Vì sao các tỉnh miền Tây đăng ký nhà ở xã hội nhiều, thực hiện lại rất ít?

Vì sao các tỉnh miền Tây đăng ký nhà ở xã hội nhiều, thực hiện lại rất ít?
4 giờ trướcBài gốc
Đăng ký đầu voi, thực hiện đuôi chuột
Trà Vinh được Thủ tướng giao chỉ tiêu 27.900 căn trong chương trình "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội" giai đoạn năm 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, Trà Vinh phải hoàn thành 8.900 căn, giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 19.000 căn.
Nhà ở xã hội Hồng Loan đã bàn hoàn thành bán 300 căn hộ.
Đến nay, dù đã gần giữa năm 2025, Trà Vinh chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với hơn 2.000 căn (chưa đạt 1/4 số căn phải hoàn thành). Trong đó, đang mở bán hơn 1.600 căn, cho thuê 411 căn trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Các dự án khác đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư, chưa có phản hồi.
Với Tiền Giang, giai đoạn 2021-2030, tỉnh phải thực hiện 21 dự án nhà ở xã hội với khoảng 9.615 căn hộ (trước đó, Thủ tướng giao cho Tiền Giang chỉ tiêu 7.800 căn). Giai đoạn 2022-2025, tỉnh phải hoàn thành 3.100 căn.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, tính đến nay, tỉnh mới hoàn thành một dự án nhà ở xã hội với tổng số 203 căn đã đưa vào sử dụng; một dự án khác có tổng số 629 căn đang được Sở Xây dựng thẩm định, xác định giá bán, giá cho thuê. Như vậy, tổng số nhà ở xã hội mới đạt 831 căn/chỉ tiêu 3.100 căn.
Tỉnh Hậu Giang được giao chỉ tiêu 1.400 căn. Năm 2025, phải hoàn thành và bàn giao 700 căn. Nhưng tới nay, tỉnh chỉ có một dự án nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viên vận hành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang thi công. Dự án quy mô 2 block nhà chung cư 8 tầng, 20 căn nhà liền kề. Nhà thầu cam kết tháng 3/2026 mới hoàn thành. Xem ra số căn hộ cần hoàn thành còn rất xa.
Còn tại Cà Mau, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh được giao chỉ tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 2.900 căn. Tuy nhiên, tới nay mới có 119 căn hiện hữu, còn lại vẫn nằm trên giấy!
"Tỉnh có một dự án nhà ở xã hội phường Tân Xuyên do Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Cà Mau đã hoàn thành 45 căn. Trong năm nay sẽ hoàn thành tiếp 74 căn và tỉnh cũng mới khởi công một dự án nhà ở xã hội quy mô 1.000 căn khác", ông Bi thông tin.
Thành phố Cần Thơ - thủ phủ miền Tây - được giao chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 9.100 căn. Giai đoạn năm 2021-2025, thành phố Cần Thơ phải hoàn thành 4.100 căn. Thực tế, thành phố có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Chung cư nhà thu nhập thấp Hồng Loan; Chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát; Chung cư nhà ở xã hội thuộc Dự án chỉnh trang và phát triển đô thị An Phú Cần Thơ, tất cả có khoảng 587 căn.
Các dự án nhà ở xã hội khác ở Cần Thơ đang triển khai, gồm: Chung cư nhà ở xã hội Gia Phúc (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy), Chung cư nhà ở xã hội Hồng Loan 5C, Khu dân cư Hồng Loan (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), Chung cư nhà ở xã hội Nam Long 2 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), Chung cư nhà ở xã hội 1 (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng). Tuy nhiên chỉ có dự án Chung cư nhà ở xã hội Nam Long 2 tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Các dự án còn lại đang gặp khó về nguồn vốn.
Khu nhà ở xã hội tại phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau đang trong giai đoạn hoàn thành.
Nhiều nguyên nhân
Lý giải nguyên nhân vì sao dự án nhà ở xã hội chậm triển khai và khó thu hút nhà đầu tư, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có nhiều quỹ đất dành cho nhà ở xã hội được bố trí nhưng chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng lý do tương tự, ông Huỳnh Hữu Trí, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay đất sạch dành cho phát triển nhà ở xã hội của địa phương chưa có. Nhiều dự án nhà ở xã hội nằm trong quy hoạch chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đất sạch nên nhà đầu tư ngại tham gia.
"Một số danh mục phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn các huyện nằm xa trung tâm tỉnh, điều kiện kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, thông thoáng, kinh tế khó khăn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư đến với địa bàn các huyện", ông Trí nói.
Cùng với đó, các địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội như: Lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, đề xuất chủ trương đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất...
Bạc Liêu xin chủ trương chuyển công năng ký túc xá cho sinh viên bỏ hoang thành 150 căn nhà ở xã hội.
Cũng vấn đề quỹ đất, Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho hay, luật quy định các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội, nhưng lại chưa quy định thời gian bắt buộc chủ đầu tư phải triển khai xây dựng. Từ đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại né tránh, kéo dài thực hiện trách nhiệm này hoặc sắp xếp tiến độ cuối thời kỳ thực hiện dự án.
Được biết, An Giang được giao chỉ tiêu hoàn thành 6.300 căn nhà ở xã hội tới năm 2030, trong đó giai đoạn 2022-2024 hoàn thành 1.890 căn; năm 2025 phải hoàn thành tiếp 754 căn. Tuy nhiên chỉ có 98 căn giai đoạn 2021-2024 hoàn thành, còn 656 căn dự tính tiếp tục... triển khai!
Do những lý do trên nên việc xây dựng nhà ở xã hội ở miền Tây diễn ra rất chậm chạp. Nếu không có những quyết sách và đòi hỏi quyết liệt, thì chủ trương một triệu căn nhà ở xã hội mà các tỉnh ào ạt đăng ký và được giao sẽ khó mà hoàn thành.
Để chương trình một triệu căn nhà ở xã hội thành hiện thực Sở Xây dựng tỉnh An Giang gởi kiến nghị đến Bộ Xây dựng, trong đó có các nội dung như sau:
Kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành quy định về việc bố trí vị trí, tiến độ của hạng mục nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại (nhằm không để chủ đầu tư "câu giờ" trong thực hiện nhà ở xã hội).
Kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ ban hành quy định hoặc điều chỉnh, bổ sung Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; trong đó có các nội dung chi tiết về trách nhiệm, hành vi vi phạm của các bên liên quan trong phát triển nhà ở xã hội.
Đào Văn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/nha-o-xa-hoi-mien-tay-dang-ky-nhieu-thuc-hien-it-vi-sao-192250424082536033.htm