng qua việc tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn Palestine.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người Ai Cập đã tổ chức một cuộc biểu tình gần biên giới với Gaza để phản đối việc di dời người Palestine tới Bán đảo Sinai của nước này. “Chúng tôi nói không với bất kỳ sự di dời nào của Palestine bằng cái giá phải trả là Ai Cập, trên vùng đất Sinai”, một cư dân Sinai có tên Gazy Saeed phát biểu với Reuters khi tham gia cuộc biểu tình kể trên.
Những ám ảnh từ quá khứ
Ngoài những lý do về kinh tế, bất ổn xã hội hoặc lo ngại cho số phận của một nhà nước Palestine trong tương lai, các nhà lãnh đạo Arab có một lý do khác để phản đối việc di dời hàng triệu người dân Gaza, đó là kinh nghiệm trong quá khứ.
Người tị nạn Palestine đã trở thành vấn đề đau đầu đối với các chính phủ Arab kể từ khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948. Phong trào dân tộc chủ nghĩa và cuộc kháng chiến của người Palestine sau đó đã lan sang các nước khác khi họ tiếp nhận người tị nạn Palestine từ cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1948 và Chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Trong những thập kỷ tiếp theo, phong trào này trở thành mối đe dọa chính trị đối với chính phủ các quốc gia Arab tiếp nhận người Palestine - trong đó nổi cộm là việc các chiến binh Palestine sử dụng địa bàn tị nạn làm nơi tổ chức các cuộc tấn công Israel. Các quốc gia Arab đã phải chịu sự trả đũa của Israel vì những cuộc tấn công như vậy và kết quả thường là những tổn hại nặng nề đối với người dân bản địa.
Ví dụ rõ nhất là Lebanon. Vào năm 1978, sau khi các chiến binh Palestine từ Lebanon xâm nhập vào Israel bằng đường biển và tấn công một chiếc xe buýt, giết chết 38 hành khách, Israel đã đưa quân tấn công Lebanon và đẩy lực lượng vũ trang của người Palestine (PLO) tại đây về phía Bắc sông Litani. Các chiến binh Palestine sau đó tham gia một cuộc nội chiến ở Lebanon khi đứng về phía Phong trào Dân tộc Lebanon chống lại người Maronite - những người được Israel hỗ trợ. Các cuộc tấn công của những tay súng Palestine vào Israel trong cuộc chiến đó đã dẫn đến việc Israel lần thứ hai đem quân tấn công Lebanon vào năm 1982.
Hàng triệu người Palestine phải rời bỏ quê hương kể từ năm 1948. Ảnh: Wikipedia.
Dù PLO chính thức bị trục xuất khỏi Lebanon năm 1982, những ảnh hưởng của phong trào kháng chiến Palestine với nước này vẫn còn. Lực lượng dân quân Hezbollah được thành lập để chống lại sự chiếm đóng của Israel trong cuộc chiến năm đó đã vươn lên thành lực lượng chính trị mạnh nhất tại Lebanon, rồi liên tục giao chiến với Israel ở khu vực biên giới trong nhiều thập kỷ để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc đấu tranh của người Palestine. Các trận đấu súng, đấu pháo, đấu tên lửa giữa Hezbollah và Israel đã dẫn tới những mất mát và tàn phá nặng nề với cả Israel cũng như cư dân của một dải biên giới của Lebanon.
Hiện tại, người tị nạn Palestine vẫn là vấn đề nan giải với chính quyền Lebanon. Họ vẫn chỉ sống trong các khu định cư do UNRWA cải tạo lại từ các trại tị nạn bởi việc trao cho họ nhiều quyền công dân hơn sẽ làm đảo lộn sự cân bằng giáo phái vốn đã khá mong manh giữa người Hồi giáo Sunni, Shia, người Druze và người Công giáo ở Lebanon. Trong khi đó, chiến dịch tấn công tổng lực của Israel nhằm vào Hezbollah cuối năm ngoái, bao gồm cả các cuộc không kích dữ dội vào một số khu dân cư, đã khiến cơ sở hạ tầng cũng như cuộc sống của người Lebanon bị ảnh hưởng nặng nề.
Ai Cập hiện cũng rất lo ngại một kịch bản tương tự, khi các chiến binh Hamas có thể trà trộn vào dòng người tị nạn tới Bán đảo Sinai và biến nơi này thành căn cứ địa tổ chức những cuộc tấn công Israel. Điều này không chỉ đe dọa hòa bình giữa Ai Cập và Israel, mà thậm chí còn có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của các phong trào Hồi giáo cực đoan, đe dọa sự ổn định chính trị của Ai Cập.
Tại các quốc gia Vùng Vịnh khác, về mặt kỹ thuật thì những nước này không tiếp nhận bất kỳ người tị nạn Palestine nào, thay vào đó coi họ là những người nhập cư tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện có hơn 600.000 người Palestine đang trú ngụ ở các nước Vùng Vịnh theo con đường như vậy. Nhưng, trong vài thập kỷ gần đây, do lo ngại các nhà lãnh đạo Palestine ở nước ngoài kêu gọi bạo lực chống lại Israel, những quốc gia Vùng Vịnh này đã bắt đầu đặt ra các hạn chế đối với việc nhập cư của người Palestine. Do đó, càng dễ hiểu khi hầu hết họ đều kiên quyết phản đối ý tưởng di dời cư dân Gaza.
Quang Anh